📞

Đi tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020

15:10 | 23/04/2018
“Từ năm 2018 - 2020, môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Khu vực tư nhân sẽ trưởng thành hơn, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mạnh hơn và các FTA mới ký kết hoặc kết thúc đàm phán sẽ có hiệu lực từ 2019 sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế”.

Đó là nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) tại hội thảo: “Kinh tế Việt Nam 2018: Nhận diện và Hành động” do Trường Doanh nhân PTI và Trường Kinh doanh PBS tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các diễn giả và đại biểu đã cùng thảo luận, phân tích về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 2017, quý I/2018 và tìm những động lực, dự báo những kịch bản phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Các diễn giả cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nước đã được ký kết tháng Ba vừa qua.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PT)

Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn

Năm 2017 kết thúc với một con số ấn tượng: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất kể từ năm 2009 đến nay và đạt 6,81%; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với 2016, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; tín dụng tăng trưởng 18,24%; lãi suất cho vay giảm nhẹ (phổ biến giảm 0,5% năm) thanh khoản của các tổ chức tín dụng bảo đảm; tỷ giá cơ bản ổn định. Xuất khẩu tăng 21,2%; nhập khẩu tăng 20,6% so với 2016; xuất siêu: 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân vãng lai thặng dư liên tục 7 năm liền.

Tiếp đà đó, quý I/2018 ghi nhận mức tăng trưởng 7,39%, cao nhất so với các quý I kể từ 2009 đến nay. Lạm phát ở mức thấp, so với tháng 12/2017 tăng 0,97%, so với tháng 3/2017 tăng 2,66%, so với tháng 2/2018 giảm 0,27%.

Theo ông Trương Đình Tuyển, đạt được những con số ấn tượng trên là nhờ những động lực tăng trưởng của nền kinh tế như: môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài FDI tăng; tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy công nghiệp chế tạo, chế biến tăng cao; sự phục hồi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp và nhu cầu nội địa tăng.

Những xu hướng chủ yếu tác động đến tăng trưởng

Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới trong các năm 2018 và 2019 được dự báo tăng trưởng tốt hơn 2017. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức 3,9% trong hai năm 2018 và 2019. Các tổ chức tài chính khác cũng dự báo tăng trưởng tích cực hơn 2017. Đó sẽ là những thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều những trở ngại khách quan có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, từ căng thẳng chính trị giữa các nước lớn đến các chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp bảo hộ mậu dịch…

Theo ông Trương Đình Tuyển, xung đột chính trị với việc đối đầu giữa Nga và Mỹ ở Syria sẽ tác động đến ổn định toàn cầu và tăng trưởng kinh tế thế giới. Thêm vào đó, xu hướng bảo hộ thương mại đang ngày càng mạnh lên ở Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với những biện pháp bảo hộ như chống bán phá giá, chống trợ cấp... cũng là yếu tố không thuận lợi cho kinh tế Việt Nam.

“Việt Nam hiện đang đứng hàng thứ 6 trong số những nước xuất siêu lớn vào Mỹ nên rất dễ bị chính quyền Tổng thống Trump áp dụng các biện pháp bảo hộ”, ông Tuyển nhận định.

Cúng với đó là nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dù không bên nào muốn xảy ra cũng đã và sẽ tác động xấu đến tâm lý các nhà đầu tư. Ngoài ra, một trở ngại nữa có thể kể đến là áp lực lạm phát đang tăng lên so với 2017 do giá dầu và giá các nguyên liệu cơ bản cũng tăng.

“Tuy nhiên, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và dự báo cả năm không vượt quá 4% năm 2018, năm 2019, 2020 có tăng lên nhưng không nhiều và không vượt quá mức khống chế 5% theo chỉ tiêu Quốc hội”, ông Tuyển nhận xét.

Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức khoảng 6,6% và trung bình giai đoạn 2018 - 2020 sẽ đạt khoảng 6,7%/năm. (Nguồn: Zhihu.com)

Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong trung và dài hạn, những yếu tố như giảm năng suất lao động, tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... cũng tác động tiêu cực đến tính hiệu quả và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo kịch bản nào?

Từ những đánh giá về các mặt thuận lợi và khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế theo 3 kịch bản: Kịch bản thứ nhất: Trong điều kiện bình thường Tăng trưởng bình quân 2018-2020 là 6,67%. Kịch bản hai: Có một số cải thiện (tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn, khu vực tư nhân lạc quan hơn vào tiến trình cải cách ở Việt Nam...) và có mức độ nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lớn hơn thì:Tăng trưởng bình quân 2018-2020 là 6,83%.

Kịch bản thứ ba là thực hiện cải cách có tính đột phá (trong đó có môi trường đầu tư - kinh doanh, chính sách cạnh tranh, đổi mới sáng tạo...) dẫn tới cải thiện vốn đầu tư của khu vực tư nhân, cải thiện hiệu quả của Doanh nghiệp nhà nước, tạo được tác động lan tỏa tích cực của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước...

Còn theo ông Trương Đình Tuyển, từ năm 2018 - 2020, môi trường kinh doanh ở nước ta tiếp tục được cải thiện. Khu vực tư nhân sẽ trưởng thành hơn, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mạnh hơn và các FTA mới ký kết hoặc kết thúc đàm phán sẽ có hiệu lực từ 2019 sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

“Từ đó, theo tôi, tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức khoảng 6,6% và trung bình giai đoạn 2018 - 2020 sẽ đạt khoảng 6,7%/năm”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định.