Ông Philipp Rösler, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ. (Nguồn: TTXVN) |
Sau phần giới thiệu của các thành viên, Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ đã có buổi họp đầu tiên, tập trung vào tầm nhìn và sứ mệnh, cũng như thảo luận về các lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Ông Philipp Rösler, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ, nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến nền tảng không chỉ giúp nâng cao hiểu biết lẫn nhau mà còn thúc đẩy các tương tác sâu sắc và quan hệ đối tác đổi mới giữa Việt Nam và Thụy Sỹ... Diễn đàn không chỉ là nơi tụ họp mà còn là nơi ươm mầm những ý tưởng, sự hợp tác và các dự án mang tính chuyển đổi, qua đó giúp mang lại lợi ích cho cả hai nước chúng ta”.
Cũng tại sự kiện, các thành viên của Ban điều hành đã chia sẻ quan điểm về kế hoạch hành động, thủ tục đăng ký, hình thức kêu gọi tài trợ, quy tắc tài chính, ngân sách hoạt động và chiến lược thúc đẩy quảng bá hình ảnh quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ.
Bà Rachel Isenschmid, người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực quản lý tài sản và sẽ phụ trách mảng quan hệ công chúng của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ, chia sẻ: “Được sự gợi mở của Đại sứ quán Việt Nam tại Bern, chúng tôi xây dựng ý tưởng trong thời gian qua về việc tổ chức một nền tảng hợp tác nhằm phát huy sức mạnh của giới trí thức Việt đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sỹ, cũng như mối quan tâm của các doanh nghiệp và tổ chức Thụy Sỹ với Việt Nam”.
Tới tham dự lễ ra mắt Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ, Đại sứ Phùng Thế Long khẳng định Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ đánh giá cao sự kiện và hy vọng sẽ ngày càng có thêm những hoạt động hiệu quả, giúp “mở khóa” những tiềm năng và sức mạnh trong nền kinh tế hai nước.
Đại sứ Phùng Thế Long nhấn mạnh: “Như các bạn đã biết, Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos sắp diễn ra. Đây là diễn đàn quốc tế, nơi các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới thảo luận về kinh tế trong tương lai. Tôi hy vọng, với sự ủng hộ và giúp đỡ của các cơ quan chính phủ liên quan, giới chức vùng và thành phố, cũng như Đại sứ quán hai nước, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ sẽ tổ chức sự kiện thường niên, cùng nhau vun đắp thành công cho hợp tác kinh tế song phương”.
Trong phiên thảo luận sau đó, nhiều đại biểu tham dự đã đưa ra các câu hỏi liên quan đến những vấn đề như chính sách thu hút nhân tài, cơ chế pháp lý cho hoạt động thương mại giữa hai nước, các thủ tục hành chính và dịch vụ hậu cần. Từng câu hỏi đã được Ban giám đốc cùng với các thành viên trong Ban điều hành giải đáp cặn kẽ với tinh thần chung là hướng đến việc “cùng nhau vun đắp thành công” cho quan hệ Việt Nam-Thụy Sỹ, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn nhiều lĩnh vực khác trong thời gian tới.
Báo Thụy Sỹ bonpourlatete.com mới đây có bài đánh giá cao thành tựu kinh tế, ngoại giao của Việt Nam và nỗ lực sản xuất chip "Make in Vietnam”.
Bài báo viết, Việt Nam dự kiến sẽ đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6 - 6,5% trong năm 2024 nhờ xuất nhập khẩu cũng như hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm mới của ngành bán dẫn với hàng loạt dự án đầu tư có quy mô hàng tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ 100% các công đoạn sản xuất chip “Make in Vietnam” và dự kiến đào tạo 50.000 kĩ sư chuyên ngành tới năm 2030.
(theo TTXVN)