Nín thở…
Việc Nhà xuất bản Giáo dục đòi tăng giá sách giáo khoa lên thêm 9,8%; trước đó, một số nhà in kêu thiếu giấy in báo…, dưới góc nhìn của giới sản xuất, kinh doanh giấy trong nước, đây chính là những biểu hiện đầu tiên từ áp lực tăng giá rất mạnh của các nguyên liệu ngành giấy.
“Gần như chưa năm nào, giá giấy và bột giấy trên thế giới lại tăng hàng tháng, thậm chí tăng hàng ngày như từ cuối năm 2007 đến nay. Do vậy, nó đã đẩy nhiều DN giấy vào cảnh tăng giá đầu ra không theo kịp tốc độ tăng giá đầu vào” - ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy VN, nhận xét.
Theo tính toán của Công ty Giấy Tân Mai, giá giấy Indonesia nhập về VN tháng 4 đã tăng khoảng 138 USD/tấn so với tháng 1, hiện bán ra ở mức trên 800 USD/tấn.
Trong nước, từ đầu năm đến nay giấy Bãi Bằng điều chỉnh giá 1 đợt với mức tăng khoảng 600.000 đồng/tấn thì giấy Tân Mai đã có 3 đợt tăng giá.
Riêng các loại giấy in, viết với độ trắng và định lượng khác nhau của Tân Mai đã tăng giá trung bình gần 12%. So với quý I/2007, mức giá hiện tại của các loại giấy này đã tăng 29% và tăng 21% so với quý IV/2007.
Mặc dù giá giấy thế giới vẫn đang ở mức cao nhưng do thực hiện chỉ đạo kiềm chế tăng giá đến hết ngày 30/6 của Chính phủ, đồng thời sức tiêu thụ hiện đang chững nên từ cuối tháng 4 đến nay, các nhà máy giấy lớn trong nước chưa có thêm đợt tăng giá mới. Đó là chưa kể, một số loại giấy sản xuất trong nước đang có giá thấp hơn đến 1 triệu đồng/tấn so với giấy nhập ngoại.
Tuy nhiên, hầu hết DN đều dự báo, nếu không có gì thay đổi, việc tăng giá giấy cũng như các sản phẩm từ giấy thời gian tới sẽ là điều không tránh khỏi.
Mức tăng nào cho giấy in, giấy vở học sinh?
Anh Vũ Văn Dũng - Trưởng phòng tiêu thụ, Công ty Giấy Tân Mai nhận định, nhiều khả năng giá giấy in sách sẽ tăng từ 10-15%, giá giấy tập, vở học sinh sẽ tăng trung bình từ 13-15% từ nay đến tháng 9.
Lý do mà anh Dũng đưa ra là lượng tập, vở học sinh có nguồn gốc Trung Quốc (thường chiếm đa số tổng tiêu thụ của thị trường nội địa nhờ hình thức đẹp, giá rẻ) năm nay sẽ bị sụt giảm mạnh bởi giá giấy vở tại nước này đang rất cao, đồng thời các DN Trung Quốc năm nay đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Cùng với các chi phí đầu vào khác như than, điện, hóa chất, xăng dầu… đều lên giá, mức tăng kể trên của giấy tập, vở học sinh - theo anh Dũng, đơn vị nào tốt mới giữ được như vậy. Bằng không, các nhà sản xuất giấy vở sẽ phải tìm các loại giấy có chất lượng thấp hơn để hạn chế tăng giá.
Cũng khẳng định “tăng giá là không tránh khỏi” nhưng anh Trương Quang Luyến - GĐ Marketing Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà lại đặt vấn đề, giá giấy tập, vở học sinh không thể nào tăng đúng mức tăng của nguyên liệu đầu vào, mà DN phải tính toán, tiết giảm các chi phí để giữ mức tăng tối đa khoảng 7%, thời gian tới.
Hiện tại, với lý do lượng nguyên liệu dự trữ vẫn còn nên Hồng Hà chưa tăng giá bán; đến khi nào không “trụ” được nữa mới tăng, nhưng theo quan sát trên thị trường, các loại tập, vở học sinh của hãng này nói riêng đều đã tăng giá ở các mức khác nhau.
Cụ thể, tại hiệu sách Trí Tuệ, các loại vở viết Hồng Hà 72 trang, 200 trang, 300 trang, giá niêm yết lần lượt là 4.000 đồng, 9.500 đồng và 13.400 đồng…, đều tăng từ 500 – 1.500 đồng/quyển so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thường mỗi lần nhà sách nhập hàng vào là lại thấy tăng giá thêm 500 đồng/quyển. Không chỉ riêng Hồng Hà mà nhiều hãng vở khác cũng đã tăng giá từ đầu năm nay” - nhân viên quầy vở viết tại đây cho biết.
Hiện sức mua trên thị trường còn im ắng nên các DN giấy vở còn nhìn nhau, nghe ngóng nhưng chỉ 1–2 tháng nữa thôi, khi nhu cầu sách vở cho năm học mới tăng lên, không tránh khỏi trường hợp các hãng đều ồ ạt tăng giá.
Cùng với mức tăng từ các tầng, nấc phân phối, chi phí tập, vở, sách các loại năm nay chắc chắn sẽ làm “chóng mặt” đa số người tiêu dùng.
Theo VNN