Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Diễn đàn đã thu hút hơn 200 đại diện doanh nghiệp Mông Cổ và gần 80 đại diện từ hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, nhiều công ty, doanh nghiệp đã có mối quan hệ làm ăn với các đối tác của nhau.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao tính tích cực, chủ động, sáng kiến cũng như những cố gắng của Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ đối với việc tổ chức Diễn đàn trong bối cảnh Việt Nam và Mông Cổ đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch và tình hình quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen.
Quang cảnh Diễn đàn. |
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đây chính là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp hai nước. Thời điểm tổ chức sự kiện này cũng phù hợp, là hoạt động thiết thực trước thềm Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban liên chính phủ hai nước dự kiến tổ chức vào tháng 8/2022.
Thứ trưởng điểm lại một số thành tựu của Việt Nam đạt được trong thời gian qua, nhất là kết quả trong công tác ứng phó, kiểm soát đại dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm duy trì chuỗi cung; bảo đảm ổn định tăng trưởng kinh tế, duy trì xuất khẩu, thu hút FDI thuộc hàng cao trên thế giới.
Ông Trần Thanh Nam cho rằng, Mông Cổ là đất nước của thảo nguyên rộng lớn, có điều kiên tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành thảo dược và chăn nuôi, có nét văn hóa độc đáo để phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, có vị trí địa lý được xem như điểm trung chuyển Đông-Tây để phát triển kinh tế thương mại.
Khó khăn lớn nhất hạn chế thương mại là kết nối về giao thông vận tải thì hiện hai bên đã thúc đẩy thành công các chuyến bay thẳng (charter) đầu tiên và đường sắt cũng được các công ty vận tải hai nước thỏa thuận trong ngày hôm nay.
Đại sứ Doãn Khánh Tâm phát biểu tại Diễn đàn. |
Đại sứ Doãn Khánh Tâm khẳng định, Việt Nam trước sau như một, luôn coi trọng và mong muốn phát triển toàn diện quan hệ, hợp tác với Mông Cổ, coi hợp tác kinh tế-thương mại mà đại diện là doanh nghiệp hai nước - động lực quan trọng trung tâm của phát triển hợp tác song phương.
Trước đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai nước mặc dù vẫn còn khó khăn về nhiều mặt, trong đó có vận tải quá cảnh nhưng đã tăng trung bình từ 10-15% và bước đầu đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều như đã đề ra tại Kỳ họp lần thứ 17 UBLCP hai nước tháng 12/2019 (100 triệu USD).
Đại sứ nhấn mạnh những thế mạnh của Việt Nam có thị trường hơn 100 triệu dân với dân số trẻ đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang gia tăng rất nhanh chóng. Cùng với đó, các doanh nghiệp Mông Cổ có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn của ASEAN cũng như thị trường rộng lớn trên thế giới do Việt Nam là một đối tác đã ký đến hơn 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP và EVFTA.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. |
Đại sứ cho rằng, hai nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, năng lượng, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí cũng như tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, tái tạo điện gió, điện mặt trời.
Bày tỏ mong muốn tiếp tục làm cầu nối hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp hai bên, Đại sứ khẳng định, sự tham gia đông đảo của đại diện doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn này vừa là chủ thể của quá trình hợp tác kinh tế, vừa khởi xướng và truyền cảm hứng cho các ý tưởng, cho các động lực và xung lực mới trong quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Mông Cổ và Việt Nam.
Đây là tín hiệu tích cực và đầy triển vọng về tương lai tươi sáng, tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ tốt đẹp lâu đời giữa hai nước Việt Nam-Mông Cổ
Bà Bayasgalan, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Mông Cổ phát biểu. |
Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Mông Cổ Bayasgalan nhấn mạnh, minh chứng sinh động về hợp tác kinh tế thương mại lâu đời giữa hai nước được thể hiện qua việc ký Hiệp định thương mại lịch sử đầu tiên vào năm 1957, chỉ 3 năm sau thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1954.
Năm 2021, Mông Cổ đã xuất khẩu các sản phẩm, mặt hàng từ gia súc như thịt dê, cừu, ngựa tới Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485 nghìn USD và ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam (như gạo, hoa quả đóng hộp, hoa quả sấy, dầu đậu vàng và các loại hộp-bao bì nhựa..) đạt trị giá 80 triệu USD.
Bà Bayasgalan khẳng định, MNCCI luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ chủ động đóng vai trò tích cực trong việc khởi tạo, kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp nhằm tăng cường, mở rộng khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ông Ochir-Erdene, Tham tán Bộ Ngoại giao Mông Cổ phát biểu. |
Đại diện Bộ Ngoại giao Mông Cổ Ochir-Erdene khẳng định, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam và hơn 200 doanh nghiệp tương ứng Mông Cổ hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, năng lượng, xây dựng, dược phẩm, thiết bị y tế, bất động sản, du lịch, khai thác chế biến khoáng sản và vận tải logistics tại Diễn đàn, thể hiện mong muốn hợp tác thực chất, hiệu quả; cùng nhau tìm kiếm giải pháp tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về vận tải-logistics, tạo điều kiện thuận lợi về thương mại, tăng cường thu hút đầu tư, thực hiện các chương trình, dự án hợp tác chung, góp phần mở rộng hơn nữa quy mô hợp tác kinh tế thương mại Mông Cổ-Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Phạm Thành Long, CEO công ty luật Gia Phạm. |
Ông Phạm Thành Long, CEO Công ty luật Gia Phạm - Đại diện doanh nghiệp hai nước đã phát biểu, đề xuất ý tưởng, bày tỏ mong muốn Chính phủ hai nước tiếp tục quan tâm, tạo môi trường kinh doanh, giao thương thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Mông Cổ.
Ông Nguyễn Thành An, đại diện doanh nghiệp Việt Nam. |
Sau Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã đạt được thỏa thuận bước đầu tiến tới việc ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực hai bên.