📞

Điện Kremlin: Không cần Dòng chảy phương Bắc 2, Nga vẫn đủ sức tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu

Việt An 16:55 | 08/10/2021
Ngày 7/10, Điện Kremlin thông báo, Nga có khả năng tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong bối cảnh giá khí đốt ở khu vực này tăng mạnh đang gây áp lực lớn đến người tiêu dùng.
Lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga hiện chiếm khoảng 90% trong tổng nhu cầu khí đốt của khu vực này. (Nguồn: AFP)

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, các tuyến trung chuyển khí đốt hiện nay có thể đảm bảo cho việc tăng nguồn cung nhiên liệu này trước khi đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) từ Nga sang Đức bắt đầu được vận hành.

Hiện tất cả chỉ còn phụ thuộc vào nhu cầu, các quy định theo hợp đồng và các thỏa thuận thương mại.

Nói thêm về phát ngôn hôm 5/10 của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak rằng việc đưa vào vận hành đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp nhanh chóng bình ổn các thị trường năng lượng châu Âu, ông Peskov nêu rõ, Nga vẫn có thể tăng nguồn cung trên các đường ống dẫn khí hiện có.

Lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga hiện chiếm khoảng 90% trong tổng nhu cầu khí đốt của khu vực này.

Hôm 5/10 vừa qua, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng lên ngưỡng cao kỷ lục trên 116 Euro/MWh (134 USD/MWh), gấp hơn 6 lần so với đầu năm nay.

Giá khí đốt tại thị trường này đã giảm nhẹ xuống còn 104,52 Euro/MWh (120,8 USD) vào ngày 7/10, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng tăng thêm nguồn cung khí đốt cho các khách hàng đặt giao ngay tại châu Âu thông qua các sàn giao dịch nội địa cũng như thông qua các hợp đồng dài hạn hiện có.

Tổng thống Putin cho rằng, nhu cầu tăng đột biến trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau các tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh. Một mùa Đông lạnh và sản lượng điện giảm do sử dụng các nguồn năng lượng thay thế cũng là những yếu tố tác động tới giá năng lượng tại Lục địa già.

Tuy nhiên, theo ông, các nỗ lực của EU nhằm chuyển đổi các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn sang các hợp đồng giao ngay mới đóng vai trò then chốt khiến giá khí đốt tăng vọt. Phản bác các quan điểm chỉ trích, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Moscow không cần phải làm rối loạn thị trường khí đốt và doanh số khí đốt Nga bán cho châu Âu có thể đạt kỷ lục mới trong năm nay.

(theo TASS)