📞

Dệt may châu Á lo sợ khi Việt Nam vào TPP

15:33 | 20/02/2016
Tờ Nikkei Asian Review ngày 16/2 nhận định, nhiều nước xuất khẩu dệt may trong khu vực châu Á đang thực sự cảm thấy sức nóng cạnh tranh từ Việt Nam khi TPP được ký kết.
Nhiều nước châu Á đang "đứng ngồi không yên" trước sức ép từ dệt may Việt Nam. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Là một trong bốn nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam đang đứng trước cơ hội vô cùng to lớn trong việc tiếp cận thị trường của 11 quốc gia thành viên TPP và 28 quốc gia thành viên EU. Đây  là những thị trường lớn mà mọi quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á đều mong muốn tiếp cận.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), riêng Hiệp định TPP sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (ngành dệt may, da giày và thủy sản) tăng 30% và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng 10% vào năm 2030.

TPP vẫn cần được Mỹ và các nước phê chuẩn, điều này sẽ trì hoãn việc thực thi hiệp định cho đến ít nhất là năm sau trong khi EVFTA sẽ cần đến 7 năm trước khi thuế suất đối với hàng dệt may Việt Nam sang châu Âu được dỡ bỏ hoàn toàn.

Dù vậy, các nước xuất khẩu may mặc trong khu vực như Campuchia hay Myanmar lo ngại nếu các Hiệp định thương mại được tiến hành như kế hoạch, Việt Nam sẽ tạo sức ép không nhỏ lên ngành dệt may của hai quốc gia này. Trung Quốc và Bangladesh, hai nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Cùng với đó là Indonesia và Pakistan, những nước có ngành dệt may lớn nhưng đang gặp khó khăn.

“Những hiệp định thương mại mà Việt Nam đang ký kết sẽ là một mối quan ngại không chỉ riêng với Myanmar mà toàn bộ khu vực châu Á”, Khine Khine New, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Myanmar (MGMA) lo lắng.

Nỗi lo của Myanmar và Campuchia  

Hiện nay, phần lớn các nhà xuất khẩu dệt may Myanmar đều coi châu Âu vừa là thị trường vừa là nhà đầu tư chính, khi ngành dệt may đang đóng vai trò chủ lực trong kế hoạch trở thành nền kinh tế sản xuất của quốc gia này.

Trên thực tế, năm 2013, Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm thuế hàng xuất khẩu từ Myanmar trong khuôn khổ chương trình tiếp cận thị trường dành cho các nước kém phát triển. Khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Myanmar xuất sang EU và dự kiến sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Với chương trình tương tự, Campuchia cũng đã tăng lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu từ 28% năm 2011 lên 42% năm 2014. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu dệt may Campuchia lo ngại sự cạnh tranh gay gắt từ Việt Nam khi EU giảm dần mức thuế hiện tại là 11,7% cho hàng dệt may từ Việt Nam - nơi năng suất lao động được đánh giá là cao hơn so với Campuchia.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, là một trụ cột của nền kinh tế Campuchia, ngành dệt may đã góp phần tạo ra hơn 700.000 việc làm và mang lại 5,3 tỷ USD, chiếm gần 80% trong tổng thu nhập từ xuất khẩu của Campuchia trong năm 2014.

Ken Loo, Tổng thư ký của Hiệp hội Dệt may Campuchia thừa nhận ngành dệt may đang mất dần thị phần Mỹ vào tay Việt Nam. “Nếu chúng tôi không thể cạnh tranh ngay cả trong điều kiện hiện tại thì khi TPP đến thì mọi chuyện sẽ ra sao? Câu trả lời là: chúng tôi vô cùng lo lắng”, ông nói.

Không chỉ riêng Campuchia, ngay ở thị trường Mỹ, ngành dệt may Myanmar cũng được dự báo sẽ gặp không ít thách thức từ Việt Nam - được cho là sẽ có thể tăng gấp đôi lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ một khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Giải pháp của Indonesia

Indonesia, quốc gia đang xuất khẩu 50% hàng dệt may vào Mỹ và EU, cũng đang cảm nhận sức nóng rõ rệt từ cuộc cạnh tranh với Việt Nam tại hai thị trường lớn này.

Một trong những lý do làm giảm sức cạnh tranh của Indonesia, theo Bộ trưởng Kinh tế nước này Darmin Nasution, là do chi phí năng lượng cao. Để giảm chi phí hoạt động cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, tháng 10/2015, Indonesia đã quyết định hạ thuế điện vào buổi tối.

“Thách thức chính vẫn do chi phí điện năng còn quá cao. Tiếp đó là những khó khăn khi tiếp cận hai thị trường châu Âu và Mỹ. Nếu chúng tôi có thể khắc phục được hai thách thức này, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may có thể đạt mức hai con số”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia Ade Sudrajat dự báo.

