Hơn 17.000 đại biểu và hơn 3.400 phóng viên đến từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự SPIEF 2024. (Nguồn: TASS) |
Diễn ra từ 5-8/6, Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 27 (SPIEF 2024) do Nga đăng cai vẫn là sự kiện thường niên quan trọng nhằm gắn kết các đối tác kinh doanh của Nga và cung cấp nền tảng cho các thỏa thuận song phương, đồng thời có tham vọng đưa ra hướng giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay.
Một số nhà phân tích quốc tế đánh giá, tầm quan trọng của SPIEF ngày càng được nâng lên trong những năm gần đây, khi tình hình chính trị, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhu cầu bảo vệ trạng thái ổn định cho các hệ thống kinh tế thế giới.
Điểm giao hòa giữa Nga với thế giới
Từ năm 1997, Nga chọn thành phố lịch sử St. Petersburg để tổ chức SPIEF với mục tiêu mở rộng hợp tác kinh tế, đẩy mạnh thương mại, đầu tư giữa Nga với các quốc gia. Từ năm 2006, dưới sự bảo trợ và tham dự của Tổng thống Vladimir Putin, SPIEF đã phát triển thành một nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác quốc tế, từ phát triển kinh tế xã hội, tiến bộ công nghệ, số hóa, chăm sóc sức khỏe, văn hóa...
Trải qua hơn hai thập kỷ, với những thành công nhất định, SPIEF dần được xem như “Davos của Nga” - diễn đàn hàng đầu thế giới để các nhà lãnh đạo, tổ chức quốc tế, doanh nhân, nhà đổi mới và nhà lãnh đạo tư tưởng thảo luận các xu hướng, thách thức, triển vọng và các giải pháp phát triển kinh tế không chỉ của nước Nga mà toàn thế giới.
SPIEF trở thành một trong những sự kiện kinh doanh hàng đầu, nơi cộng đồng doanh nghiệp quốc tế gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư, thiết lập quan hệ hợp tác mới và kết nối với doanh nghiệp Nga.
Chẳng hạn, năm 2023, bất chấp những bất ổn của tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu, nhiều nền kinh tế vẫn đến Nga dự SPIEF thể hiện tâm thế sẵn sàng xây dựng những cầu nối nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau. Bằng chứng là những con số như hơn 17.000 đại diện từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; hơn 900 thỏa thuận trị giá hơn 3.800 tỷ Ruble (45,4 tỷ USD) được ký kết.
Năm nay, theo thông báo của Ban tổ chức, số người tham dự SPIEF 2024 đông đảo không kém, với hơn 17.000 đại biểu và hơn 3.400 phóng viên đến từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ.
SPIEF 2024 hứa hẹn một chương trình năng động, bao gồm thảo luận nhóm, bàn tròn, bữa sáng bàn công việc và cả tranh luận trên truyền hình. Các đại biểu có thể tham gia đối thoại song phương với đối tác nước ngoài, gặp gỡ các đại diện của BRICS, SCO, EAEU và ASEAN, đồng thời khám phá các khu vực kết nối do nhiều bên liên quan tổ chức. Theo đó, ít nhất sẽ có hơn 10 phiên đối thoại kinh doanh quốc tế rất đáng quan tâm, bao gồm EAEU - ASEAN, Nga - châu Phi, Nga - Mỹ Latinh, Nga - Trung Quốc, Nga - Ấn Độ, Nga - UAE, Nga - Oman, Nga - Azerbaijan…
Nhận lời mời của Cố vấn Tổng thống Liên bang Nga, Trưởng Ban tổ chức SPIEF Anton Kobyakov, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự SPIEF 2024 từ ngày 5-8/6; dự kiến có bài phát biểu tại phiên khai mạc SPIEF 2024 vào trưa ngày 6/6. Việc Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự sự kiện cho thấy sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. |
Nền tảng cho sự ổn định và bền vững
Sự xoay trục sang thế giới đa cực thông qua các hình thức hợp tác quốc tế mới là một trong những chủ đề được đề cập tại SPIEF lần thứ 26. Tại đó, theo nhiều chuyên gia đầu ngành, thế giới hướng tới những chuyển đổi lớn trên toàn hệ thống.
