Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trực tuyến quan trọng tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021, kêu gọi hệ thống quản trị toàn cầu nên được thực hiện hợp lý và công bằng hơn. (Nguồn: Reuters) |
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, "thế giới cần công lý, không phải sự bá quyền", theo đó kêu gọi hệ thống quản trị toàn cầu nên được thực hiện hợp lý và công bằng hơn, đồng thời các quy tắc do một quốc gia hoặc một số quốc gia thiết lập không thể đem áp đặt cho những quốc gia khác.
Theo Chủ tịch Trung Quốc, việc tạo ra các rào cản và thúc đẩy quá trình chia tách sẽ gây tổn hại tới nước khác và không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.
Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước khác trên cơ sở Năm nguyên tắc chung sống hòa bình và thúc đẩy một kiểu quan hệ quốc tế mới.
Ông Tập Cận Bình cũng cam kết Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác với nhiều bên trong lĩnh vực kiểm soát bệnh truyền nhiễm, y tế công cộng, y học cổ truyền và các lĩnh vực khác.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao tổ chức Hội nghị thường niên định kỳ tại thành phố duyên hải Bác Ngao trên đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Diễn đàn này do 25 nước châu Á và Australia thành lập năm 2001 nhằm tạo môi trường đối thoại cấp cao cho chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, học giả về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường..., qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực châu Á.
Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 18-21/4, chủ yếu theo hình thức gặp mặt trực tiếp với sự tham gia của hơn 2.600 đại biểu.
Đây là diễn đàn quốc tế quy mô lớn đầu tiên trên thế giới trong năm nay được tổ chức chủ yếu dưới hình thức trực tiếp. Năm ngoái, hội nghị không được tổ chức do dịch Covid-19.
Trong khi đó, cũng tại Diễn đàn này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất, các nước châu Á tăng cường hợp tác đa phương với tính bao trùm được nâng cao nhằm đẩy mạnh vai trò của châu Á và sự quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức mà thế giới đang đối mặt, bao gồm sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương.
Ông Moon Jae-in cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "đoàn kết và hợp tác" quốc tế đối với sự chung sống và thịnh vượng mới trong thời kỳ hậu Covid-19. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), được ký năm ngoái, có thể đóng vai trò là phương tiện trung gian để tăng tốc hợp tác kinh tế khu vực.
Kêu gọi châu Á chung tay ứng phó với đại dịch Covid-19, nhà lãnh đạo Hàn Quốc tái khẳng định cam kết của Seoul thông qua Sáng kiến Hợp tác Đông Bắc Á về Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và Sức khỏe cộng đồng được khởi động hồi năm 2020.
TIN LIÊN QUAN | |
Tin thế giới 19/4: Nga nói Mỹ gửi 'tấm vé sang bên kia thế giới' cho Navalny; Anh sắp động tay ở Biển Đen; Lý do Thủ tướng Anh hủy thăm Ấn Độ |