Dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre tại Yangon. (Nguồn: Globalnewlightofmyanmar) |
Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được Hội đồng cấp phép thành lập chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Myanmar lựa chọn cấp phép sơ bộ thành lập Chi nhánh tại nước này. Theo Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà, việc BIDV được lựa chọn chứng tỏ vị thế, năng lực, uy tín, cùng khả năng đóng góp cho nền kinh tế Myanmar hiện tại và tương lai đã được Chính phủ Myanmar ghi nhận và đánh giá cao.
Đường đến Myanmar
Thị trường Myanmar được coi là đầy hấp dẫn không chỉ bởi phần lớn người dân chưa làm quen với các sản phẩm tài chính, mà còn vì đây là một thị trường đầy tiềm năng về cơ sở vật chất, hạ tầng và các ngành công nghiệp khác. Kể từ sau cuộc đổi mới năm 2011, Myanmar cần rất nhiều vốn để hiện thực hóa “giấc mơ” của mình. Song, các dự án đầu tư vào Myanmar sau thời kỳ này đều có sự tham gia chọn lọc của các cơ quan quản lý. Đặc biệt, ngành ngân hàng luôn khó chen chân nhất.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2010, triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam giao, BIDV đã chính thức thành lập Văn phòng đại diện (VPĐD) tại Myanmar và là đầu mối thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội. Qua gần sáu năm hoạt động, VPĐD BIDV tại Myanmar và AVIM đã có những đóng góp tích cực, quan trọng không ngừng hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, BIDV đã tư vấn, chia sẻ với Chính phủ Myanmar các kinh nghiệm trong cải cách, mở cửa kinh tế. Đây chính là bước chuẩn bị tốt để thiết lập nền tảng khách hàng Việt Nam và Myanmar ổn định cho hoạt động kinh doanh của BIDV tại Myanmar.
Đến nay, BIDV là ngân hàng quan hệ với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư hoặc quan tâm tới thị trường Myanmar. BIDV cũng đã chủ động thiết lập các kênh trao đổi thông tin thường xuyên với Chính phủ, các Bộ, ngành và các định chế tài chính tại Myanmar như Ngân hàng Ngoại thương Myanmar (MFTB), Ngân hàng Đầu tư và Thương mại Myanmar (MICB) thuộc khối NHTM Nhà nước; Ngân hàng Phát triển Công nghiệp vừa và nhỏ (SMIDB), Ngân hàng Kanbawza (KBZ) thuộc khối NHTM tư nhân...
Sáu năm qua hợp tác kinh tế Việt Nam - Myanmar đã có những bước phát triển đột phá. Về đầu tư, tổng giá trị đầu tư của Việt Nam vào Myanmar tăng 28 lần trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015. Thương mại song phương tăng 2,9 lần từ mức 152 triệu USD (năm 2010) lên mức 434,7 triệu USD (năm 2015). Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, hoạt động hợp tác kinh tế Việt Nam - Myanmar đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chính là do chưa có hoạt động ngân hàng thương mại của Việt Nam tại Myanmar hỗ trợ. Năm 2014, Việt Nam không có dự án nào được cấp phép tại Myanmar, giá trị thương mại năm 2015 chỉ đạt 434,7 triệu USD giảm so với năm 2014 là 480,6 triệu USD.
Tháng 1/2016, Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) tiếp tục mời một số ngân hàng nước ngoài tham gia đợt cấp phép mở chi nhánh tại Myanmar lần hai, BIDV tiếp tục theo đuổi mục tiêu trong đợt này. Việc lựa chọn ngân hàng nước ngoài được phép mở chi nhánh tại Myanmar được Chính phủ Myanmar thực hiện thông qua một đơn vị tư vấn quốc tế, được tiến hành khách quan, công khai minh bạch, dựa trên các tiêu chí rất cụ thể.
Hỗ trợ đắc lực nhu cầu giao thương
Theo nội dung thông báo, trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sơ bộ, BIDV sẽ hoàn tất mọi thủ tục và điều kiện để khai trương hoạt động chi nhánh theo qui định của CBM. BIDV khẳng định và cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện được đính kèm với chấp thuận sơ bộ để được cấp giấy phép chính thức. Theo kế hoạch, chi nhánh BIDV tại Myanmar sẽ chính thức khai trương đi vào hoạt động trong năm 2016. Trụ sở chi nhánh đặt tại Trung tâm thương mại hàng đầu Myanmar hiện nay - Trung tâm phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar tại Yangon.
Nói về sự kiện này, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng cho biết, trước đây, việc chưa có ngân hàng của Việt Nam tại Myanmar là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Myanmar. Do vậy, việc BIDV thành lập chi nhánh tại Myanmar sẽ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch của Việt Nam sang Myanmar.
Như vậy, trong đợt “xét tuyển” lần hai, BIDV đã được chọn để trở thành Ngân hàng Việt Nam đầu tiên mở chi nhánh tại Myanmar. Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà khẳng định, phát huy kinh nghiệm triển khai thành công tại thị trường Lào và Campuchia trong nhiều năm qua, chắc chắn Chi nhánh BIDV tại Myanmar sẽ sớm đi vào hoạt động hiệu quả, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, khẳng định rõ vai trò đầu tàu, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại thị trường Myanmar, góp phần hoàn thành sớm mục tiêu Thoả thuận hợp tác kinh tế đã được Chính phủ hai nước thống nhất.
Mới đây nhất, ngày 19/3, trong sự kiện khởi công giai đoạn hai dự án HAGL Myanmar Centre, đại diện Ngân hàng BIDV Việt Nam cho biết đã cam kết thu xếp cho dự án này 35% tổng vốn đầu tư dự án - khoảng 230 triệu USD.