Binh sĩ Ukraine dỡ lô vũ khí được Mỹ chuyển tới Kiev, tháng 2/2022. (Nguồn: Reuters) |
Tin mừng của Kiev
Sau 6 tháng trì hoãn và tranh cãi, ngày 20/4 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ nước ngoài, trong đó có khoản hỗ trợ trị giá 60,8 tỷ USD dành cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Gói viện trợ quân sự mới của Washington hứa hẹn sẽ giúp Kiev thoát khỏi tình trạng cạn kiệt vũ khí và đạn dược, đồng thời tạo điều kiện cho các lực lượng Ukraine tiến hành các cuộc phản công tầm xa mới.
Đây rõ ràng là tin đáng mừng đối với quốc gia Đông Âu, tuy nhiên, gói viện trợ này thực sự sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình xung đột Nga-Ukraine? Giải đáp cho câu hỏi này, cần phải xem xét những yếu tố khiến Nga giành được ưu thế về quân sự trong xung đột những tháng gần đây.
Các chuyên gia cho rằng, đó là sự kết hợp của 3 yếu tố.
Một là ưu thế về pháo binh của Nga. Moscow hiện sở hữu kho đạn khổng lồ và có thể sử dụng số lượng đạn nhiều gấp 5 đến 10 lần so với Kiev.
Hai là năng lực phòng không suy yếu của Ukraine. Trong khi máy bay Nga gần đây có thể hoạt động sát mặt trận mà không bị bắn hạ, thì các vị trí của Kiev lại bị bom lượn hạng nặng của Moscow phá hủy một cách có hệ thống .
Ba là sự mất cân bằng về nhân lực. Mặc dù cùng chịu tổn thất lớn về nhân sự nhưng Nga có thể bù đắp bằng cách liên tục điều động quân. Trong khi đó, Ukraine đến nay thiếu hụt lực lượng tình nguyện tham gia xung đột.
Trong bối cảnh Moscow đang chiếm nhiều ưu thế, gói viện trợ quân sự mới của Washington dành cho Kiev mang ý nghĩa rất lớn. Dự kiến Lầu Năm Góc có thể giao đạn dược ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật viện trợ quân sự cho Ukraine.
Có thể khẳng định, đạn pháo giải quyết được vấn đề lớn nhất vì xung đột ở Ukraine chủ yếu vẫn sử dụng pháo binh. Mặc dù các công nghệ mới như thiết bị bay không người lái (UAV) cũng như các loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình đóng vai trò không nhỏ trong xung đột, nhưng sức mạnh của pháo binh vẫn là yếu tố chủ chốt đối với những tiến bộ trên bộ và khả năng phòng thủ của Kiev.
Với hỏa lực pháo binh tập trung, quân đội Ukraine có thể chặn bước tiến của xe tăng Nga một cách hiệu quả hơn. Trên hết, quốc gia Đông Âu cần đạn pháo cỡ nòng 155 mm cho pháo từ kho dự trữ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như đạn cho bệ phóng tên lửa Himars của Mỹ.
Ông Matthew Savill, chuyên gia quốc phòng tại Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh, nói: “Chúng tôi mong đợi pháo binh (đạn pháo và nòng pháo) cũng như các hệ thống phòng không và tên lửa được ưu tiên bổ sung vào kho dự trữ đã cạn kiệt (của Ukraine) do các cuộc không kích gần đây của Nga, đặc biệt là vào các cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine”.
Nhiều vấn đề còn tồn tại
Chuyên gia Matthew Savill cảnh báo rằng, ngay cả việc nhanh chóng cung cấp đạn pháo cũng sẽ không thể lập tức tạo ra vị thế ngang bằng cho Ukraine với khối lượng hỏa lực của Nga, nhưng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa hai bên.
Theo các chuyên gia quân sự, lượng dự trữ đạn dược lớn hơn ở Đông Âu đã sẵn sàng để chuyển giao cho Kiev, tuy nhiên, việc thay đổi tình thế trước mắt có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Đồng quan điểm này, trong một bài viết, tờ Financial Times cũng nhận định, gói viện trợ mới cho Ukraine nhiều khả năng sẽ làm chậm lại chứ chưa thể đảo ngược cuộc tấn công hiện tại của Nga. Kiev sẽ cần thời gian để phục hồi sau những tháng đầu năm khó khăn trước khi bắt đầu được hưởng lợi từ nguồn cung cấp thiết bị mới cũng như từ việc châu Âu và Mỹ tăng cường sản xuất đạn pháo.
Quốc hội Mỹ trao cho chính quyền của Tổng thống Biden nhiều quyền hạn trong cách sử dụng số tiền viện trợ đã được phê duyệt. Cụ thể, gói hỗ trợ Kiev không quy định chính xác về loại và số lượng viện trợ quân sự sẽ được cung cấp.
