Các đại biểu tham dự Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2022 chụp ảnh lưu niệm, ngày 17/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam-OECD năm 2022 là một trong những sự kiện thuộc chuỗi các hoạt động trong Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong hai ngày 17-18/10. Sự kiện đã kết thúc tốt đẹp, qua đó tăng cường thảo luận chính sách giữa OECD-Đông Nam Á và Việt Nam trong các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, là bước triển khai cụ thể Kế hoạch hành động và Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-OECD giai đoạn 2022-2026.
Nguồn lực bên ngoài là chiến lược, đột phá
Trong bối cảnh thế giới đang cùng lúc đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần bảo đảm cân bằng giữa thực hiện các mục tiêu trước mắt với các mục tiêu dài hạn; giữa nâng cao tự chủ chiến lược, sức chống chịu của từng nền kinh tế với thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế; giữa nhu cầu phát triển của từng quốc gia với trách nhiệm chung trong các vấn đề toàn cầu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng và những tiềm năng to lớn của khu vực Đông Nam Á trong bản đồ địa kinh tế thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, Đông Nam Á không chỉ là điểm đến chiến lược để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mà còn là thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn với sức mua đến năm 2030 lên đến 4.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, các khuôn khổ liên kết, quản trị kinh tế mới đang được định hình ngày càng rõ nét, khẳng định tiếng nói của khu vực trong xây dựng các “luật chơi” chung. Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực tiên phong trong những lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... với những cam kết mạnh mẽ về trung hòa carbon; là khu vực sở hữu tiềm năng to lớn cho chuyển đổi số với quy mô thị trường dự báo lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Đồng quan điểm về vai trò ngày càng quan trọng của Đông Nam Á - là giao điểm của nhiều liên kết kinh tế chủ chốt, là trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo quan trọng của thế giới, là một mắt xích then chốt trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tin tưởng việc xây dựng các chuỗi cung ứng tự cường, ổn định, bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, nhằm nâng cao khả năng tự chủ chiến lược và sức chống chịu của nền kinh tế.
Trong đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, để thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển “đến năm 2030 là nước thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, bên cạnh phát huy nội lực là cơ bản, lâu dài, Việt Nam xác định nguồn lực bên ngoài là chiến lược, đột phá.
Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh việc “coi trọng hợp tác với OECD; mong muốn OECD cùng các thành viên tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị thông minh nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu”.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á năm 2022. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Việt Nam cần sẵn sàng ứng phó với thách thức
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho rằng, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới tránh được suy thoái liên quan đến Covid-19 và tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng “tương đối mạnh của nền kinh tế”, với dự báo tăng trưởng GDP vượt 6% cả năm nay và năm sau.
Điều này sẽ được thúc đẩy bởi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi các doanh nghiệp trong OECD tìm đến Việt Nam giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó, trước những thách thức phía trước, Việt Nam cần đẩy mạnh các nỗ lực cải cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Ông Mathias Cormann cho rằng, nhìn lại ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Ví dụ, tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 80% năm 1992 xuống còn 7% ngay trước thời điểm đại dịch. Hay Việt Nam đến nay đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên toàn cầu đã tránh được suy thoái liên quan đến đại dịch Covid-19.
Tổng thư ký OECD nhận định, trong bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều thách thức như lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng lương thực... Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các thách thức và cú sốc trong tương lai.
Theo đó, Việt Nam cần thích ứng với điều kiện dân số già đi - và cải cách cơ cấu dân số là điều cần thiết để giảm tải áp lực với lực lượng lao động. Vì thế, hệ thống lương hưu, phúc lợi sẽ cần phải cải thiện.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa thương mại, vì thế cần cải thiện hơn nữa, tự do hóa hơn nữa các thị trường dịch vụ. Tiếp đó là tập trung vào các lĩnh vực sáng sạo, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, tạo việc làm và nâng cao cuộc sống người dân. Nhưng cùng với đó sẽ là những thách thức về bất bình đẳng giới, khoảng cách giàu nghèo... đòi hỏi cần dung hòa và xử lý hiệu quả.
Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại COP-26 về chống biến đổi khí hậu. Do vậy, ngành nông nghiệp là một mũi nhọn cần tính đến, trong đó thúc đẩy năng suất phù hợp với chi phí sản xuất bỏ ra để thích ứng biến đổi khí hậu.
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
Chia sẻ về ý nghĩa Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam nắm bắt những ý tưởng mới, tham khảo các thực tiễn tốt của OECD và khuyến nghị chính sách trong cải cách thể chế kinh tế thị trường; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới quản trị doanh nghiệp, đánh giá về thách thức và phương hướng giải quyết để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới. Qua đó, Chính phủ tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp và nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáp ứng “đặt hàng” từ phía Việt Nam là hỗ trợ tìm ra các động lực đột phá cho tăng trưởng; nắm bắt, chắt chiu các cơ hội để thực hiện các mục tiêu phát triển, tại Phiên thảo luận về “Thu hút FDI chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số”, các diễn giả hàng đầu đều đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nhấn mạnh khu vực còn nhiều dư địa thu hút các nguồn đầu tư “xanh”.
Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành cơ hội, Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn nữa môi trường đầu tư-kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính; Tập trung thu hút các nguồn FDI xanh, chất lượng cao thông qua triển khai hiệu quả mạng lưới các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết; Duy trì chính sách thương mại rộng mở, nhất là tăng cường tạo thuận lợi hoá thương mại dịch vụ; Xây dựng chiến lược khí hậu với lộ trình rõ ràng, khả thi nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050; chuyển đổi xanh phải là “yêu cầu bắt buộc” trong giai đoạn tới.
Các diễn giả tham gia Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam-OECD sáng ngày 18/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Sau 35 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khu vực doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Dòng vốn ngoại đã hiện diện ở hầu hết các địa phương trong cả nước với những dự án được đầu tư bởi những tên tuổi lớn toàn cầu như Intel, Microsoft, Foxconn, Samsung, Sony, Toshiba... Đáng lưu ý, xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh nhằm phát triển các mô hình công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…
Thực tế cho thấy, thách thức đối với các chính phủ không chỉ là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm dòng vốn FDI toàn cầu đang giảm dần, mà còn phải đảm bảo khoản đầu tư mang lại lợi ích bền vững cho nền kinh tế.
Thu hút đầu tư và thu được lợi ích tối đa về mặt bền vững phụ thuộc trước hết vào khung chính sách tổng thể mà đầu tư xảy ra. Các nhà hoạch định chính sách cần duy trì môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch và cởi mở, đồng thời áp dụng các chính sách đảm bảo tối đa hóa lợi ích của FDI và giảm thiểu tác hại tiềm tàng đối với kinh tế, xã hội và môi trường của địa phương.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt, với những chuyển biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, sự “đoàn kết, đồng thuận; đi cùng nhau để tiến xa hơn; đề cao phối hợp chính sách” trong khu vực được đánh giá cao. Đặc biệt, hiện tại, vấn đề chuỗi cung ứng đặt ra bài toán rất lớn cho thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Với vị trí địa chiến lược ở trung tâm khu vực trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, nằm trên các tuyến giao thông hàng hải huyết mạch, Đông Nam Á cũng được nhìn nhận là mắt xích quan trọng để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với tinh thần đó, Việt Nam đề xuất tăng cường hơn nữa hợp tác chuỗi cung ứng giữa OECD và Đông Nam Á theo phương châm ổn định, bền vững, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và cùng có lợi.