Trong bối cảnh trừng phạt quốc tế trở thành “xu hướng” trong vài năm gần đây, Tổng thống Putin khẳng định, trật tự thế giới đa cực càng có cơ hội nổi lên và được củng cố. Bằng chứng là các đối thủ của Nga đã thất bại trong nỗ lực cô lập Moscow khỏi thương mại quốc tế và phá hủy nền kinh tế nước này.
Tại SPIEF 2023, ông Putin từng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt và áp lực khác không thúc đẩy Nga thay đổi chiến lược phát triển kinh tế theo hướng mở cửa với thương mại thế giới. “Dù khó khăn, nước Nga không đi đến con đường tự cô lập mà ngược lại, mở rộng quan hệ với các đối tác tin cậy, có trách nhiệm ở các quốc gia, khu vực mà ngày nay đóng vai trò là đầu tàu - động lực của kinh tế toàn cầu”.
Từ thực tế trên, Ban tổ chức SPIEF tin rằng, với những phác thảo ngày càng rõ ràng về một thế giới đa cực, bất chấp “sự hỗn loạn” của kinh tế toàn cầu, “nhiều quốc gia sẵn sàng xây dựng những cầu nối để tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau”. SPIEF chính là “không gian tin cậy duy nhất với cơ hội bình đẳng cho tất cả các thực thể kinh tế trên toàn cầu”.
Gửi lời chào nồng nhiệt tới các khách mời tham gia SPIEF 2024, Tổng thống Putin nhấn mạnh, “Nga sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng và tương tác với các đối tác thân thiện”, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng thực sự, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau và tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, văn minh của các quốc gia và dân tộc. Ông chủ Điện Kremlin chỉ ra thực tế rằng, không chỉ cần duy trì quỹ đạo tăng trưởng ổn định về chất lượng mà còn phải tận dụng các cơ hội mới nổi, phát triển hiệu quả lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tiềm năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ. Vì vậy, điều quan trọng là phải duy trì và tăng cường quan hệ kinh doanh, đầu tư giữa các quốc gia trong bối cảnh đa cực.
Tờ Modern Diplomacy phân tích, thực tế còn phản ánh sự dịch chuyển mục tiêu của Moscow từ trở thành một phần của “châu Âu danh giá” sang một phần không thể chia cắt của châu Á.
Nhìn vấn đề ở một góc độ khác, ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh Nga đề cao vai trò của các nước Đông Nam Á cũng như châu Á - những năm gần đây đã trở thành trung tâm được thừa nhận của kinh tế thế giới, là điểm tăng trưởng toàn cầu, có vai trò định hình nền chính trị thế giới.
“Trong môi trường toàn cầu khó khăn, hoạt động kinh tế ngày càng gắn liền với các vấn đề chính trị, khó có thể tách rời. Đặc biệt, không thể có sự phát triển kinh tế bình thường nếu không chống lại chủ nghĩa bảo hộ, khủng bố và sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một số quốc gia, bao gồm cả những nỗ lực gây áp lực thông qua các biện pháp trừng phạt”, chuyên gia Nga bình luận.
Trong khi đó, Trưởng Ban tổ chức SPIEF 2024 Anton Kobyakov cho rằng, “sự ổn định và công bằng trong một thế giới đa cực có thể thực hiện được nếu các trung tâm ảnh hưởng mới xuất hiện, có khả năng đưa ra quan điểm riêng về các vấn đề thế giới và tham gia vào việc hình thành trật tự thế giới mới”.
| Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 27 tại Nga Nhận lời mời của Cố vấn Tổng thống Liên bang Nga, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg Anton Kobyakov, ... |
| Khai mạc SPIEF 2024: Chiêm ngưỡng độ 'sang xịn mịn' nước Nga đãi khách tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg lần thứ 27 (SPIEF 2024) diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8/6, tại thủ đô St. ... |
| Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Nga, nỗ lực vì một thế giới thịnh vượng tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Petersburg Việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint-Petersburg lần thứ 27 cho thấy Việt Nam ... |
| Kinh tế thế giới thời khó khăn chưa từng có! Dữ liệu của Liên hợp quốc hiện cho thấy tiến độ phát triển trên toàn thế giới có thể đã thụt lùi… |
| Nga chính thức là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới Theo hãng Thông tấn Novosti, dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nền kinh tế Nga, xét về sức mua tương đương ... |