Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân, ngày 12/12/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Trong hai ngày qua, thật dễ để cảm nhận bầu không khí háo hức của người dân Thủ đô đón chào người đứng đầu Đảng, Nhà nước Trung Quốc cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Mỗi chuyến thăm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam đều diễn ra trong những bối cảnh đặc biệt, khác nhau nhưng phản ánh chân thực tầm vóc, sự phát triển của mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của hai đất nước sông liền sông, núi liền núi với nhiều nét tương đồng.
Dòng chảy hữu nghị
Trong bài đăng trên báo Nhân Dân ngay trước khi đến Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình viết, “đây là lần thứ ba tôi đặt chân đến đất nước Việt Nam tươi đẹp kể từ khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như đến thăm họ hàng, láng giềng”.
Dành nghi lễ đón tiếp cao nhất, trọng thị và thân tình đối với Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại Ðại hội XIII của Ðảng. Trong đó, ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với các nước láng giềng, nhất quán coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lâu dài với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Đồng thời, phát huy xu thế tích cực, điểm tương đồng, gắn kết giữa nhân dân hai nước cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Ðảng, hai nước và mối quan hệ cá nhân đặc biệt giữa hai người đứng đầu hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.
Trong bầu không khí hữu nghị, thắm tình đồng chí, các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hết sức chân tình, đạt kết quả phong phú và toàn diện.
Hai bên ra Tuyên bố chung, ký 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao đến an ninh, quốc phòng, hợp tác trên các lĩnh vực thực chất, hợp tác địa phương... Hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại và đề ra sáu phương hướng hợp tác lớn cùng thực hiện. Đó là, tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: TTXVN) |
Vàng đã được thử lửa
Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đã cùng nhìn lại quá trình phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước, nhất trí cho rằng tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần không ngừng kế thừa và phát huy.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần gia tăng củng cố tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thông qua các hình thức đa dạng, linh hoạt, phát huy vai trò định hướng chiến lược của quan hệ kênh Đảng đối với tổng thể quan hệ song phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc bày tỏ xúc động gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tin tưởng dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ lớn mà Đại hội XIII đề ra, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi hai mục tiêu 100 năm mà Đại hội XIII đã xác định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng; nhấn mạnh Trung Quốc kiên định ủng hộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: TTXVN) |
Hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước Việt-Trung đã vượt qua những thăng trầm của lịch sử, như vàng đã được thử lửa, như sức kiên trì đã được tôi luyện qua gian truân. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc anh em trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước; mong muốn hai bên tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị hai bên tăng cường giao lưu nhân dân, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị Việt-Trung, khuyến khích người dân, nhất là thế hệ trẻ “quen nhau, hiểu nhau, thân nhau”, góp phần củng cố hơn nữa nền tảng xã hội cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: TTXVN) |
Điểm lại những tiến triển quan trọng, thành quả hợp tác thực chất giữa hai nước trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu sáu phương hướng trọng tâm hợp tác bao gồm: tăng cường trao đổi chiến lược, giao lưu mật thiết ở cấp cao và các cấp; phát huy tốt hơn nữa vai trò quan trọng của trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh; nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, triển khai thuận lợi cửa khẩu thông minh; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, nhất là sớm có các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, chuyển đổi xanh; tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng chiến lược, kết nối hạ tầng giao thông, kết nối cửa khẩu.
Thủ tướng đề nghị sớm thành lập tổ công tác giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án tồn đọng kéo dài; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án viện trợ không hoàn lại, mở rộng hợp tác về tài chính tiền tệ, góp phần thúc đẩy đầu tư và tiện lợi hóa hoạt động giao thương; tăng cường giao lưu địa phương, nhân dân; tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: TTXVN) |
Hội kiến với lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc duy trì và tăng cường hơn nữa giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các ủy ban chuyên trách, Nhóm nghị sĩ hữu nghị; tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý và chính sách thông thoáng, thuận lợi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên tăng cường phối hợp tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực; ủng hộ nhau đăng cai các diễn đàn, hội nghị quốc tế; thúc đẩy các cơ quan có trách nhiệm của hai nước kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng phù hợp với các thỏa thuận, nhận thức chung cấp cao và luật pháp quốc tế, phối hợp thúc đẩy củng cố nền tảng xã hội tốt đẹp của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Phong phú và toàn diện
Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước trong suốt 73 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng là hai nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng, nguyện vọng của nhân dân hai nước là chung sống hữu nghị, hòa bình, ổn định lâu dài, cùng nhau phát triển, phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước cũng như xu thế chung của thời đại.
Với dòng chảy chính là hữu nghị và hợp tác, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong những năm gần đây duy trì xu thế phát triển ổn định, có những bước phát triển tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhất là sau khi hai nước triển khai khuôn khổ quan hệ Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 và đặc biệt, kể từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022.
Việc Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt, mật thiết, đặc biệt là giữa hai Tổng Bí thư, các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao được tích cực triển khai, cùng với các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn đã làm sâu sắc thêm hiểu biết và tin cậy chính trị giữa hai bên.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc.
Về vấn đề trên biển, trong các cuộc hội đàm, hội kiến, Lãnh đạo hai nước đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực. Các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước đề nghị hai bên cùng thực hiện tốt những nhận thức chung cấp cao, tôn trọng các lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện DOC, thúc đẩy COC phù hợp với UNCLOS năm 1982.
Với những kết quả đạt được phong phú và toàn diện như thế, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước.
Thành công của chuyến thăm tạo ra làn gió mới, động lực mới để hai nước cùng “cưỡi gió, đạp sóng” đưa quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục vững chắc, ổn định và bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như toàn cầu.