SPIEF 2023 diễn ra từ ngày 14-17/6, tại St. Petersburg. (Nguồn: Imago Images) |
St. Petersburg International Economic Forum-SPIEF là sự kiện đặc biệt được tổ chức từ năm 1997, được Tổng thống Nga tham dự và bảo trợ từ năm 2006 đến nay.
Trong hơn hai thập niên qua, SPIEF trở thành diễn đàn hàng đầu thảo luận các xu hướng, thách thức và triển vọng phát triển kinh tế, cũng là điểm đến để cộng đồng doanh nghiệp quốc tế gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu
Theo Sputnik, như thường niên, SPIEF 2023 chính thức khai mạc tại chính thành phố St. Petersburg, cửa ngõ thương mại, trung tâm tài chính và công nghiệp và cũng là thủ đô văn hóa của nước Nga. Tổng thống Vladimir Putin tham dự Diễn đàn, phát biểu bên lề và tham gia phiên họp toàn thể. Nhân sự kiện SPIEF 2023, ông gửi lời chúc thành công tới các đại biểu, ban tổ chức và khách mời, bày tỏ tin tưởng Diễn đàn tiếp tục góp phần giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu và là “tấm gương” về đối thoại xây dựng và hiệu quả.
SPIEF năm nay dự kiến thu hút đông đảo chính khách, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu tham gia để thảo luận về các chủ đề khác nhau-từ thay đổi hệ thống sâu sắc, cách xoay trục sang thế giới đa cực với các hình thức hợp tác quốc tế mới, đến phi USD hóa, tương lai của tiền tệ và cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
Tổng thống Putin cho rằng, một trật tự thế giới như trước đây sẽ không bao giờ trở lại và việc chờ đợi cho đến khi những hỗn loạn hiện nay tự tiêu tan là điều không thể. Chính vì thế, chủ đề SPIEF lựa chọn năm nay là thúc đẩy “Phát triển có chủ quyền làm nền tảng cho một thế giới công bằng: Hợp lực vì các thế hệ tương lai”.
Theo TASS, Chương trình SPIEF 2023 dự kiến bao gồm khoảng 200 sự kiện, các buổi tọa đàm và các buổi đối thoại kinh doanh, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu và diễn giả đến từ hơn 120 quốc gia. Sáu chủ đề chính của Diễn đàn là: Đối thoại kinh doanh; Nền kinh tế thế giới ở thời điểm bước ngoặt; Xây dựng chủ quyền công nghệ; Bảo vệ dân số và chất lượng cuộc sống như là ưu tiên chính; Thị trường lao động: Phản ứng với những thách thức mới và nền kinh tế Nga: Từ thích ứng đến tăng trưởng.
Trong ngày khai mạc, Diễn đàn tập trung vào các vấn đề thúc đẩy chủ quyền công nghệ, cách tận dụng tốt nhất giáo dục và khoa học để đối phó với những thách thức mới trong thị trường lao động. Diễn đàn dự kiến dành ngày 16/6 để thảo luận chủ đề nóng là AI đã và đang tác động đến thị trường lao động thế giới như thế nào và các công cụ AI mới thay đổi nền kinh tế ra sao, cũng như việc Nga tận dụng những tiềm năng gì để phát triển công nghệ AI.
Nền kinh tế thế giới trong thời điểm đầy biến động sẽ được “mổ xẻ”. “Ngôn ngữ ngoại giao trong thế giới đa cực” là một trong những chủ đề của chương trình nghị sự. Các diễn giả cùng xem xét các hình thức hợp tác quốc tế mới, các giao dịch xuất nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế, tài chính, nhân đạo và văn hóa giữa các quốc gia thân thiện.
Các quan hệ đối tác trong khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong bối cảnh mới sẽ được thảo luận.
Trong bối cảnh đồng USD trở thành vũ khí địa chính trị, SPIEF 2023 tranh luận về mức độ hợp lý của quá trình chuyển đổi thương mại toàn cầu sang một loại “tiền tệ siêu quốc gia”, bên cạnh việc gia tăng sử dụng đồng nội tệ trong thương mại.
Diễn đàn sẽ thảo luận cụ thể về sự phát triển của nền kinh tế Nga trong vòng vây trừng phạt sâu rộng từ các quốc gia phương Tây, do xung đột ở Ukraine. “Giữa vòng vây của lệnh trừng phạt và cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa, Nga bắt đầu tìm kiếm những chân trời mới. Các kết luận rút ra từ các cuộc thảo luận tại Diễn đàn tác động đến các quyết định quan trọng của doanh nghiệp và chính quyền trong tương lai, vì lợi ích của sự phát triển bền vững”, Cố vấn của Tổng thống Nga Anton Kobyakov cho biết.
Không gian hợp tác mới
Vào những năm 2000, khi nền kinh tế Nga bùng nổ, các nhà đầu tư và chủ ngân hàng đầu tư lớn của phương Tây đổ xô đến SPIEF để tìm kiếm các hợp đồng làm ăn. Tuy nhiên, gần đây, họ đã bị thay thế bởi các nhà đầu tư Trung Quốc, Ấn Độ hay Arab.
Ông Anton Kobyakov, Thư ký điều hành SPIEF cho biết, xét đến các sự kiện biến động đang diễn ra trên toàn cầu, với những phác thảo ngày càng rõ ràng về một thế giới đa cực, SPIEF được kỳ vọng là “không gian tin cậy hàng đầu với cơ hội bình đẳng cho tất cả các thực thể kinh tế trên thế giới”.
Trong đó, một trong những sự kiện cho thấy rõ điều đó là chương trình đối thoại kinh doanh song phương giữa các đối tác đến từ các quốc gia Arab, Ấn Độ, Trung Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), ASEAN, Mỹ Latinh và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các khách mời cùng xem xét hình thức hợp tác quốc tế mới, các giao dịch xuất nhập khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế, tài chính và văn hóa giữa các quốc gia. UAE tham gia SPIEF 2023 với tư cách khách mời đặc biệt.
Trên thực tế, vai trò của Nga trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng bị thách thức trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự sụt giảm doanh thu từ xuất khẩu liên quan năng lượng. Do đó, SPIEF 2023 có khả năng ngày càng hướng tới những người tham gia bên ngoài phương Tây mà Nga có quan hệ thân thiện hơn như Trung Quốc và Ấn Độ…
Mới đây, theo Reuters, UAE-một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới tiếp nhận thêm nhiều tàu chở dầu từ Nga. Theo thống kê, khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô của Nga cập cảng UAE kể từ tháng 11/2022, với khối lượng nhập khẩu tăng cao hơn kể từ đầu năm 2022.
Đây chỉ là ví dụ cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã điều chỉnh dòng thương mại năng lượng truyền thống. Diễn biến trên làm nổi bật sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và các nhà sản xuất dầu hàng đầu vùng Vịnh, như Saudi Arabia và UAE…
Đó là những không gian hợp tác mới, như các nhà đầu tư Saudi Arbia nhận định, Nga là một kho tàng các cơ hội đầu tư chưa được khai thác, đang chờ họ khám phá, và đa dạng hóa danh mục đầu tư.