Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Gia Lai về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Trọng Bình, Trung tướng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao; các đồng chí đại diện của các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính…
Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh.
Qua báo cáo từ các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, UBND TP Pleiku… cho thấy, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trong quý I/2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,91%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,92%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,26%; khu vực dịch vụ tăng 8,24%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 7,9%. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 310 triệu USD, đạt 45,59% kế hoạch,...
Về tình hình đầu tư xây dựng, nhất là các dự án trọng điểm, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công đã được giao là hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1.937,73 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.091,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 4/5 tỉnh mới chỉ giải ngân 335,25 tỷ đồng, đạt 8,32% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách trung ương giải ngân 68,24 tỷ đồng, mới đạt 3,52% kế hoạch.
Tỉnh có 18 dự án đầu tư vốn ngân sách trung ương và có 4 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách địa phương có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng đang triển khai trong năm 2023.
Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, liên vùng, Gia Lai có dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19) với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, đã giải ngân 292 tỷ đồng. Nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng bị chậm, chưa có mặt bằng để thi công. Về đầu tư đường cao tốc Pleiku-Quy Nhơn hai tỉnh Gia Lai và Bình Định sẽ tiếp tục bàn bạc về các nội dung liên quan.
Với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến thời điểm này, tỉnh cũng mới giải ngân được 5,02/362 tỷ đồng đạt 1,38%.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Cũng tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Giao thông vận tải… đã trao đổi, giải đáp nhiều vướng mắc, bất cập của tỉnh đã nêu.
Trước đó, Đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa mặt bằng chuẩn bị cho công tác đầu tư Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Pleiku và một số dự án trọng điểm của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ghi nhận đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của tỉnh cho buổi làm việc và đại diện các bộ, ngành trung ương cũng có sự giải đáp, trao đổi rõ ràng, trách nhiệm.
Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng chiến lược của các địa phương trong vùng Tây Nguyên, bao gồm Gia Lai, đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, Bộ trưởng cho rằng, Gia Lai sẽ trở thành động lực, cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên vào năm 2030 như mục tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như tinh thần Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Bên cạnh các kết quả đạt được như trong báo cáo, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đầu tư xây tỉnh. Đặc biệt, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh vẫn còn thách thức do cơ sở hạ tầng công nghiệp - thương mại, logistics trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu; số lượng doanh nghiệp còn hạn chế...
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định chủ trương “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”. Đây là lý do lần lần đầu tiên Chính phủ thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đi làm việc, nắm bắt, trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với tinh thần làm việc khẩn trương, thực chất, cụ thể và cố gắng nắm bắt, phản ánh khách quan tình hình và các đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát các định hướng lớn của Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2023 và những năm tiếp theo. Từ đó, khắc phục khó khăn trong công tác quy hoạch; trong triển khai các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong thúc đẩy đầu tư công, đầu tư theo hình thức PPP…
Riêng về đầu tư công, tỉnh phải tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; định hướng là tập trung vào những dự án trọng điểm, hạn chế đầu tư dàn trải, phân tán lãng phí nguồn lực.
Tỉnh cần chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; Chú trọng phối hợp với các bộ, ngành, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, trong đó có tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục phê duyệt, thẩm định chủ trương đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Về các dự án năng lượng tái tạo, điện gió, tỉnh cũng như nhiều địa phương, doanh nghiệp đều gặp khó khăn đấu nối phát điện lên hệ thống điện quốc gia, còn có khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến việc thực hiện bồi thường,... Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn đối với nhà đầu tư, tập trung vào những dự án đã đầu tư xong, đã kết nối rồi… tiếp tục giải phóng nguồn lực quan trọng này.
Về kiến nghị hỗ trợ tỉnh trong công tác kêu gọi các dự án ODA, FDI, xúc tiến đầu tư, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao đang thực hiện đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững theo tinh thần của Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế với phương châm "lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". Bộ trưởng đề nghị, Cục Ngoại vụ làm việc với Vụ Tổng hợp Kinh tế và các đơn vị liên quan của Bộ để thúc đẩy mạnh mẽ các mặt công tác này.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các thành viên trong Đoàn khảo sát tại thực địa Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Pleiku. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bộ trưởng cũng mong muốn tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài, trong đó lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm phát triển, công nghiệp hóa nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến là động lực, phát triển du lịch là đột phá… Đồng thời mở sang phát triển công nghiệp, công nghệ mới, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tỉnh cũng tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; hợp tác với các tỉnh biên giới của nước bạn.
Bộ trưởng đề nghị các bên tiếp tục phối hợp, trao đổi, các bộ, ngành hướng dẫn tỉnh thực hiện các mặt công tác, trong đó có một số kiến nghị cụ thể của tỉnh về các dự án trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như: Dự án thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 1; Dự án đường Hoàng Sa nối dài; công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr,... để từ đó Đoàn tổng hợp báo Chính phủ xem xét tổng hợp, giải quyết theo đề nghị của tỉnh.
Tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì đoàn công tác của Chính phủ làm việc với các địa phương Gia Lai và Kon Tum. |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các thành viên trong Đoàn khảo sát tại Dự án đường Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các thành viên trong Đoàn khảo sát dự án cấp thoát nước TP Pleiku. (Ảnh: Tuấn Anh) |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn giao 4 nhiệm vụ cho các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 Tối ngày 28/4, tại Nhà khách Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp lãnh đạo tập đoàn AstraZeneca Ngày 5/5, tại London, Vương quốc Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Phó Tổng giám đốc toàn cầu tập đoàn AstraZeneca ... |
| ASEAN 42: Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp trù bị cho Hội nghị cấp cao Ngày 9/5, tại Labuan Bajo, Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị ... |
| ASEAN 42: Toàn cảnh hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong ngày đầu chuẩn bị Hội nghị cấp cao Ngày 9/5, tại Labuan Bajo, Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị ... |
| ASEAN 42: Quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN tầm vóc, bền vững, bao trùm, hết mình vì lợi ích người dân Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến công tác tham dự Hội ... |