📞

Điểm danh những phim truyền hình Việt nổi bật 2022

14:59 | 17/12/2022
Thương ngày nắng về là một trong những phim truyền hình Việt nổi bật trong năm 2022...
Thương ngày nắng về là một trong những phim truyền hình Việt nổi bật 2022.

Thương ngày nắng về

Thương ngày nắng về do Bùi Tiến Huy, Vũ Trường Khoa đồng đạo diễn, gồm hai phần, được remake từ phim Hàn Quốc Mother of Mine. Phim xoay quanh cuộc sống của bà Nga (NSƯT Thanh Quý) và ba con gái: Vân Khánh (Lan Phương), Vân Trang (Phan Minh Huyền) và Vân Vân (Ngọc Huyền). Chồng mất sớm, bà Nga một mình bán bún riêu nuôi các con ăn học. Lớn lên, mỗi đứa con một tính cách và số phận nhưng luôn được mẹ yêu thương, bảo vệ.

NSƯT Thanh Quý khắc họa sinh động người mẹ ít chữ, không địa vị xã hội nhưng yêu thương con vô bờ bến. Với mỗi đứa con, bà có một nỗi lo riêng. Vân Khánh đổ vỡ hôn nhân và trở thành mẹ đơn thân, Vân Trang tài giỏi, thành đạt nhưng luôn mang trong mình mặc cảm là con nuôi, bị mẹ đẻ ruồng bỏ còn Vân Vân mơ mộng, trẻ con.

Kịch bản được Việt hóa gần gũi đời sống với những câu chuyện dễ gặp trong nhiều gia đình chốn thị thành, như mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, con gái nhẫn nhịn mẹ chồng nhưng sỗ sàng với mẹ đẻ, nỗi lo của bà mẹ có con gái ngoài 30 tuổi vẫn lẻ bóng...

Thương ngày nắng về là một trong những phim nổi bật nhất của VFC năm qua, với hơn 70.000 lượt theo dõi trên trang fanpage chính thức và hàng chục nghìn thành viên tham gia group yêu phim.

Giấc mơ của mẹ

Giấc mơ của mẹ làm lại từ phim truyền hình ăn khách All About My Mom phát sóng ở Hàn Quốc năm 2015. Nội dung xoay quanh cuộc đời bà Thanh (Hồng Vân), người phụ nữ tần tảo cả đời lo cho chồng con. Tuy nhiên, tình thương quá lớn của bà đôi khi trở thành áp đặt, khiến con cái dần xa cách.

Bên cạnh đó, sự phân biệt đối xử giữa con trai lớn và con gái của bà cũng tạo ra những mâu thuẫn không nói thành lời trong gia đình. Ông Quốc, chồng bà Thanh, không phải trụ cột kinh tế của gia đình nhưng là cầu nối giúp cân bằng mối quan hệ giữa vợ và các con.

Với phiên bản Việt hóa do Nguyễn Minh Chung làm đạo diễn, nội dung phim được chỉnh sửa và có nhiều chi tiết phù hợp đời sống thực tế. Những tập gần đây tập trung khai thác nỗi lòng người mẹ khi con trai mình yêu thương, kỳ vọng nhất chấp nhận đi ở rể để chiều lòng vợ và tiện chăm sóc con riêng của vợ. Bà tủi thân mỗi lúc thấy con trai quan tâm mẹ vợ hơn mẹ đẻ, nghĩ cho nhà vợ nhiều hơn nhà mình nhưng luôn cố nén lại để giữ hòa khí gia đình.

Diễn xuất chân thật của NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu cùng dàn diễn viên trẻ Nhan Phúc Vinh, Diễm My 9X, Quốc Anh... khiến phim thêm hấp dẫn. Bên cạnh tình mẫu tử, Giấc mơ của mẹ còn có những câu chuyện tình yêu lãng mạn, vượt qua rào cản về xuất thân, địa vị, hoàn cảnh gia đình. Cặp Trà My - Trọng Khang do Diễm My 9X và Quốc Anh thể hiện được yêu thích hơn cả với mô típ tình yêu của "Lọ Lem" và "Hoàng tử giả nghèo".

Duyên kiếp

Duyên kiếp được dựa trên vở cải lương cùng tên của soạn giả Hoàng Song Việt, lấy bối cảnh trải dài từ những năm 1930 đến 1960, khi những người dân nghèo khổ phải chịu cảnh bị áp bức, chèn ép. Nội dung xoay quanh bốn nhân vật chính: chị em Lan (Oanh Kiều), Huệ (Trương Mỹ Nhân) và hai người chủ tớ Hai Lương (Bạch Công Khanh) - Thành (Huỳnh Đông).

Hai chị em Huệ và Lan sinh ra trong một gia đình tá điền nghèo ở miền Tây. Cả hai cùng xinh đẹp, giỏi giang, hiếu thảo và được nhiều trai làng để ý. Huệ sớm có mối tình đẹp với Thành, người ở trong gia đình địa chủ. Thành vốn là đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi bên gốc chuối và được người phụ nữ đem về nuôi. Hai Lương là cậu chủ của Thành, đầu óc ngây ngô, không phân biệt giai cấp và rất thích đi chơi cùng chị em Huệ và Thành. Họ rơi vào tình huống trớ trêu khi mẹ Hai Lương ép cậu lấy Huệ làm vợ bé, chia rẽ tình yêu của cô và Thành. Phim miêu tả thân phận người phụ nữ và nông dân luôn bị chà đạp trong xã hội phong kiến và khao khát của họ về tình yêu trọn vẹn nhưng không vượt được sự khống chế, đè nén của tầng lớp cai trị. Những tình huống dở khóc dở cười do nhân vật Hai Lương tạo ra khiến phim nhẹ nhàng, hài hước hơn.

Duyên kiếp khiến Bạch Công Khanh vụt sáng. Nhân vật cậu Hai Lương khờ khạo của anh mang đến những tình huống dở khóc dở cười cho phim. Nhiều trích đoạn của cậu Hai thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube và Facebook. Tên tuổi Trương Mỹ Nhân cũng được hâm nóng sau nhiều năm im hơi lặng tiếng. Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của các diễn viên Thân Thúy Hà, Khương Thịnh, Trương Minh Quốc Thái...

Garage hạnh phúc

Phim do Bùi Quốc Việt đạo diễn, xoay quanh cuộc sống của Sơn Ca do Quỳnh Kool thể hiện. Khác với đa số nữ chính dịu dàng trong các series truyền hình Việt, cô ăn mặc bụi bặm, tính cách như đàn ông. Bề ngoài bất cần, Sơn Ca sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Cô thiếu thốn tình cảm từ nhỏ vì có bố nghiện cờ bạc, mẹ mất tích nhiều năm, được ông nội nuôi nấng.

Sơn Ca yêu Quân (Bình An đóng), hết lòng vì người yêu rồi đau lòng khi phát hiện anh cặp kè đại gia để đổi đời. Hoàn cảnh đưa cô đến với Khải (Bảo Anh đóng), một người đàn ông lạnh lùng, khó đoán nhưng giàu lòng trắc ẩn. Sự chân thành của cô đã làm tan tảng băng, giúp anh hòa nhập hơn với những người xung quanh.

Garage hạnh phúc thu hút nhờ kịch bản lạ, tiết tấu nhanh, có nhiều phân đoạn lắng đọng đan xen những tình huống hài hước. Nhân vật chính tạo thiện cảm với khán giả bởi tính cách yêu ghét rõ ràng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Phim thể hiện thông điệp về bình đẳng giới, luôn khao khát tự lập, sẵn sàng làm mọi công việc mà cánh đàn ông đảm nhiệm. Ngoài ra, tác phẩm bàn về lựa chọn và những ngã rẽ của người trẻ trước cuộc đời nhiều cám dỗ.

Dù chỉ đóng vai phụ, Duy Hưng tạo ấn tượng mạnh với vai Trung, gây cười bằng lối nói chuyện thêm 's' vào tất cả các chữ. Cách chào "Hê's lô" của nhân vật này tạo thành xu hướng từ mạng xã hội đến đời sống thật. Các diễn viên còn lại như Quỳnh Kool, Bảo Anh... cũng được nhận xét tròn vai.

(theo Ngoisao)