Ảnh minh họa |
Còn nhớ, sau một trận mưa vào chiều ngày 20/8/2009, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện tầng tầng lớp lớp mây hình vảy rồng kéo dài trong vòng 40 phút sau cơn mưa. Dù đã được một số nhà khí tượng giải thích rằng không có gì đặc biệt nhưng, trước cảnh tượng hiếm có trên, người ta đã liên tưởng tới sự kiện rời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010 khi đức vua đã nhìn thấy rồng bay trên thành Đại La nên đổi tên nơi đây thành Thăng Long.
Trở lại trước đó 10 năm, sáng ngày 1/9/1998, khi người dân đền Đô, Bắc Ninh chuẩn bị cho lễ rước kiệu về Hà Nội phục vụ chương trình chào mừng thành phố Sài Gòn tròn 300 năm tuổi, ông Nguyễn Đức Thìn - một thợ ảnh nghiệp dư chỉ định chụp bức ảnh để ghi lại khoảnh khắc trang nghiêm nhất của buổi lễ. Bất ngờ, bầu trời xuất hiện mảng sáng vàng rực của một đám mây hình con rồng bay từ hướng Hà Nội về. Bên cạnh bức "Hoàng long vân giáng" này, "Bát đế hiển linh" cũng là một tác phẩm để đời mà ông Thìn chụp được vào ngày giỗ của vua Lý Anh Tông. Hơn 8 giờ sáng ngày 26/8/1998, khi chiêng trống nổi lên, cờ xí bay phấp phới thì ngay phía trên đỉnh Thọ Lăng Thiên Đức xuất hiện 11 áng mây. Trong giây lát, 3 áng mây tự động tan biến, chỉ để lại 8 áng mây đứng song hành với nhau trên nền trời xanh thẫm. Giờ đây, khách đến thăm đền Đô đều có thể ngắm nhìn bức ảnh đặc biệt này được phóng to treo trong phòng trưng bày.
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới người ta có thể quan sát được những trận chiến đã diễn ra từ nhiều năm trước. Một trong những địa điểm như vậy nằm ở nước Anh, gần Ethin, là nơi vào năm 1643, hai đạo quân của hoàng tử Rupectơ và Olive Cromoen đã gặp nhau trong một trận quyết chiến. Chỉ sau một tháng, những người chăn cừu địa phương kể rằng, họ đã nhìn thấy hai đạo quân đang đánh nhau dữ dội trên bầu trời, lại nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng trống trận và tiếng gươm giáo va vào nhau loảng xoảng… Từ đó trở đi, thỉnh thoảng dân chúng các vùng lân cận vẫn nhìn thấy trận đánh ảo ảnh này trên bầu trời chiều.
Vào tháng 11/1956, hai người Anh tên là Pete Dinoviep và Patrich Xkipui tổ chức một cuộc du ngoạn trên núi Culin. Vào khoảng 3 giờ sáng, họ bỗng nghe thấy tiếng ầm ầm dữ dội, hai người bèn chui ra khỏi lều và nhìn thấy hàng chục xạ thủ Scotland đang bắn vào kẻ thù vô hình. Sau khi trở về thị trấn Xlaigasane, Pete và Patrich kể lại những điều mắt thấy với viên quản lý khách sạn. Ông ta cho biết rằng, họ không phải là những người đầu tiên quan sát thấy hiện tượng này và đó là hình ảnh của trận đánh xảy ra vào năm 1745.
Theo cách lý giải của Tiến sĩ toán lý người Nga A.Gurvich thì những ảo ảnh trên chỉ là hiện tượng quang học trong khí quyển, do sự khúc xạ của ánh sáng trong hệ tầng khí quyển. Một số nhà nhà nghiên cứu của Mỹ cũng đi đến kết luận rằng, phần lớn những người nhìn thấy trận giao chiến trên trời vào thời điểm ấy đã ở trong trạng thái bị kích thích cao độ, có lẽ vì thế đã nhìn thấy cái mà người khác không nhìn thấy. Thế nhưng, ngay cả khi nếu giả thuyết trên được xác nhận thì vẫn còn nhiều điều bí ẩn khó giải thích vẫn hiện hữu trên bầu trời.
TRỌNG NHẬT