📞

Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 làm việc với Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh

Tin/ảnh: Tuấn Anh 19:11 | 24/09/2020
TGVN. Chiều 24/9, tại trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh, Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và đại diện hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp hàng đầu của Thành phố.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi và 31 đồng chí là các Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài đã được đề cử nhiệm kỳ 2020-2023.

Về phía địa phương có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo các Sở/ban/ngành và đại diện hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp hàng đầu của Thành phố.

Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 làm việc với Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Địa phương đi đầu các hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế

Tại buổi làm việc, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, định hướng phát triển trong thời gian tới; nêu các đề nghị và “đặt hàng” của Thành phố đối với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Đồng chí Dương Anh Đức cho biết, trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực triển khai toàn diện các hoạt động đối ngoại trên tất cả các kênh của Đảng, chính quyền và nhân dân; trên tất cả các trụ cột: chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế…

Chính công tác đối ngoại đa kênh, đa dạng của TP Hồ Chí Minh đã góp phần tạo sự hiểu biết, vun đắp thiện cảm và củng cố sự tin cậy với chính quyền, các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế. Đến nay, Thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 53 địa phương nước ngoài trên cả 5 châu lục.

Trong công tác ngoại giao kinh tế, năm 2018-2019, Thành phố đã tổ chức các đoàn hội chợ, triển lãm hàng hóa và dịch vụ, tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư tại các nước như Đức, Kuwait, UAE, Indonesia, Singapore, Myanmar, Australia, Nhật Bản, Cuba… Lãnh đạo Thành ủy và UBND thường xuyên tiếp và gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, tiếp và làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của các nước.

Bên cạnh đó TP Hồ Chí Minh có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các thể chế và tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng tái thiết Đức, JICA… thu hút các nguồn vốn phát triển cho Thành phố.

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, với các hoạt động đối ngoại đều tay và rộng khắp, trong năm 2019, TP Hồ Chí Minh duy trì mức độ tăng trưởng khá, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 6.395 USD.

Năm 2019, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố đạt 8,3 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay (năm 2018 là 7 tỷ USD và năm 2017 là 6,6 tỷ USD), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 42,1 tỷ USD, tăng 10,7% so cùng kỳ. Ngoài ra, Thành phố tiếp tục là địa phương thu ngân sách lớn nhất cả nước, đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách quốc gia.

Năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh phức tạp trên địa bàn Thành phố và cả nước các chỉ tiêu kinh tế có giảm. Thành phố rất nỗ lực trong việc vực dậy nền kinh tế như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy kinh tế số, động viên, chi hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đánh giá chung kinh tế thành phố đang có chiều hướng phục hồi dần và khả năng tăng nhanh vào quý IV năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu của thành phố 8 tháng đầu năm 2020 là 25,0 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 1,32% so với cùng kỳ. Về FDI, thành phố thu hút được 2,61 tỷ USD, giảm 32,08% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, đứng trước sự chuyển đổi lớn của thời đại đang và sẽ đem lại hệ quả còn chưa lường hết được, Thành phố tiếp tục xác định một trong những đầu tàu kinh tế của Việt Nam.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Một trong những lĩnh vực ưu tiên của Thành phố là làm thế nào để nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình phát triển dựa trên nền kinh tế dịch vụ, sáng tạo và công nghệ đột phá, giảm tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động phổ thông… Trong đó các đề án lớn quan trọng có tính chất động lực phát triển, như: Đề án đến năm 2025 là: “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”; Đề án Khu Đô thị sáng tạo và tương tác cao kết nối Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức; Trung tâm Tài chính là các đề án mà Thành phố quan tâm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện.

Chính vì vậy, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh, công tác đối ngoại nhất là ngoại giao kinh tế trong thời gian tới có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần tạo nên sự dịch chuyển mô hình phát triển của Thành phố.

