📞

Dịp Giáng sinh, Philippines tổ chức trực tiếp lễ hội đèn lồng khổng lồ sau 3 năm Covid-19

15:16 | 22/12/2022
Philippines đã nối lại việc tổ chức lễ hội đèn lồng khổng lồ truyền thống của nước này dưới hình thức trực tiếp, sau 3 năm gián đoạn do các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Những chiếc đèn lồng khổng lồ tỏa ánh sáng lung linh trong đêm. (Nguồn: Rappler)

Lễ hội đèn lồng khổng lồ là sự kiện có tuổi đời 100 năm của Philippines-quốc gia nổi tiếng với mùa Giáng sinh dài nhất thế giới.

Lần gần đây nhất lễ hội này được tổ chức theo hình thức trực tiếp là vào năm 2019. Do đó, sự kiện này năm nay thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân không chỉ tại Philippines mà còn từ nhiều nơi trên thế giới.

Khách thập phương đã đổ về thành phố San Fernando (thuộc tỉnh Pampanga, phía Bắc thủ đô Manila) - nơi được coi là “thủ phủ Giáng sinh” của Philippines.

Du khách tới để chiêm ngưỡng các loại đèn lồng được trưng bày tại đây từ ngày 17/12 đến 1/1/2023.

Năm nay, 10 ngôi làng tại San Fernando đã tham gia tranh tài trong buổi trình diễn ánh sáng đèn lồng khổng lồ. Mỗi ngôi làng có một chiếc đèn lồng biểu trưng của riêng mình.

Những chiếc đèn này có đường kính lên tới khoảng 6 mét, bên trong được gắn hơn 8.000 bóng điện nhấp nháy theo giai điệu của các bài hát Giáng sinh và các ca khúc nhạc pop thịnh hành.

Đặc biệt, trong số này có cả một chiếc đèn lồng được thiết kế nhằm tri ân các nhân viên y tế trong thời kỳ dịch bệnh, với dòng chữ “Xin chào các chiến sĩ nơi tuyến đầu”.

Để làm ra một chiếc đèn lồng cần có sự góp sức của hàng chục người, trong đó bao gồm cả thợ điện, thợ hàn, miệt mài làm việc trong thời gian từ 2-3 tháng, với chi phí khoảng 16.000 USD.

Giải thưởng dành cho ngôi làng thắng cuộc là khoảng 5.000 USD - gấp đôi mức giải thưởng của những năm trước đó.

Philippines là đất nước có số người theo đạo Công giáo lớn nhất châu Á, nơi người dân treo đèn lồng trong suốt dịp lễ Giáng sinh.

Truyền thống treo đèn lồng tại Pampanga được bắt đầu từ năm 1908, trong khi lễ hội đèn lồng khổng lồ đầu tiên được tổ chức sau khi San Fernando có điện lưới vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước.

(theo TTXVN)