Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Khánh Chi/TG&VN) |
Với chủ đề “Đầu tư vào khu công nghiệp khu kinh tế ven biển với trọng tâm là công nghiệp phụ trợ”, diễn đàn được đánh giá là cơ hội tự giới thiệu về tiềm năng của các địa phương tham gia cũng như cơ hội tìm hiểu hơn nữa của các đối tác Nhật đối với các địa phương này.
Cũng như Nhật Bản, Việt Nam có bờ biển dài trên 1200km là một lợi thế và sự hấp dẫn chiến lược. Có sự tham gia của 5 địa phương ven biển tiêu biểu, có sự phát triển năng động của Việt Nam, gồm Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư lũy kế trên 43 tỷ USD Mỹ, tương đương trên 21% tổng vốn FDI của cả nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam đã và đang xem phát triển công nghiệp hỗ trợ với chuẩn mực quốc tế là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu và được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, góp phần chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu của Nhật Bản và các nhà cung ứng khác trên thế giới.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh: “Từ đầu năm 2012 đến nay, tại Nhật Bản đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào Việt Nam với nhiều nội dung hấp dẫn và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Diễn đàn đầu tư Việt - Nhật vào khu công nghiệp không chỉ đặc biệt bởi nó nằm trong khuôn khổ sự kiện Gặp gỡ Việt-Nhật 2012 - một sự kiện giao lưu lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước được tổ chức tại Nhật Bản.
Toàn cảnh Diễn đàn đầu tư Việt-Nhật. (Ảnh: Khánh Chi/TG&VN) |
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung phát biểu: “Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với trên 1.700 dự án với tổng số vốn lên tới hơn 28 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư của Nhật Bản đa dạng về quy mô, đầu tư cho những lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, tốc độ triển khai cũng như giải ngân nhanh, Nhật Bản đang trở thành đối tác chiến lược tin cậy của Việt Nam. Thành công của những nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam là kết quả của những nỗ lực không ngừng của tinh thần hợp tác tích cực của Chính phủ cũng như các cơ quan và doanh nghiệp hai nước”.
Theo Bộ KH&ĐT, nhằm đổi mới cơ cấu đầu tư, tăng hàm lượng công nghệ để nâng cao chất lượng đầu tư, chất lượng tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Việt Nam chủ trương tập trung ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ tiên tiến như công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị sản xuất trong những ngành mà Việt Nam có lợi thế. Việt Nam đang định hướng phát triển các khu công nghiệp theo chiều sâu, tập trung thu hút các ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Yasuyuki Kawasaki, Giám đốc điều hành Ngân hàng SMBC cũng nhận định: “Quan sát những chuyển biến của kinh tế Việt Nam, chúng ta thấy rằng việc phát triển các khu công nghiệp và đặc biệt là công nghiệp phụ trợ là những điều kiện cần thiết để có thể thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn nữa”.
Tuy nhiên, ông Noriyuki Watanabe, Tổng giám đốc SMBC tại Hà Nội thì lưu ý rằng, mặc dù Việt Nam có đến hơn 280 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng số khu công nghiệp khu chế xuất có đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản không nhiều. Đồng thời, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn gặp phải một số khó khăn như nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đảm bảo, việc cung cấp điện không ổn định, hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện...
Sau hai phiên với hai nội dung Khai mạc và Khu Công nghiệp - điểm đến đầu tư hấp dẫn là phiên Kết nối kinh doanh giữa đoàn Việt Nam và các nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản. Tại đây, các đoàn hai bên chia thành các nhóm nhỏ tại phòng thảo luận riêng để có thể trực tiếp trao đổi và tìm hiểu thông tin cụ thể từ phía bạn.
Khánh Nguyễn (Từ Tokyo)