Ngoại trưởng Ấn Độ và Nhật Bản cùng người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom tại Diễn đàn Bộ trưởng EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở thủ đô Stockholm ngày 13/5. (Nguồn: Twitter) |
Theo Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa, Trung Quốc đang "tăng cường các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở biển Hoa Đông và Biển Đông" cũng như hợp tác quân sự với Nga trong không phận và vùng biển xung quanh Nhật Bản.
Trong bối cảnh môi trường an ninh đầy khó khăn này, điều quan trọng là "các quốc gia có cùng chí hướng" phải chung tay, đồng thời lên án chiến dịch quân sự của Nga đối với Ukraine là "một thách thức chung mà cộng đồng quốc tế phải đoàn kết cùng nhau giải quyết".
Chung quan điểm với người đồng cấp Nhật Bản về tầm quan trọng của hợp tác hai khu vực, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar khẳng định, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành trung tâm của định hướng chính trị toàn cầu. Việc EU và khu vực này 'bắt tay' càng mạnh mẽ thì càng thể hiện tính đa cực của trật tự thế giới.
"EU có lợi ích lớn trong sự phát triển của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là khi chúng liên quan đến công nghệ, kết nối, thương mại và tài chính".
Nhà ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh, “trong một cam kết như vậy với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU đương nhiên sẽ tìm kiếm các đối tác có cùng chí hướng. Ấn Độ chắc chắn nằm trong số đó”.
Theo đó, Ấn Độ-Thái Bình Dương, Ấn Độ và EU "cần có cuộc đối thoại thường xuyên, toàn diện và thẳng thắn, không chỉ giới hạn trong cuộc khủng hoảng hiện nay".
Liên quan đến Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski bày tỏ lấy làm tiếc về sự vắng mặt của nhiều quốc gia thành viên EU.
Ông Jablonski nhấn mạnh, “chúng ta nên tham dự với mức độ sâu rộng hơn. Cần thu hút được nhiều quốc gia hơn nữa. Chúng ta nên làm nhiều hơn nữa”. Với số người tham dự và tần suất các cuộc họp tương tự tăng dần thì diễn đàn sẽ trở nên “lớn hơn là chỉ tuyên bố”.
Đây là lần thứ 2 EU tổ chức Diễn đàn, sau khi khởi động hình thức này tại Paris (Pháp) hồi năm ngoái.
Trong số 27 quốc gia thành viên EU, chỉ có Bulgaria, Croatia, Cyprus, Phần Lan, Pháp, Latvia, Hà Lan, Ba Lan và Romania tham dự cuộc thảo luận tại Thụy Điển. Nhiều thành viên tham gia hội nghị đến từ Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Mauritius, Oman, Philippines, Timor Leste, Anh, Mỹ...
Trung Quốc không được mời tham dự hội nghị.