Đại sứ quán Cuba tại Washington trước lễ Thượng cờ. (Nguồn: AP) |
Trong bài phát biểu tháng Mười Hai năm ngoái, Tổng thống Obama thừa nhận, 50 năm cô lập Cuba “đã không mang lại hiệu quả”. Vì vậy, ông Obama đã nỗ lực thay đổi mối quan hệ láng giềng này theo hướng tích cực hơn, cởi bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa. Không những thế, ông Obama cũng loại bỏ Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và thúc đẩy các hoạt động kinh tế như du lịch, thương mại với Cuba.
Trước sự thay đổi nhanh chóng với Cuba cũng như Iran thông qua thỏa thuận hạt nhân, nhiều người kỳ vọng, Mỹ có thể xem xét và đưa mối quan hệ với Triều Tiên sang trang mới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, mặc dù Cuba và Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, nhất là trong quan hệ với Mỹ, nhưng Havana và Bình Nhưỡng có một số đặc điểm mấu chốt khiến Washington không thể dễ dàng nới lỏng các chính sách với nước này.
Nét tương đồng
Có thể nói, Cuba và Bắc Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, cả hai nước đều có một đảng lãnh đạo duy nhất là Đảng Cộng sản. Hai nước cũng bị nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phương Tây lên án về nhân quyền.
Thứ hai, hai nước có cùng vị trí trong chính sách của Washington. Mỹ đã duy trì lệnh cấm vận kinh tế với hai nước trong nửa thập kỷ qua và hai nước đều nằm trong danh sách những nước tài trợ cho khủng bố. Triều Tiên được thêm vào danh sách này năm 1988, khi tham gia vào việc bán vũ khí cho các nhóm khủng bố và hỗ trợ nhiều vụ đánh bom. Triền Tiên được đưa ra khỏi danh sách năm 2008 dưới thời chính quyền Tổng thống Bush. Trong khi đó, Cuba bị đưa vào danh sách này năm 1981 và chỉ mới được đưa ra khỏi danh sách vào hồi tháng Tư vừa qua. Cuba và Triều Tiên đều không được hưởng Quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR) và Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập từ Mỹ.
Vũ khí hạt nhân và nhân tố Hàn Quốc
Mặc dù có những điểm tương đồng kể trên nhưng vấn đề vũ khí hạt nhân của Cuba và Triều Tiên được Mỹ nhìn theo hai lăng kính khác nhau. Đây cũng chính là vấn đề khiến Mỹ lo ngại nhất ở Triều Tiên khi đã tạm thời an tâm với Cuba.
Cả Cuba và Triều Tiên đều đã có những nỗ lực không ngừng nhằm sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng con đường mà hai nước này lựa chọn hoàn toàn khác nhau. Năm 1961, Cuba ký một thỏa thuận với Liên Xô cho phép nước này đặt tên lửa hạt nhân tại Cuba, dẫn tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đầy kịch tính trong cuộc Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, kể từ đó cho tới nay, Cuba không có cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân nào khác.
Nhưng Triều Tiên thì ngược lại, thay vì tìm kiếm tên lửa từ phía Liên Xô như Cuba đã thực hiện, Triều Tiên tìm sự giúp đỡ của các nước khác để tự phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Khi Liên Xô từ chối giúp đỡ, Triều Tiên quay sang “năn nỉ” Trung Quốc nhưng lại bị từ chối một lần nữa. Cuối cùng, Bình Nhưỡng bắt đầu chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình vào năm 1980 và tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên năm 2006. Nước này thừa nhận có vũ khí hạt nhân năm 2007.
Do vậy, mặc dù gần gũi về mặt địa lý với Mỹ nhưng Cuba tạo ra ít mối đe dọa tới an ninh Mỹ hơn Triều Tiên. Triều Tiên chính là mối lo của Mỹ trên hành trình hướng về châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt khi Triều Tiên đã tích cực phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa liên lục địa, tầm bắn có thể đạt tới bờ biển phía Tây của Mỹ.
Hơn nữa, nhân tố Hàn Quốc cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ không thể dễ dàng hơn với Triều Tiên. Cho đến nay, Seoul vẫn là đối thủ của Bình Nhưỡng trên nhiều vấn đề, kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng thực sự đã khiến giới chức Seoul phải “mất ngủ”. Trong khi đó, Hàn Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ từ sau Thế chiến II và vai trò của Hàn Quốc trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á ngày càng quan trọng. Vì vậy, bất cứ mối đe dọa nào với Hàn Quốc cũng sẽ đe dọa trực tiếp tới chiến lược của Mỹ tại khu vực. Xét ở trường hợp của Cuba, Cuba không có bất cứ sự cạnh tranh hay bất đồng với đồng minh lớn nào của Mỹ.
Như vậy, Mỹ sẽ được nhiều hơn mất khi bình thường hóa quan hệ với Cuba, trong khi Triều Tiên vẫn còn là mối đe dọa đáng kể. Hơn nữa, nếu như dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Bình Nhưỡng, vô hình trung, Washington đã mở rộng hoạt động thương mại, phân phối tài sản của Bình Nhưỡng ra bên ngoài, nuôi dưỡng cho những kế hoạch hạt nhân của nước này và làm mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn. Đó là một nguy cơ mà Mỹ sẽ không sẵn sàng đánh đổi.
Anh Hằng (theo The Diplomat)