📞

Điều chỉnh giá điện, xăng không ảnh hưởng nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô

21:23 | 01/04/2015
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015 diễn ra chiều ngày 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề nóng đang được báo chí và dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, việc điều chỉnh đồng thời giá xăng, giá điện vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định, không ảnh hưởng nhiều đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo thông lệ, sau khi tóm tắt nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp các câu hỏi của báo giới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc điều chỉnh đồng thời giá điện và giá xăng dầu có tạo sức ép gia tăng lạm phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, đây là hai mặt hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế, vì vậy cơ chế quản lý, điều chỉnh giá phải tuân thủ quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo quy định của pháp luật.

Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu cùng trong tháng 3/2015 vừa qua đã được các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc thận trọng. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 ở mức thấp, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu này không ảnh hưởng nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô. Đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3/2015 ước tính làm tăng CPI của tháng 3/2015 khoảng 0,04%; việc điều chỉnh giá điện ước tính làm tăng CPI năm 2015 khoảng 0,18% - 0,23% như đã nêu trên.

Về việc Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) có văn bản “kêu cứu” gửi tới các cơ quan chức năng về hiện tượng ô tô tải nhập khẩu nguyên chiếc đang tràn vào Việt Nam, gây bất lợi cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, dự báo năm 2020 có khoảng hơn 3 triệu xe lưu hành, tổng số xe sản xuất trong nước đạt khoảng 230 nghìn chiếc. Trong quý I vừa qua, ô tô tải nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là xe có tải trọng lớn mà trong nước chưa sản xuất, lắp ráp được.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Chiến lược và Quy hoạch nêu trên, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định về thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện; thuế tiêu thụ đặc biệt...) và đề xuất cơ chế chính sách cụ thể, thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo đảm khả thi, ổn định lâu dài và phù hợp với các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập, trình Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề, Hà Nội với dự án thay thế cây xanh và dự án lấp sông Đồng Nai của tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện nay Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét tất cả các yếu tố có liên quan đến dự án kè sông Đồng Nai, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo nếu trong phạm vi chưa quá thẩm quyền thì Thủ tướng sẽ chỉ đạo trực tiếp.

Với thành phố Hà Nội, Thủ tướng cũng đã giao cho Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội lập đoàn thanh tra xem xét toàn diện các yếu tố cần và đủ khi thực hiện dự án đó, sau khi có kết luận thanh tra mới biết sai chỗ nào, ai sai và sẽ xử lý theo quy định.

Báo chí đã đăng tải rất nhiều những vấn đề có liên quan đến hai dự án này. Ở góc độ người quản lý, qua việc này chúng tôi rút ra rất nhiều bài học. Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa nhắc lại tại phiên họp rằng chúng ta triển khai bất kì việc gì, dù chúng ta có chủ trương đúng nhưng khi có sự phản ánh của quần chúng nhân dân, của số đông thì chúng ta nên dừng lại để tiếp tục xem xét, có sai thì sửa trên tinh thần cầu thị nghiêm túc.

Hoàng Nam