📞

Điểm sáng đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Hà Phương 19:00 | 09/01/2025
Nhìn lại năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá đối ngoại, ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong, cùng với các ngành, các địa phương đóng góp thiết thực vào việc tạo đà, tạo thế và biến thế thành lực cho đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và một số bộ, ngành tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao 2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Năm 2025, như tinh thần của Phong trào thi đua được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát động, ngành Ngoại giao phát huy truyền thống vẻ vang 80 năm, ra sức xây dựng nền Ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị Tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 tổ chức tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, kết hợp trực tuyến với các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố và 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham gia Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ…

Cộng hưởng tầm nhìn, tư duy và định hướng chiến lược

Năm 2024 tiếp tục là năm không mấy dễ dàng với tình hình thế giới khi tiếp tục biến động rất phức tạp, thậm chí có nhiều vấn đề mới, vượt dự báo so các năm trước, thúc đẩy rõ nét hơn sự hình thành trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc với đặc trưng là tính chất bất ổn, khó lường và nhiều rủi ro.

Mặc dù vậy, như nhận định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, công tác đối ngoại và ngoại giao được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Vì sao đối ngoại và ngoại giao Việt Nam có thể thực hiện được sứ mệnh quan trọng đó trong bối cảnh quốc tế đầy biến động? Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cốt lõi lớn nhất nằm ở các yếu tố: Tầm nhìn và tư duy chiến lược về đối ngoại cùng các quyết sách, định hướng chiến lược và sự tham gia trực tiếp vào các hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, đã tạo chuyển biến căn cơ về cục diện đối ngoại của Việt Nam. “Nhờ đó, công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới…”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tại Hội nghị.

Những thành công của đối ngoại trong năm 2024 hoàn toàn có thể “cân, đong, đo, đếm” được phản ánh sinh động qua chia sẻ của một số Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tại điểm cầu Washington D.C, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng tự hào khi quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra sôi động, thực chất. Kim ngạch thương mại hai chiều tính đến hết tháng 10/2024 là 123,2 tỷ USD, tăng 19,5%, Việt Nam xuất siêu 112,7 tỷ USD; dự báo cả năm đạt khoảng 145-150 tỷ USD. Đối với quan hệ Việt Nam - Nga, theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, năm qua chứng kiến tiếp xúc cấp cao được thúc đẩy chưa từng có, trong đó phải kể đến chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Kazan và có cuộc hội đàm kéo dài hai tiếng với Tổng thống Putin…

Nếu ví những nỗ lực đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế 2024 với việc gieo trồng một mùa vụ thì những thành quả đạt được giống như những “trái ngọt được mùa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt”. Theo đúc kết của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, đối ngoại tiếp tục được nâng tầm và là điểm sáng trong tổng thể thành tựu năm qua, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Những kết quả này đạt được có sự đóng góp của ngành Ngoại giao, các lực lượng đối ngoại, bao gồm các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các Thứ trưởng Ngoại giao điều hành phiên tham luận Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ba từ khóa và những “bí kíp nằm lòng”

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát những thành quả của ngành đối ngoại, ngoại giao năm 2024 trong ba “từ khóa” là giữ vững, củng cố và tăng cường. Cụ thể là, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cho phát triển, xử lý hài hòa quan hệ với các đối tác quan trọng; tiếp tục củng cố tin cậy chính trị và nâng cấp quan hệ với các đối tác, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi và không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tác, địa bàn hoạt động ngoại giao, thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao công nghệ, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài...

Theo người đứng đầu Chính phủ, có một số kinh nghiệm “luôn phải nằm trong đầu” mà ngành Ngoại giao cần lưu tâm, đó là việc phải kiên trì đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, là bạn bè tốt, đối tác tốt, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế để bám sát tình hình, xử lý, đánh giá, phân tích, tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, Ngoại giao cần nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phân tích đúng, trúng, tham mưu chính xác không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại đối với các đối tượng - đối tác, các địa bàn.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Tâm đắc nói về những mục tiêu của đất nước với nỗ lực tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin, hy vọng của nhân dân và bạn bè quốc tế vào sự phát triển đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể.

Tinh thần phục vụ đắc lực đó được người đứng đầu Chính phủ cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ: Giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, thúc đẩy môi trường hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, đặc biệt là các nước lớn, các nước đối tác truyền thống và bạn bè. Đối ngoại phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp Internet và Internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vừa hồng vừa chuyên, nghĩ sâu làm lớn

Trong mọi sự nghiệp, yếu tố cốt lõi quyết định thành công chính là yếu tố con người. Có thể vì thế, chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng đan xen đề cập phát triển nguồn lực con người của ngành Ngoại giao.

Với quan điểm coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng lúc, Thủ tướng kỳ vọng ở đội ngũ cán bộ ngành Ngoại giao vừa hồng vừa chuyên: yêu nước, yêu nhân dân, yêu Đảng, yêu Tổ quốc, thạo nghề, thạo việc. Cùng với việc sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, theo Thủ tướng, Ngành cần chú trọng xây dựng những cán bộ ngoại giao tinh thông nghiệp vụ, có lòng tự tôn dân tộc, hoài bão lớn, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa trông rộng, nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ và có tính chuyên nghiệp cao.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh một trong những phương hướng trọng tâm của Ngành trong thời gian tới là thực hiện tốt chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương và tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bảo đảm triển khai thông suốt, thống nhất công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo bước tiến đột phá về xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia - dân tộc, tin cậy về phẩm chất, vững vàng về bản lĩnh, sâu sắc về chiến lược, nhạy bén về thời thế, khôn khéo về ứng xử và tinh thông về nghiệp vụ.

“Lời hứa” trước Thủ tướng Chính phủ về việc sớm ban hành và triển khai Chương trình công tác năm 2025 cùng lời phát động Phong trào thi đua hướng tới dấu mốc 80 năm của Ngành (28/8/1945-28/8/2025) kết lại Hội nghị tổng kết trong niềm vui hân hoan của mỗi cán bộ ngoại giao trước những nhiệm vụ lớn lao nhưng vinh quang phía trước, với quyết tâm lớn nhất đưa ngành Ngoại giao trở thành “điểm sáng của nhiều năm tiếp theo, đóng góp thiết thực, hiệu quả, tạo nền tảng đưa đất nước vững bước tiến lên vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng”, như kỳ vọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính.