Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu ý kiến tại các cuộc làm việc. |
Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát chủ trì các cuộc làm việc. Tham gia về phía Đoàn giám sát có đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông và các thành viên trong Đoàn. Tham gia về phía các cơ quan Chính phủ có đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đồng chí Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ.
Các thành viên Đoàn giám sát và các cơ quan Chính phủ đánh giá cao ý nghĩa của việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát việc thực hiện các Hiệp định EVFTA trong năm 2020, thời điểm đánh dấu chặng đường 25 năm từ khi nước ta tham gia FTA đầu tiên (Hiệp định AFTA) và hiện bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện với việc đẩy mạnh thực thi các cam kết quốc tế, nhất là các cam kết trong các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Theo báo cáo của các cơ quan Chính phủ, việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA được triển khai bài bản, đồng bộ, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Đến nay, nước ta đã và đang đàm phán 16 FTA với 59 đối tác, trong đó 12 FTA đã có hiệu lực và Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Việc triển khai các FTA đã đem lại nhiều lợi ích to lớn và thiết thực, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và các hoạt động kinh tế đối ngoại.
Đơn cử trong lĩnh vực xuất khẩu, các FTA đã góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2004-2019 đã tăng hơn 17 lần, từ mức 7 tỷ USD lên 123 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường quan trọng đều tăng trưởng khá: Trung Quốc tăng khoảng 21%/năm, Hàn Quốc tăng hơn 29%/năm, Ấn Độ tăng hơn 35%/năm. Cơ cấu xuất khẩu có sự cải thiện, hàng chế biến và chế tạo chiếm 85% kim ngạch xuất khẩu.
Việc thực hiện các FTA thế hệ mới bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu sang các nước CPTPP trong năm 2019 tăng 8,2% so với năm 2018, trong đó xuất khẩu sang các thị trường chưa có FTA với Việt Nam như Canada và Mexico tăng trưởng từ 26-29%.
Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đã tham gia ngày càng chủ động vào các FTA có nội dung về mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, bao gồm các Hiệp định CPTPP và EVFTA, trong đó lưu ý hài hòa giữa nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất trong nước. Những kết quả này được các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ quan Chính phủ và các thành viên Đoàn giám sát chỉ ra những thách thức trong tiến trình tham gia các FTA, bao gồm năng lực tận dụng các cam kết, nhất là các cam kết mở cửa thị trường sâu rộng trong các FTA thế hệ mới của các doanh nghiệp còn hạn chế, sự chủ động của một số cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong tận dụng các cam kết FTA chưa cao, việc xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực thi các cam kết trong các FTA trong một số trường hợp chậm so với lộ trình.
Đoàn giám sát cơ bản nhất trí với các kiến nghị của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giải pháp tăng cường hiệu quả đàm phán, ký kết và thực thi các FTA trong thời gian tới, đồng thời đề xuất một số nhóm giải pháp như đẩy mạnh các hoạt động giám sát và đánh giá, nâng cao hiệu quả thông tin-tuyên truyền, tăng cường chất lượng xây dựng và ban hành các chính sách và văn bản thực thi các cam kết, cải tiến hơn nữa hiệu quả phối hợp liên ngành trong tiến trình tham gia và thực thi các FTA.
Các đại biểu và cơ quan nhấn mạnh các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt, tận dụng cơ hội từ các FTA.
Phát biểu ý kiến tại các cuộc làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA đối với tăng cường đan xen lợi ích giữa Việt Nam và các đối tác chủ chốt, góp phần mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tạo động lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò và sự phối hợp của các cơ quan Chính phủ và Quốc hội trong tham mưu, đề xuất và tham gia đàm phán, ký kết, phê chuẩn và triển khai các FTA thời gian qua, bảo đảm phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và quy định của luật Điều ước Quốc tế qua từng thời ký liên quan đến ký kết và thực thi các FTA.
Chia sẻ ý kiến của các đại biểu về các thách thức và các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng thực thi hiệu quả các cam kết FTA trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nhằm tranh thủ các lợi ích của các FTA cho tăng trưởng kinh tế đất nước, phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các FTA để đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, tận dụng xu hướng dịch chuyển đầu tư và các chuỗi cung ứng và sản xuất, trong đó nhấn mạnh cần đổi mới các hoạt động thông tin-tuyên truyền đáp ứng đúng nhu cầu của các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị hạn chế về khả năng nắm bắt, tiếp cận cơ hội từ các FTA thế hệ mới. Thứ trưởng Thường trực đề xuất Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá kết quả triển khai Chiến lược tham gia các FTA đến năm 2020, từ đó kiến nghị định hướng phù hợp đàm phán, tham gia các FTA trong thời gian tới.
| EVFTA: EU công bố hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng nông sản và gạo của Việt Nam TGVN. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15/7 đã công bố và nêu rõ phương thức quản lý về hạn ngạch nhập khẩu đối với một ... |
| Khi thương hiệu Việt Nam bị lấy cắp ở nước ngoài TGVN. Nhiều người Việt Nam ở Australia đã phải đau xót khi thấy rằng thương hiệu Phở của quê hương đã bị các doanh nghiệp Trung ... |
| Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam sau chiến thắng trước Covid-19? TGVN. Bất chấp xu hướng suy thoái toàn cầu, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố đã dự đoán, Việt ... |