📞

Điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán thế giới?

Nguyễn Bình 19:00 | 27/11/2020
TGVN. Nhà báo kinh tế Ivan Verrender của kênh ABC (Australia) vừa nhận định giữa lúc kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất của gần một thế kỷ vừa qua, các thị trường chứng khoán lại tăng vọt.
Chỉ số quan trọng của Phố Wall, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones, đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 30.000 điểm khi chốt phiên ngày 24/11. (Nguồn: Reuters)

Tháng 11 - tháng lịch sử của thị trường chứng khoán

Cách đây chưa lâu, các nhà giao dịch ở Phố Wall còn lo ngại rằng số ca nhiễm Covid-19 leo thang và bất ổn chính trị sau bầu cử sẽ khiến giới đầu tư dè chừng. Nhưng câu chuyện đang diễn ra lại không hẳn là như vậy.

Chỉ số quan trọng của Phố Wall, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones, đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 30.000 điểm khi chốt phiên ngày 24/11, qua đó ghi nhận mức cao kỷ lục mới, trong khi thị trường chứng khoán Australia vào sáng ngày 25/11 cũng “xóa sạch” toàn bộ khoản thất thoát của năm 2020.

Theo hãng tin Bloomberg, tháng 11 này đang trên đà trở thành một tháng lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ. Đó là bởi các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) chứng khoán Mỹ đang hút tiền mạnh chưa từng thấy, được rót gần 53 tỷ USD từ đầu tháng. "Cơn sốt" tương tự cũng đang diễn ra ở các quỹ tương hỗ (mutual fund) dài hạn - nhóm quỹ mà việc mua và giữ cổ phiếu đã diễn ra trong 26/29 tuần trở lại đây.

Lượng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Mỹ đã lý giải cho sức tăng mạnh mẽ của các chỉ số, cũng như việc dòng tiền quay trở lại với những nhóm cổ phiếu trước đây khốn đốn vì đại dịch.

S&P 500 đã tăng 8,8% trong tháng 11, và tháng này có khả năng sẽ là tháng tăng mạnh nhất của chỉ số trong 2 thập kỷ qua. Tuần trước là tuần thứ hai liên tiếp Russell 2000, chỉ số của những cổ phiếu nhỏ, đạt mức tăng cao hơn chỉ số Nasdaq. Từ đầu tháng, Russell 2000 đã tăng 16%, trên đà hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 4.

Theo JPMorgan Asset Management, dù triển vọng kinh tế còn chưa sáng sủa, nhà đầu tư xem đây là cơ hội để mua vào mỗi khi giá giảm (buy the dip) đối với những cổ phiếu đã trở nên "tiêu điều"vì dịch bệnh.

"Hiệu ứng giàu có" của thị trường chứng khoán

Trong một tháng qua, các nhà đầu tư không hề mảy may quan tâm đến các thông tin xấu. Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ căng thẳng hơn nhiều so với dự kiến cũng không làm họ nản lòng. Việc Tổng thống Donald Trump từ chối thừa nhận thất bại và các mối đe dọa tiềm tàng có thể xảy ra đã phần lớn bị bỏ qua.

Thậm chí, ngay cả khi đại dịch một lần nữa bùng phát trên khắp nước Mỹ cũng không làm họ bận tâm. Các cảnh báo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng sự phục hồi kinh tế dường như đang chậm lại cũng bị “phớt lờ”.

Ngược lại, việc giới truyền thông Mỹ đưa tin ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã được hưởng ứng nhiệt liệt. Cộng với đó là quyết định cho phép kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực của Tổng thống Trump đã “châm ngòi” cho một khoản tiền lớn. Và triển vọng về ba loại vaccine ngừa Covid-19, có thể được sử dụng rộng rãi vào năm 2021, đã tiếp tục khiến các nhà kinh doanh trở nên “hăng hái” hơn.

Tháng 11 sẽ được ghi nhận là một trong những tháng "tốt kỷ lục" của các thị trường. Chỉ vài tuần trước, các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã tăng cường các chương trình bơm tiền mặt. Vậy, đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Các ngân hàng trung ương không hề chủ ý đặt kế hoạch để “đẩy giá cổ phiếu”, và sự tăng giá cổ phiểu chỉ là một hiệu ứng phụ. Những gì các ngan hàng muốn làm là bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính và giảm lãi suất, như vậy các doanh nghiệp và cá nhân sẽ vay và đầu tư nhiều hơn. Điều này được cho là sẽ tạo ra việc làm và giúp nền kinh tế đi lên.

Nhưng các ngân hàng đã tạo ra một “quái vật Frankenstein”. Giờ đây, họ đang đứng trước nguy cơ không đủ khả năng để “lật ngược lại ván cờ”, làm "hạ nhiệt" chứng khoán, ngay cả khi thị trường được định giá ở mức quá cao. Đó là do "hiệu ứng giàu có".

Nếu chúng ta cảm thấy giàu có, chúng ta sẽ chi tiêu nhiều hơn. Điều này tốt cho nền kinh tế. Một khi thị trường chứng khoán và giá nhà ở tăng, những người sở hữu tài sản chắc chắn cảm thấy giàu có hơn rất nhiều.

Ngược lại, khi mọi người quay sang hạn chế chi tiêu, điều này sẽ dẫn đến suy thoái. Thách thức lớn hiện nay là làm thế nào các chính phủ, ngân hàng trung ương, nền kinh tế… có thể ngừng các gói kích thích và quay trở lại mức lãi suất bình thường mà không làm xáo trộn thị trường hay gây ra một cuộc suy thoái mới?

(theo ABC Ausralia/Bloomberg