Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên do WB và IMF tổ chức, Đoàn công tác đã tham dự phiên họp toàn thể và phiên họp tổng kết tình hình kinh tế thế giới, các vấn đề được quan tâm toàn cầu như triển vọng kinh tế thế giới, ổn định tài chính toàn cầu, xóa đói giảm nghèo, xử lý bẫy thu nhập trung bình, ngân hàng dữ liệu, tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng cường hiệu quả viện trợ, tạo công ăn việc làm, biến đổi khí hậu..
Bên cạnh đó, Đoàn công tác Agribank đã tham dự một số phiên thảo luận, tọa đàm như: phát triển hợp tác quốc tế, hệ thống tài chính thế giới, quản lý ngoại hối, quản trị và giám sát ngân hàng thương mại, các xu hướng của kinh tế thế giới như tài chính xanh và phát triển bền vững... Nổi bật là phiên họp liên quan đến: Hoán đổi nợ lấy khí hậu, nghiên cứu trường hợp điển hình tại Barbados, các thị trường mới nổi cần hàng nghìn tỷ USD mỗi năm cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng nguồn lực vẫn còn khan hiếm. Việc hoán đổi nợ lấy khí hậu là một sáng kiến của Barbados làm thay đổi sự hợp tác công - tư, trong đó những tổ chức cam kết triển khai các giải pháp giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được giảm hoặc xóa nợ. Đây là một mô hình đầy hứa hẹn có thể mở rộng quy mô chuyển đổi tài chính khí hậu toàn cầu mà không làm tăng nợ.
Đoàn công tác cũng tham dự phiên họp về phát triển năng lực - Mở khóa hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua phân tích chính sách khí hậu: Các chính sách khí hậu mang tính chuyển đổi sẽ là cơ hội cho các khoản đầu tư vào khí hậu ở quy mô và tốc độ cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của các quốc gia. Hệ thống đánh giá chính sách khí hậu (CPD) của độ khuếch tán khí hậu (FAD) đã được triển khai để hỗ trợ các quốc gia xác định các giải pháp chính sách tài khóa về khí hậu và cung cấp thông tin hỗ trợ xây dựng các biện pháp cải cách mạnh mẽ trong khuôn khổ các chương trình do Quỹ phục hồi và phát triển bền vững (RST) tài trợ. CPD nhấn mạnh ưu tiên các chính sách ngắn hạn, trung hạn trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó mở đường cho khả năng phục hồi khí hậu dài hạn của các quốc gia. Bên cạnh đó, Đoàn cũng tham dự Phiên họp về Hệ thống nông nghiệp - thực phẩm là động lực của tăng trưởng bền vững và tạo ra việc làm và Tiếng nói của khí hậu - Việc làm xanh và xu hướng việc làm trong tương lai...
Đoàn công tác Agribank tham dự Hội nghị thường niên 2024 do WB và IMF đồng tổ chức tại Washington DC, Hoa Kỳ. |
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn công tác đã làm việc với ông Swami Venkataraman - Giám đốc toàn cầu phụ trách tài chính bền vững và các chuyên gia cao cấp của Moody’s Ratings về góc nhìn của Moody’s đối với các chính sách, quy định quốc tế về phát triển bền vững và đánh giá ảnh hưởng của các chính sách, quy định đó đối với Việt Nam nói chung và Agribank nói riêng. Ông Swami Venkataraman nhấn mạnh về ảnh hưởng của rủi ro ESG đối với kết quả xếp hạng tín nhiệm của một tổ chức trong bối cảnh hiện nay, các tiêu chí mà Moody’s sử dụng để đánh giá rủi ro ESG, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của những ngân hàng trong khu vực và trên thế giới về cách thức quản lý rủi ro ESG, cũng như tập trung vào phát triển tài chính bền vững. Trong buổi làm việc, ông Swami Venkataraman đánh giá cao kết quả về ảnh hưởng của rủi ro ESG lên kết quả tín nhiệm (CIS) của Agribank. Với mức điểm CIS-2 đối với Agribank, ông đánh giá đây là mức điểm cao so với các ngân hàng có cùng kết quả xếp hạng tín nhiệm mà Moody’s đánh giá.
Đoàn công tác Agribank làm việc với bộ phận tài chính bền vững tại trụ sở Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s tại New York, Hoa Kỳ. |
Cũng trong chuyến công tác, Agribank đã làm việc với ông Schub Jeffrey - Giám đốc phát triển bền vững của Ngân hàng Wells Fargo (WF) tìm hiểu kinh nghiệm về triển khai ESG tại WF. Ông Schub Jeffrey chia sẻ, WF đã xây dựng khung phát triển bền vững và thiết lập bộ máy gồm 23 nhân sự triển khai ESG từ năm 2021 với mục tiêu đến năm 2030 tài trợ 500 tỷ USD cho phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng nói trên, WF đã bổ nhiệm Giám đốc phát triển bền vững cũng như thành lập một bộ phận chuyên biệt triển khai ESG trên phạm vi toàn cầu. Ông Schub Jeffrey nhấn mạnh bí quyết thành công của WF trong hành trình chuyển đổi phát triển bền vững chính là cân bằng giữa mục tiêu tài chính và mục tiêu bền vững, trong đó đề cao các cơ hội kinh doanh mới được tạo ra thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ bền vững và hỗ trợ các khách hàng của mình đạt được mục tiêu về chuyển đổi xanh, bền vững. WF cũng chia sẻ về sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ trong chính sách hỗ trợ thuế đối với các doanh nghiệp thực hành tốt trong giảm thiểu carbon và WF mong muốn được hợp tác cùng Agribank trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ bền vững liên ngân hàng như tài trợ thương mại xanh (green trade finance), phát hành trái phiếu xanh quốc tế... Để triển khai ESG và phát triển bền vững một cách hiệu quả tại Agribank nói riêng và các ngân hàng Việt Nam nói chung, ông Schub Jeffrey khuyến nghị vai trò quan trọng của Ban Lãnh đạo trong việc ban hành các khuôn khổ về phát triển bền vững tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ bền vững, đồng thời cần tập trung xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện một cách kịp thời và minh bạch.
Hiện nay, Agribank đang tích cực triển khai các hành động, giải pháp nhằm hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của mình về thực hành quản lý ESG. Trong đó, Agribank tập trung xây dựng các hệ thống chính sách, quy định nội bộ và bộ máy tổ chức định hướng phát triển bền vững; nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ xanh; ưu tiên tài trợ cho các dự án có yếu tố tác động tích cực đến môi trường, xã hội; tích cực triển khai tài chính toàn diện, đặc biệt là đối với địa bàn nông thôn và miền núi, hải đảo... Sự tham gia của đoàn lãnh đạo cấp cao Agribank tại sự kiện Hội nghị thường niên của IMF/WB và các buổi làm việc với các lãnh đạo cấp cao phụ trách phát triển bền vững của Moody’s Ratings, Ngân hàng Wells Fargo thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Ban Lãnh đạo Agribank đối với hành trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. WB đang tích cực hỗ trợ Agribank trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững thông qua việc xây dựng dự thảo Khung tài chính xanh làm cơ sở cho việc phát hành trái phiếu xanh của Agribank, xác định tiêu chí đánh giá các dự án xanh và góp ý đối với kế hoạch phát hành trái phiếu xanh của Agribank, rà soát danh mục dự án tiềm năng sử dụng vốn từ trái phiếu xanh. |