Còn nhiều bất cập tại các khu đô thi mới ở Hà Nội. |
Kết quả kiểm tra lần một 7 dự án phát triển khu đô thị ở Hà Nội cho thấy tiến độ hầu hết các dự án đều chậm so với kế hoạch. Tình trạng vi phạm quy hoạch, thiếu hạ tầng xã hội là phổ biến.7 dự án kiểm tra đợt 1 gồm: khu đô thị Sài Đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư; khu đô thị Cổ Nhuế-Xuân Đỉnh do Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư; khu nhà ở Đồng Mô (Từ Liêm) do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà làm chủ đầu tư; khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng do Công ty Xây dựng công nghiệp làm chủ đầu tư; khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Nam Thăng Long (Tây Hồ) do Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư.Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án đầu tư khu đô thị mới, nhà ở đều có sự điều chỉnh so với quy hoạch ban đầu. Việc điều chỉnh quy hoạch chủ yếu tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích sàn xây dựng hoặc chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở.Điển hình như khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Văn Quán - Yên Phúc (Hà Đông) hay Đông Nam Trần Duy Hưng..., việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện nhiều lần, làm hạn chế mục tiêu ban đầu của dự án, làm chậm tiến độ dự án và thiếu đồng bộ trong đầu tư. Đặc biệt, tại khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc, nhiều ô quy hoạch chỉ tiêu sau điều chỉnh có đột biến lớn.Cụ thể, tại ô đất ký hiệu CQ1 và CC2 có chiều cao theo quy hoạch ban đầu từ 6 tầng, sau khi điều chỉnh đã tăng lên 27 và 36 tầng. Ô đất ký hiệu CX2 ban đầu được xác định là cây xanh, chủ đầu tư đã xây dựng thêm công trình công cộng như câu lạc bộ, nhà hàng với mật độ xây dựng lớn. Cùng với chủ đầu tư, người sử dụng công trình thấp tầng nhà vườn, biệt thự cũng tự ý thay đổi thiết kế, quy mô công trình, dẫn đến sự sai khác so với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.Ngoài ra, theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, việc phát triển nhanh các khu đô thị mới, khu nhà ở nhưng thiếu quy hoạch chung đồng bộ dẫn đến giữa các dự án chưa có sự khớp nối về tổ chức không gian, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật dẫn đến các chủ đầu tư mạnh ai nấy làm, không có sự đấu nối gây ra úng ngập cục bộ, ùn tắc giao thông tại chính khu đô thị mới và khu dân cư lân cận.Đáng chú ý, đợt kiểm tra phát hiện đa số các chủ đầu tư khu đô thị mới, khu nhà ở chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở nhưng xem nhẹ hạ tầng xã hội, công viên cây xanh nên không đáp ứng điều kiện sống cho người dân theo quy định.Ở hầu hết các dự án, trong khi phần đất kinh doanh mang lại lợi nhuận đã được phủ kín công trình thì những ô đất quy hoạch xây dựng nhà trẻ, trường học vẫn để trống.Cụ thể như khu nhà ở Đồng Me, mặc dù dân cư đã vào sinh sống nhưng điện, nước chưa được hoàn thiện. Khu đô thị mới Cổ Nhuế-Xuân Đỉnh, Đặng Xá, nhà ở đã bán, các hộ dân về sinh sống nhưng công trình công cộng, trường học chưa được đầu tư xây dựng.Hay khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên mới xây được 1 trường tiểu học, còn 4 lô xây dựng trường học, nhà trẻ khác theo quy hoạch vẫn bỏ trống; khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc cũng mới có 2 trường tiểu học và 1 nhà trẻ, còn 1 trường học và 1 nhà trẻ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.Sở Xây dựng cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến những vi phạm nêu trên xuất phát từ bất cập trong cơ chế chính sách về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng.Ví dụ như khu nhà ở Đồng Me dành cho tái định cư, mật độ xây dựng quy định là 48% trong khi diện tích mỗi lô đất chỉ có 50m2. Vì quá bất hợp lý nên các hộ dân đã tự ý xây không đúng quy hoạch. Hoặc tại khu đô thị Sài Đồng, công trình trường học không giao cho chủ đầu tư xây dựng song cũng chưa xác định cụ thể đơn vị nào chịu trách nhiệm, nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa hay từ ngân sách nên chủ đầu tư lúng túng trong các bước triển khai.Bên cạnh đó, các quy định quản lý đầu tư, kinh doanh nhà ở, khu đô thị được ban hành vào thời điểm 2005-2006, trong khi phần lớn dự án đều phê duyệt, triển khai thời điểm trước khi ban hành văn pháp lý. Trong khi đó, từ trước đến nay việc quản lý quá trình đầu tư, vận hành khai thác các dự án phân tán, không có cơ quan đầu mối kiểm soát quá trình đầu tư nên các khu đô thị mới phát triển không đồng bộ.Hiện Sở Xây dựng Hà Nội đang thành lập đơn vị quản lý Nhà nước về phát triển khu đô thị, khu nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đơn vị này sẽ là đầu mối trong việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, theo dõi tiến độ cũng như trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng xã hội theo dự án của chủ đầu tư.
UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc và UBND các quận, huyện rà soát các dự án chưa có đầy đủ hạ tầng xã hội; đề xuất địa điểm xây trường công lập, bảo đảm tiêu chuẩn của ngành giáo dục trên quy mô diện tích, dân số. Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện rà soát lại các dự án, đề xuất ngay địa điểm xây dựng trường công lập phù hợp quy mô diện tích, dân số của khu dân cư.Trong đợt kiểm tra đợt lần 2 tới, các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn Hà Nội, nếu dự án thực hiện chậm quá 24 tháng so với tiến độ mà không có lý do chính đáng, Hà Nội sẽ thu hồi giao nhà đầu tư khác.Theo VnEconomy