Xe tải xếp hàng dài để qua biên giới Ba Lan-Ukraine trong cuộc biểu tình của nông dân tại ngã tư Dorohusk-Jagodzin, ở Brzezno, Ba Lan, 4/12/2023. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 6/3, sau nhiều ngày biểu tình ở biên giới với Ukraine, nông dân Ba Lan đã kéo nhau ra thủ đô Warsaw, bao vây Phủ Thủ tướng và Tòa nhà Quốc hội thực hiện biểu tình quy mô lớn, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay và cả biện pháp bắt giữ.
Diễn biến này đánh dấu sự leo thang trong các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan vốn tức giận trước các chính sách của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có việc nhập khẩu thực phẩm từ Ukraine mà họ cho rằng - đe dọa sinh kế và tương lai của họ.
Thế khó xử của Thủ tướng Tusk
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo thường niên về kết quả 4 năm làm việc của chính phủ Ukraine, Thủ tướng nước này Denys Shmyhal lên tiếng chỉ trích “sự vô lý” của Ba Lan và cho rằng, Warsaw đang mất nhiều hơn Ukraine trong căng thẳng về vấn đề nông sản này. Theo ông, trong khi Kiev đã tìm được một số “đối tác tốt” như Romania, Moldova, Hungary và Slovakia, để bù đắp tổn thất do các vấn đề nảy sinh với Warsaw, cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan đang xói mòn sự đoàn kết.
Thủ tướng Ukraine cũng nhắc nhở Ba Lan lưu ý đến việc nhập khẩu đang diễn ra từ Nga và Belarus. Nhắc khéo rằng, Ba Lan đã phong tỏa đồng minh Ukraine, trong khi vẫn mua nông sản từ đối thủ Nga.
Thực tế, đúng là nhập khẩu ngũ cốc từ Nga sang Ba Lan đã tăng gấp đôi vào năm 2023, đây là mức tăng lớn thứ năm trong số các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, chúng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine vào Ba Lan, mặc dù lượng ngũ cốc này đã giảm hơn một nửa vào năm ngoái trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Warsaw và Kiev.
Dữ liệu này từ Cơ quan Thống kê của EU (Eurostat) được đưa ra trong bối cảnh một cuộc tranh luận mới về nhập khẩu nông sản của Ba Lan, với việc nông dân Ba Lan vào tháng trước đã phát động các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại ngũ cốc Ukraine mà họ cho là đang "làm ngập" thị trường.
Giới quan sát bình luận, các cuộc biểu tình của nông dân càng gây chia rẽ Ba Lan-Ukraine, đặt ra tình thế khó xử đối với Thủ tướng Donald Tusk - người vốn tự coi mình là đồng minh lớn nhất của Kiev trong cuộc xung đột quân sự với Nga.
Để xoa dịu “cơn giận” của nông dân, chính phủ của Thủ tướng Tusk một mặt cam kết thương lượng với EU nhằm tìm các hạn chế cứng rắn hơn đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine, đồng thời rút khỏi các phần của “Thỏa thuận xanh” EU. Mặt khác, ông Donald Tusk cho biết sẽ xem xét luật quốc gia nhằm cấm nhập khẩu từ Nga và Belarus - vì nó giống như hàng hóa của Ukraine, gây bất ổn cho thị trường Ba Lan và EU. Thậm chí, Thủ tướng Ba Lan còn nêu ý định theo đuổi lệnh cấm này trên toàn EU.
Sự xoay chuyển của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đang khiến giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi về cách ông sử dụng để dập tắt tình trạng bất ổn của nông dân. Bởi vì không có bằng chứng nào chứng minh rằng, hàng nhập khẩu của Nga - hay thậm chí của Ukraine - là nguyên nhân gây ra tai ương cho nông dân Ba Lan.
Cụ thể, hồi tháng 1, một quốc gia EU khác - Latvia, đã thúc đẩy lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ Nga trên toàn khối nhưng đã thất bại, sau khi bị các nước khác lên tiếng phản biện rằng - lệnh cấm này sẽ quá tốn kém. Thực phẩm của Nga, không giống như năng lượng và một số mặt hàng xuất khẩu khác, không bị phương Tây trừng phạt. Nhiều nước thành viên EU như Tây Ban Nha, Italy vẫn là những người mua lớn.
