📞

Di sản Hồ Chí Minh: Còn mãi trong trái tim nhân loại

TRỌNG VŨ 10:33 | 27/02/2020
TGVN. Những con số như 35 tượng đài, 11 khu tưởng niệm, 20 con đường, đại lộ mang tên Bác, 40 cuốn sách được tác giả nước ngoài xuất bản... là những hình ảnh sinh động nhất nói lên sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp thế giới. Tuy nhiên, có một sự lan tỏa còn mạnh mẽ hơn nữa chính là tư tưởng của Người trong trái tim của nhân loại...
Hình ảnh và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, kết tinh tình cảm những ước mơ lớn của cả nhân loại.
Ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nói đến Bác, là nói đến “nhân” (nhân cách), “trí” (tư tưởng của Bác tập hợp tinh hoa nhất của trí tuệ nhân loại) và “dũng” (sự dũng cảm, hy sinh hết cuộc đời mình để cống hiến cho dân tộc). Vì vậy một nhà văn hóa lớn của Trung Quốc đã nói: Hồ Chí Minh là một người đại trí, đại nhân, đại dũng. Cho nên chúng ta cần nghiên cứu, tìm những giá trị phổ biến trong tư tưởng của Người để phổ biến đến toàn cầu”.

Vào năm 1987, khi Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”, Tổng Giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’bơ đã nhấn mạnh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó”. Điều này góp phần lý giải tại sao hơn nửa thế kỷ đã trôi qua từ khi Bác Hồ đã đi xa, nhưng hình ảnh và tư tưởng của Người vẫn là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, kết tinh tình cảm những ước mơ lớn của cả nhân loại.

Cũng như khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài (2010-2020) ngày 25/2 vừa qua: “Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về việc thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc”.

Dấu ấn Người trong lòng quốc tế

Cách đây 10 năm, Ban Bí thư đã thông qua các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” do Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, quý báu của nhiều chuyên gia, cán bộ lão thành nhằm phát huy ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO.

Kể từ năm 2009, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa thành các nội dung, kế hoạch, hoạt động của các bộ, ngành, địa phương liên quan và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong ngành Ngoại giao, việc triển khai thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung rất quan trọng của công tác Ngoại giao văn hóa, một trong các trụ cột của công tác đối ngoại, bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Việc triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, người dân trong nước và đặc biệt là bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trên thế giới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nhìn lại hành trình 10 năm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, việc tôn vinh Bác Hồ đã đạt nhiều kết quả tích cực và được triển khai ở khắp các châu lục thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hình thức tôn vinh đa dạng phong phú ở cả góc độ vật thể và phi vật thể.

Đặc biệt, 94/94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đều có các hoạt động, sự kiện có liên quan tới việc tôn vinh Bác với quy mô, phạm vi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước sở tại. Tại nhiều địa bàn, các hoạt động trên đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các chính đảng, giới học giả, truyền thông, phát huy hiệu quả giá trị lan tỏa của tư tưởng, đạo đức, nhân cách và thiên tài của Hồ Chí Minh dưới cả hai góc độ “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất”. Không chỉ vậy, các hình thức mang tính nghệ thuật, sáng tạo về Bác cũng được triển khai tại nhiều nước với nhiều sự đổi mới như xây dựng các Góc, Không gian Hồ Chí Minh tại các thư viện, trường học, tổ chức các đêm thơ, đêm nhạc, chiếu phim, phát hành tem...

Ông Nguyễn Văn Thuật - Giám đốc Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông): Hồ Chí Minh đã vĩnh viễn ra đi, nhưng tư tưởng đạo đức và phong cách của Người sẽ là đề tài vô tận và hấp dẫn đối với những người làm công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó có các nhà làm phim như ông để khai thái và lưu truyền cho các thế hệ con cháu mai sau.

Hình của Bác cũng là hình đất nước

Có thể nói, ở thời điểm một năm ý nghĩa như 2020 (kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2020), 45 năm ngày Giải phóng Miền Nam...), việc rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng trong quá trình triển khai các hoạt động về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài sẽ góp phần thiết thực để thực hiện tốt hơn các chủ trương của Đảng, các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Khi nói về ý nghĩa của hoạt động này, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, hình ảnh của Bác đã góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa độc đáo, đất nước tươi đẹp hội nhập phát triển và con người Việt Nam thân thiện yêu chuộng hòa bình.

Theo ông Cường, việc chính quyền sở tại các nước ủng hộ, hưởng ứng các hình thức tôn vinh Bác sẽ càng góp phần làm cho các nước và nhân dân sở tại hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Người, cũng như hiểu được con đường chính nghĩa mà Bác đã xây dựng cho cách mạng Việt Nam.

Với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: “Bản thân sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác Hồ thường chứa đựng những giá trị văn hóa, nhân văn đạo đức rất cao. Ngược lại, chính giá trị văn hóa ấy lại có tác động trở lại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và khẳng định vị trí của dân tộc Việt Nam”.

Các tuyển tập sách viết Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại Hội thảo: Đảng Cộng sản Việt Nam: 90 năm thành tựu và đoàn kết quốc tế.

“Khó báu cần gìn giữ cho tương lai”

Đó là lời khẳng định của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyên Dy Niên khi chia sẻ bên lề Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Bác. Ông chính là người đầu tiên của ngành Ngoại giao đã tổng kết những tư tưởng của Hồ Chí Minh và xây dựng khá đầy đủ những tư tưởng này thành cuốn sách “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu nghệ thuật ngoại giao Việt Nam.

Nhận thức sâu sắc về việc giữ gìn kho báu này của dân tộc, khi đưa ra những phương hướng chỉ đạo trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, những giá trị to lớn của di sản Hồ Chí Minh cần được tiếp tục tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài. Phó Thủ tướng yêu cầu phân vai rõ ràng, xác định nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan, ban ngành địa phương; lợi thế, thế mạnh của các kênh như đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, ngoại giao nghị viện, đối ngoại quốc phòng, an ninh, kênh chuyên gia, học giả, để xác định nhiệm vụ và nguồn lực, thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả cao nhất.

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng nhắn nhủ lại lời nhà báo trẻ người Liên Xô Ôxip Manđenxtam trong cuộc trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc vào năm 1923: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.