Những sức ép đến từ hai đối thủ trong khu vực là Malaysia và Việt Nam khi gia nhập TPP đã khiến Jakarta không khỏi lo lắng. Bộ trưởng Thương mại Indonesia Tom Lembong phát biểu hôm 27/1 rằng các hiệp định tự do thương mại (FTA) mới mà Việt Nam đang triển khai và ký kết sẽ là một “mối đe dọa”. Mặc dù quy mô nền kinh tế của Indonesia lớn gấp bốn lần của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2014 đã đạt 22,2 tỷ USD, trong khi từ Indonesia sang EU chỉ đạt 14,4 tỷ USD.

Bangladesh, Pakistan nghi ngại

Sức ép từ Việt Nam không chỉ khiến các nước trong khu vực đứng ngồi không yên mà còn lan sang cả nhiều nước trong khu vực châu Á như Bangladesh hay Pakistan…, vốn nổi tiếng là những quốc gia gia công dệt may giá rẻ.

Faruque Hassan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Dệt may Bangladesh cho biết, việc Việt Nam vào TPP sẽ thực sự là một mối quan ngại đối với các nước xuất khẩu dệt may như Bangladesh. Ông Hassan chỉ ra bất lợi của Bangladesh khi nước này vẫn phải chịu mức thuế trung bình 16% đối với mặt hàng dệt may khi xuất sang Mỹ còn ở Việt Nam mức thuế này sẽ được giảm trừ trong thời gian tới.

Trong khi đó, Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Dệt may Pakistan mới đây cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ từ Việt Nam. “Việt Nam là một thị trường dệt may mới nổi và đang dần trở thành một đối thủ đáng gờm, đặc biệt với ngành dệt sợi của Pakistan. Sau khi hoàn tất FTA với EU, Việt Nam đã xuất khẩu 23 tỷ USD hàng dệt may sang châu Âu, trong khi Pakistan chỉ đạt mức 5 tỷ USD”, báo cáo của Hiệp hội này lưu ý.

Tổng công ty May 10 thuộc Vinatex đã chủ động tìm hiểu thị trường trước khi TPP và EVFTA được ký kết. (Ảnh: Quang Hòa)

Việt Nam sẽ gặp phải thách thức gì?

Vào TPP đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải mở cửa hơn rất nhiều, trước mắt là việc cho phép các công đoàn hoạt động độc lập và trao nhiều quyền lợi hơn cho người người lao động.

Paul Huynh, Giám đốc Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam nhận định: “TPP sẽ mang lại cơ hội to lớn cho người lao động đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng như góp phần nâng cao năng suất lao động”.

Nếu thực hiện đúng theo những cam kết này, dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ hưởng lợi nhiều hơn so với các đối thủ trong khu vực. Bangladesh đã chịu tổn thất không nhỏ từ thảm họa sập xưởng may năm 2013, còn Myanmar và Campuchia thì thường xuyên xảy ra các cuộc biểu tình và đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Mức lương tối thiểu ở Campuchia đã tăng từ 80 USD/tháng lên 140 USD/tháng kể từ năm 2014. Mới đây, Myanmar đã tăng mức lương tối thiểu lên 67 USD/tháng vào năm 2015.

Các nhãn hiệu thời trang phương Tây không muốn hình ảnh bị ảnh hưởng bởi việc đình công có thể sẽ chọn cách tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc trao quyền lớn hơn cho công đoàn theo như cam kết trong TPP sẽ là một thách thức với Việt Nam khi nguy cơ về bất ổn chính trị có thể gia tăng.

Một thách thức lớn hơn mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt đó là quy tắc về xuất xứ. TPP quy định quy tắc xuất xứ rất nghiêm ngặt, theo đó, các sản phẩm dệt may của Việt Nam làm bằng vải nhập từ các nước không tham gia Hiệp định sẽ không được hưởng  ưu đãi.

Lường trước được điều này, nhiều công ty dệt may Việt Nam đã chủ động tìm hiểu và điều chỉnh để thích ứng với các quy định của TPP và EU trước khi các hiệp định được ký kết. Đầu năm 2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đạt được thỏa thuận với các công ty Nhật Bản đầu tư vào ngành dệt nhuộm trong nước. Nhiều công ty Trung Quốc cũng đã thành lập nhà máy dệt nhuộm tại Việt Nam – không phải để xuất khẩu trực tiếp mà để cung cấp vải dệt cho các nhà xuất khẩu trong nước. Đây là tín hiệu cho thấy “quy tắc xuất xứ” sẽ là thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc tận dụng cơ hội và khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ của Việt Nam”, Jayant Menon, Chuyên gia kinh tế ở Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bình luận.

Còn bà Trần Loan, Tổng giám đốc của doanh nghiệp Tohe Style, chuyên xuất khẩu áo thun và phụ kiện sang Nhật Bản cho biết, đối với nhiều hãng sản xuất dệt may Việt Nam, quy tắc xuất xứ là một thách thức lớn. “Hầu hết các nhà máy hiện nay đều nhập chỉ và các nguyên liệu khác từ Trung Quốc”, bà nói.

(lược dịch)