Nhân dịp này, đồng chí Trần Lưu Quang cảm ơn đến Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Bộ luôn đồng hành cùng Thành phố trong các hoạt động đối ngoại góp phần quan trọng cho sự phát triển của Thành phố. Đồng chí Trần Lưu Quang mong muốn, các vị Trưởng cơ quan đại diện lần này sẽ là những đại diện năng động của TP Hồ Chí Minh tại địa bàn của mình, góp phần quảng bá những nhu cầu phát triển của Thành phố đến các chính quyền, tổ chức, công ty, chuyên gia tại địa bàn nhiệm kỳ của mình. TP Hồ Chí Minh sẽ sẵn sàng là hậu phương vững chắc hỗ trợ các cơ quan đại diện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cũng tại buổi làm việc, các Sở: Thông tin Truyền thông giới thiệu về Đề án Xây dựng Đô thị Thông minh; Quy hoạch Kiến trúc giới thiệu về Đề án Xây dựng thành phố Thủ Đức; Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh giới thiệu về Đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính TP Hồ Chí Minh… Đồng thời lãnh đạo, đại diện các sở/ban/ngành, doanh nghiệp của Thành phố và các Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài đã được đề cử nhiệm kỳ 2020-2023 cũng đã trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Bộ Ngoại giao nỗ lực hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao chủ trương đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và trong chủ trương chung đó nhấn mạnh lấy địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao chủ trương đẩy mạnh công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và trong chủ trương chung đó nhấn mạnh lấy địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm.

Chính vì thế, trước khi các vị Trưởng cơ quan đại diện lên đường nhận nhiệm vụ công tác, Bộ Ngoại giao tổ chức Đoàn đi làm việc với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, nhu cầu và tiềm năng, từ đó giúp các Đại sứ/Tổng Lãnh sự xây dựng kế hoạch của mình khi đi công tác sang địa bàn nước ngoài.

Bộ Ngoại giao đã tổ chức Chương trình Tọa đàm giữa Đoàn Trưởng cơ quan đại diện với các địa phương phía Bắc tại Hà Nội, với các địa phương Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và với các địa phương phía Nam tại Bình Dương vừa được tổ chức sáng nay.

Bộ Ngoại giao và hệ thống 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh về thông tin thị trường và giới thiệu đối tác nước ngoài trong quá trình liên doanh liên kết; cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hạn chế các tác động tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình hội nhập; hỗ trợ thu xếp nhiều đoàn lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, Đại sứ, cán bộ ngoại giao các nước thăm làm việc tại TP Hồ Chí Minh; hỗ trợ phát huy giá trị di sản văn hóa của Thành phố nói riêng và sức mạnh mềm quốc gia thông qua xây dựng hồ sơ Địa đạo Củ Chi là Di sản Văn hóa thế giới trình UNESCO công nhận…

Đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh, trong nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Thành phố tiếp tục là một địa bàn nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Định hướng phát triển đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh được xem đầu tàu đối với cả vùng Đông và Tây Nam Bộ bởi định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của các địa phương này đều lấy Thành phố làm trung tâm để liên kết vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế.

Đáp ứng quá trình hội nhập và phát triển của TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đề nghị các Trưởng cơ quan đại diện trên cơ sở lắng nghe các trọng tâm phát triển của Thành phố, đánh giá tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của các địa phương nước ngoài thuộc địa bàn mình phụ trách có các đặc điểm tương đồng và nhu cầu hợp tác, đồng thời cụ thể hóa việc giúp đỡ, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đi thăm làm việc và xúc tiến đầu tư - thương mại tại châu Âu, châu Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Đông và Nam Á…

Các vị Trưởng cơ quan đại diện khi nhận được đề nghị cụ thể của các sở/ban/ngành của TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung, nỗ lực hết sức để hỗ trợ cho Thành phố.

Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, mức độ càng sâu thì sự cạnh tranh càng lớn. TP Hồ Chí Minh là điển hình trong việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát huy tối đa nội lực để tạo ra sự đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Thành phố cũng chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực; chủ động nắm lấy thời cơ của quá trình hội nhập quốc tế và có kế hoạch cụ thể đối phó với các thách thức.

Vì vậy, Thứ trưởng Thường trực tin tưởng TP Hồ Chí Minh có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; có hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và thể dục thể thao ở trình độ cao so với khu vực và cả nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.