📞

Điện Biên giữ vững an ninh, phấn đấu thành trung tâm khu vực Tây Bắc

Nhã Anh 11:32 | 21/11/2021
Baoquocte.vn. Là tỉnh duy nhất của Việt Nam có chung đường biên giới với cả Lào và Trung Quốc, Điện Biên nắm trọng trách cao cả trong việc bảo vệ an ninh biên giới, nhưng đồng thời cũng có nhiều tiềm năng thúc đẩy giao thương.
Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên nhìn từ trên cao. (Nguồn: QĐND)

Điện Biên là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với cả Trung Quốc và Lào.

Dài 455,573 km, đường biên giới quốc gia thuộc tỉnh Điện Biên gồm 161 vị trí/176 cột mốc quốc giới (trong đó, đoạn biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 40,861 km, biên giới Việt Nam - Lào dài 414,712 km).

Khu vực biên giới của tỉnh Điện Biên có 4 huyện (Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và Điện Biên), gồm 29 xã biên giới và 19 dân tộc anh em sinh sống.

Xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị

Theo Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Điện Biên Văn Sỹ Thắng, trong những năm qua, an ninh, trật tự khu vực biên giới tỉnh Điện Biên cơ bản ổn định; đường biên, mốc giới đảm bảo nguyên trạng, dễ nhận biết; và chủ quyền lãnh thổ được giữ vững.

Trên tinh thần xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh, trong đó Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ làm nòng cốt phối hợp với các lực lượng, địa phương trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cụ thể là, lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới tỉnh Điện Biên và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các tỉnh phía Lào, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc duy trì nghiêm việc thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới. Trên cơ sở đó, tỉnh Điện Biên thường xuyên phối hợp với các tỉnh phía Lào và Trung Quốc tuần tra, kiểm soát trên biên giới, tích cực trao đổi tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến biên giới giữa hai bên; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người…

Trong khi đó, nhân dân hai bên ở khu vực biên giới cũng thường xuyên qua lại, thăm thân, giao lưu, trao đổi hàng hóa… đảm bảo theo đúng quy định của Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và pháp luật của mỗi nước.

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Điện Biên khẳng định: “Nhờ đó, quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được duy trì, ngày càng phát triển, góp phần xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Tuy nhiên, ông Văn Sỹ Thắng cũng đồng thời chỉ ra những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự luôn tiềm ẩn ở khu vực biên giới tỉnh Điện Biên. Trong đó, tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và số lượng ma túy mua bán, vận chuyển qua biên giới. Ngoài ra, tình trạng di, dịch cư tự do trong nội địa và ra nước ngoài, các hoạt động vi phạm Hiệp định về Quy chế biên giới của nhân dân hai bên biên giới như xuất, nhập cảnh, vượt biên trái phép vẫn xảy ra...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải bắt đầu một buổi tuần tra. (Nguồn: PLVN)

Thúc đẩy biên mậu với mục tiêu trở thành trung tâm Tây Bắc

Là tỉnh duy nhất của Việt Nam có chung đường biên giới với cả Lào và Trung Quốc, Điện Biên có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển thương mại biên giới.

Tận dụng vị trí địa lý đặc biệt, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.

Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Điện Biên, mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19 song năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh) vẫn đạt 11.765 tỷ đồng, tăng 1,82% so với năm 2019 (đạt 96,73% kế hoạch). Riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 5.665 tỷ đồng, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với Lào, tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai bên gặp gỡ, trao đổi, ký kết và thực hiện các hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hóa và buôn bán biên mậu, hợp tác, đầu tư, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, mở chi nhánh cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn hai bên.

Đối với Trung Quốc, tỉnh thúc đẩy hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại và dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động trao đổi thương mại biên giới, tổ chức các sự kiện về hội chợ, hội thảo thương mại biên giới giữa hai bên theo hướng luân phiên; và tiến hành các thủ tục cần thiết trình cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên sớm được phép xuất, nhập khẩu qua Lối mở A Pa Chải (Điện Biên) – Long Phú (Vân Nam).

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần hai năm đã khiến hoạt động biên mậu, xuất nhập khẩu giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn khả năng lây lan của dịch Covid-19 và theo thông báo của phía Lào, tỉnh Điện Biên đã đóng cửa khẩu chính Huổi Puốc, cửa khẩu phụ Si Pa Phìn và các lối mở trên địa bàn tỉnh từ ngày 19/3/2020 đến nay.

Tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang, hoạt động xuất, nhập cảnh diễn ra hạn chế, chủ yếu hỗ trợ, đưa đón cán bộ, học sinh, sinh viên Việt Nam, Lào sang làm việc, học tập tại các cơ quan, cơ sở đào tạo ở hai nước, theo quy định phòng chống dịch Covid-19. Hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn triển khai nhưng chỉ thông quan hàng hóa bằng hình thức sang tải.

Tại Lối mở A Pa Chải, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Điện Biên về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã ban hành quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại Lối mở A Pa Chải từ ngày 30/01/2020. Đến nay, hoạt động xuất nhập cảnh vùng biên giới và trao đổi, mua bán hàng hóa tại chợ phiên khu vực Lối mở vẫn tạm dừng.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19 và từng bước mở cửa để phục hồi, phát triển kinh tế, với vị trí đặc biệt của mình, tỉnh Điện Biên đang đứng trước nhiều cơ hội để “đánh thức” tiềm năng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch và thương mại biên giới. Qua đó, phấn đấu đạt được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của khu vực Tây Bắc mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.