Nhà kinh tế cấp cao Jakub Olipra tại Credit Agricole Bank Polska, bình luận, thông báo của Thủ tướng Tusk khó tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào trên thực tế. Và khi ông tỏ ra lúng túng, thì sự tức giận của nông dân Ba Lan sẽ sâu sắc thêm sự rạn nứt giữa Warsaw và Kiev.
Ba Lan nhập khẩu bao nhiêu ngũ cốc từ Ukraine và Nga?
Dữ liệu của Eurostat cho thấy, vào năm 2023, Ba Lan đã nhập khẩu khoảng 12.700 tấn ngũ cốc của Nga (bao gồm kiều mạch, kê, hạt hoàng yến, bột mì và ngô), tăng so với 6.100 tấn của năm trước. Con số năm 2023 là mức cao nhất được Ba Lan ghi nhận kể từ năm 2018, khi nhập khẩu từ Nga đạt gần 20.700 tấn.
Tuy nhiên, nhập khẩu ngũ cốc của Nga năm ngoái chỉ chiếm 1,3% lượng ngũ cốc đến Ba Lan từ Ukraine - ở mức hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, con số đó chưa bằng một nửa so với 2,4 triệu tấn ngũ cốc Ukraine nhập khẩu vào Ba Lan vào năm 2022 - năm Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine và các tuyến xuất khẩu ở Biển Đen bắt đầu bị phong tỏa.
Để bày tỏ sự ủng hộ đối với Kiev trong cuộc xung đột quân sự, EU đã nới lỏng các quy định về nhập khẩu và quá cảnh nông sản Ukraine. Điều này dẫn đến việc không chỉ nông dân ở Ba Lan, mà một số nước EU khác giáp Ukraine cũng cho rằng, sự bùng nổ nhập khẩu nông sản từ Ukraine đã khiến giá cả sụt giảm, khiến họ gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng.
Năm 2023, chính phủ Ba Lan nhiệm kỳ trước đã tạm thời đưa ra các lệnh cấm đơn phương đối với việc nhập khẩu và quá cảnh ngũ cốc Ukraine, bất chấp các chính sách thương mại chung của EU. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của nông dân - bao gồm cả việc phong tỏa biên giới với Ukraine - vẫn tiếp tục diễn ra.
Về ngũ cốc Nga, Ba Lan bị các nhà lãnh đạo ở Kiev chỉ trích phong tỏa đồng minh Ukraine, trong khi vẫn mua nông sản từ đối thủ Nga. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nông sản Nga giống như một mặt hàng ‘gây nghiện’, không chỉ Ba Lan, mà nhiều thành viên châu Âu vẫn đều đặn nhập khẩu ngũ cốc từ Nga. Đó cũng dễ hiểu, trong bối cảnh các nước đều cố gẳng bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, đồng thời, ngũ cốc Nga cũng không phải là mặt hàng bị cấm lưu thông do xung đột Nga-Ukraine.
Và thực tế là, trên toàn EU nói chung, năm 2023 đã nhập khẩu 1,54 triệu tấn ngũ cốc từ Nga, tăng từ mức 970.000 vào năm 2022 và là con số hàng năm cao nhất kể từ năm 2018 (khi số lượng chỉ đạt hơn 2 triệu tấn).
Trong số các quốc gia có dữ liệu tại Eurostat, mức tăng nhập khẩu ngũ cốc của Nga lớn nhất trong năm ngoái được ghi nhận là Estonia (gần 1.600%), Italy (386%) và Hà Lan (138%). Ba Lan chứng kiến mức tăng lớn thứ năm trong khối, là 107,5%.
Về mặt tuyệt đối, nhập khẩu ngũ cốc Nga 12.700 tấn của Ba Lan cao thứ bảy trong EU, xếp sau các nước dẫn đầu là Italy (473.700 tấn), Latvia (420.000 tấn), Hy Lạp (264.600 tấn) và Tây Ban Nha (256.600 tấn).
Nhà kinh tế cấp cao Jakub Olipra bình luận, "người chiến thắng duy nhất trong cuộc chiến thương mại giữa các đồng minh là Tổng thống Nga Putin, khi ông dự đoán sức mạnh của Nga còn là - quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới".