Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức diễn đàn, 15 bộ trưởng Quốc phòng các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Vương quốc Anh, Pháp, Singapore, Việt Nam... cùng các quan chức quốc phòng cấp cao của 47 quốc gia tham gia Diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm 2019.
Đáng chú ý, ngoài sự xuất hiện của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tham dự sau 8 năm vắng mặt tại diễn đàn.
Kể từ Đối thoại Shangri-La 2018 đến nay, khu vực đã chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới này trong tất cả các lĩnh vực, từ thương mại, thuế quan, công nghệ tới an ninh, hay mâu thuẫn trong các vấn đề cụ thể như sáng kiến “Vành đai và con đường” hay tự do hàng hải.
Tiến sĩ William Choong, chuyên gia cấp cao thuộc IISS, đánh giá cuộc cạnh tranh mang tính chiến lược hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang gây ra nhiều thách thức cho khu vực. Một trong những vấn đề lớn nhất đối với các quốc gia như Nhật Bản, Australia hiện nay, đó là rơi vào tình thế buộc “chọn bên” trong cuộc cạnh tranh này.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) - Singapore, cũng cho rằng những diễn biến đối với tình hình an ninh khu vực dự kiến sẽ được đề cập nhiều nhất tại Đối thoại Shangri-La lần này chính là căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, thể hiện ở sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước ngày càng lớn.
Trong đó, phải kể tới những biện pháp mạnh tay của Mỹ trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc về khoa học công nghệ qua trường hợp tập đoàn Huawei, cũng như cuộc chiến tranh thương mại dai dẳng kéo dài cả năm nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong thời gian qua có tính chất chi phối tới tình hình an ninh khu vực và từ đó dẫn tới một số căng thẳng liên quan, thậm chí có thể tác động tới một số vấn đề như an ninh và tự do hàng hải, chống khủng bố, an ninh mạng...
Trong bối cảnh đó, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề đầu tiên được đưa ra thảo luận tại SLD 2019 chính là Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dư luận đang chờ đợi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể đưa ra những chỉ dấu rõ ràng hơn về nội hàm, mục đích cũng như biện pháp triển khai cụ thể của Chiến lược hay Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã được Mỹ công khai nhắc đến từ hơn 1 năm nay.
Tại Đối thoại Shangri-La lần này, khách mời đặc biệt sẽ phát biểu khai mạc dẫn đề tối 31/5 là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Điều này một lần nữa thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Singapore đối với việc duy trì, thúc đẩy vai trò của Đối thoại Shangri-La cũng như gián tiếp qua đó thể hiện vai trò của Singapore như là một địa điểm tổ chức các hội nghị, sự kiện của khu vực nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định an ninh ở khu vực.
Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long dự kiến sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ "ổn định và mang tính xây dựng" giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng sẽ nêu bật vai trò tiềm năng mà Singapore cũng như các quốc gia nhỏ khác có thể đóng góp vào việc củng cố trật tự thế giới đa phương.
Bên cạnh phát biểu khai mạc của Thủ tướng Lý Hiển Long, Đối thoại Shangri-La 2019 sẽ có 6 phiên toàn thể với các chủ đề: Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; An ninh Triều Tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định. Ngoài ra, diễn đàn còn có 6 phiên họp song song về các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng…
Một loạt các hoạt động "bên lề", song không kém phần "sôi động" chính là hàng trăm các cuộc gặp "con thoi" giữa các bộ trưởng Quốc phòng, chỉ huy quân sự và các quan chức an ninh hàng đầu của hơn 40 quốc gia trên khắp châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu...
Bên cạnh những gương mặt đã quen thuộc, SLD năm nay cũng ghi nhận sự tham dự lần đầu tiên của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, tân Bộ trưởng Quốc phòng Australia - Thượng nghị sĩ Linda Reynold và tân Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt, cùng sự "trở lại" của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Đây là cơ hội để các nước có thể thảo luận, trao đổi về các vấn đề của từng nước và lắng nghe quan điểm nước khác, từ đó góp phần củng cố, xây dựng lòng tin lẫn nhau.
Như chia sẻ của Tiến sĩ Tang Siew Mun, Trưởng bộ phận Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak Singapore: "Hãy tưởng tượng nếu các nước có xung đột, nhưng không trao đổi, lắng nghe lẫn nhau thì xung đột đó có thể trở thành chiến tranh”, việc tại Shangri-La năm nay có nhiều hơn các cuộc đối thoại, gặp gỡ bên lề, bên cạnh trao đổi, thảo luận giữa lãnh đạo quốc phòng, các nhà hoạch định chính sách các nước với nhau, là điều rất đáng hoan nghênh.
Với vai trò là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế, các nước coi trọng diễn đàn này như một cơ chế để giúp các quan chức quốc phòng có thể tương tác, xây dựng lòng tin cũng như thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, từ đó có thể đưa ra những đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng với mục tiêu hướng tới giải quyết các thách thức an ninh đối với khu vực và các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh khu vực có những diễn biến phức tạp và căng thẳng như hiện nay, Đối thoại Shangri-La 2019 được kỳ vọng mở ra cơ hội để các bên hạ nhiệt những đối đầu và cọ sát chiến lược đang có tác động đa chiều đến diễn biến an ninh khu vực.
Là một thành viên tích cực của Đối thoại Shangri-La, năm nay, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ tham dự sự kiện. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Phiên toàn thể thứ năm, diễn ra ngày 2/6, với chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh”. Sự tham dự của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao tại đối thoại lần này khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung. |