Mặc dù vậy, Hạ viện Mỹ đã nêu rõ về việc bàn giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine. Đây là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 165km đến 300km tùy theo phiên bản. Như vậy, quốc gia Đông Âu này sẽ lần đầu tiên nhận được tên lửa ATACMS với phạm vi tầm bắn lên tới 300km.
Chính quyền ông Biden từ lâu đã từ chối giao tên lửa ATACMS cho Kiev và cho đến nay chỉ giao một số lượng nhỏ phiên bản tầm ngắn. Với tên lửa ATACMS tầm xa, Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào toàn bộ bán đảo Crimea, trên đó có các căn cứ hải quân Nga và cây cầu quan trọng chiến lược bắc qua eo biển Kerch. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ cũng trao cho Tổng thống Biden quyền không giao hàng nếu lo ngại về an ninh.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, tính đến nay, tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Kiev là khoảng 46 tỷ USD. So với con số này, số tiền viện trợ mới được phê duyệt là rất đáng kể cho đến năm 2025 - thời điểm sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (tháng 11/2024).
Tuy nhiên, ở Washington, không có cuộc thảo luận nào về việc trang bị cho Ukraine trước khả năng các cuộc tấn công trên bộ và trên không mới của Moscow.
Theo cơ quan mật vụ Ukraine, Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn vào tháng 6 và có thể nhằm vào thủ phủ Kharkov. Với khoản viện trợ mới, Ukraine có thể chuẩn bị ứng phó tốt hơn nếu điều này xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là khi nào và bằng cách nào các lực lượng Ukraine có thể giành quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Nguồn cung cấp vũ khí không phải là vấn đề duy nhất của Ukraine. Hiện nước này không thể tập hợp đủ binh lính cho mặt trận. Luật huy động mới sẽ không giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra, các tân binh cần được huấn luyện quân sự kỹ lưỡng, điều khó có thể thực hiện trong bối cảnh xung đột không ngơi nghỉ.
Bên cạnh đó, các đơn vị mới của Ukraine cần thay đổi những thiếu sót về chỉ huy còn tồn tại từ cuộc phản công đáng thất vọng năm ngoái, đặc biệt là về cách phối hợp các chiến dịch quy mô lớn.
Các khoản ngân sách được Quốc hội Mỹ phê duyệt có thể được sử dụng để đào tạo trong khu vực NATO, nhưng năng lực của các khóa học như vậy cho đến nay vẫn còn quá hạn chế.
Câu hỏi cấp bách hiện nay là bao giờ trang thiết bị, vũ khí và đạn dược sẽ được giao cho Ukraine? Liệu chúng có đến tay Kiev kịp thời trước khi một cuộc tấn công lớn của Nga, khi mà các chỉ huy quốc gia Đông Âu lo ngại có thể tạo ra những lỗ hổng trên tiền tuyến? Và nếu kịp thời thì diễn biến tiếp theo sẽ là gì?
| Tổng thống Ukraine muốn thay tướng nhưng bị 'đương sự' cự tuyệt? Mỹ nói Nga sẽ nhận được 'bất ngờ thú vị' Báo chí Ukraine đưa tin, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đã yêu cầu Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Valeriy Zaluzhnyi từ ... |
| Nga cảnh báo sẽ cương quyết làm điều này nếu phương Tây trực tiếp tham chiến ở Ukraine Bộ Ngoại giao Nga ngày 28/2 cảnh báo sự hiện diện của quân đội phương Tây ở Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào đều ... |
| Giá vàng hôm nay 9/4/2024: Giá vàng tăng vù vù, thị trường lạc quan quá mức, vàng nhẫn cao ngất, SJC thu hẹp khoảng cách với thế giới Giá vàng hôm nay 9/4/2024, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục phiên thứ bảy liên tiếp, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh ... |
| Ukraine cay đắng thừa nhận tình hình đang xấu đi, Nga đạt được một số thắng lợi trên chiến trường Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 28/4 thừa nhận tình thế của Kiev trên tiền tuyến đã xấu đi ... |
| Bộ trưởng Quốc phòng Nga yêu cầu bơm thêm vũ khí cho chiến dịch quân sự, Phương Tây hứa hẹn với Ukraine điều này Bộ Quốc phòng Nga ngày 1/5 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã ra lệnh cung cấp thêm vũ khí và đẩy nhanh ... |
| Hướng dẫn cách nén video trên iPhone giúp tiết kiệm dung lượng Việc nén video trên iPhone giúp bạn tiết kiệm dung lượng lưu trữ và dễ dàng chia sẻ video qua mạng xã hội hoặc email ... |