📞

Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 tọa đàm với các địa phương phía Nam

Tin/ảnh: Tuấn Anh 11:25 | 24/09/2020
TGVN. Sáng 24/9, tại tỉnh Bình Dương, Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 đã có buổi tọa đàm với lãnh đạo các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp hàng đầu khu vực phía Nam.

Tham dự buổi Tọa đàm có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi và 31 đồng chí là các Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài đã được đề cử nhiệm kỳ 2020-2023.

Về phía địa phương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam; lãnh đạo UBND các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long; đại diện hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp hàng đầu các địa phương khu vực phía Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Bộ Ngoại giao đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn chào mừng lãnh đạo các địa phương khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đại diện hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp hàng đầu các địa phương khu vực phía Nam đến trao đổi, gặp mặt các vị Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023.

Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đối ngoại đã được triển khai tích cực, hiệu quả, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như của tất cả các địa phương.

Thành công của công tác đối ngoại đất nước, có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các địa phương đối với công tác đối ngoại địa phương; sự phối hợp giữa địa phương với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành trung ương trong việc triển khai các nhiệm vụ đối ngoại tại địa phương thời gian qua cũng ngày càng nhuần nhuyễn và hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao luôn tích cực đồng hành để hỗ trợ các địa phương tăng cường hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong công tác này.

Thứ trưởng Thường trực khẳng định, các Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài đã được đề cử lần này là những cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác đối ngoại, tâm huyết với các địa phương. Thời gian qua, Đoàn Trưởng cơ quan đại diện đã trực tiếp đi các vùng, miền trong cả nước, nghe đề xuất, yêu cầu của các địa phương để có kế hoạch hành động hiệu quả thiết thực nhất trong nhiệm kỳ công tác sắp tới. Chiều ngược lại, các vị Đại sứ, Tổng Lãnh sự, từ góc độ địa bàn của mình, trên cơ sở quan tâm của các địa phương, cung cấp thêm những thông tin cần thiết hoặc những ý kiến đề xuất xác đáng nhằm hỗ trợ địa phương có thêm cơ hội kết nối, thu hút đầu tư trực tiếp cũng như các nguồn lực đối ngoại về phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.

Tăng cường hơn nữa hợp tác giữa địa phương và cơ quan đại diện

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đánh giá rất cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao về việc tổ chức chương trình Tọa đàm giữa Đoàn các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài với Lãnh đạo và doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố phía Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đánh giá rất cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao về việc tổ chức chương trình Tọa đàm.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, thông qua Tọa đàm này sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương với Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đối ngoại phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực cũng như của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, các tỉnh, thành phía Nam, bao gồm 6 tỉnh, thành phố Miền đông Nam bộ và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Với diện tích khoảng 64.000km2, dân số khoảng 34,5 triệu người, Khu vực Nam bộ luôn được đánh giá là khu vực có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là đầu tàu của cả nướcvề tăng trưởng và phát triển kinh tế, về đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội.

Các tỉnh, thành thuộc khu vực Miền đông Nam bộ với thế mạnh về phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước, trong nhiều năm qua luôn đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm GDP và trên 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh về nông nghiệp, về thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến thủy hải sản và là vựa lúa của cả nước, giữ vai trò then chốt trong đảmbảo an ninh lương thực quốc gia, trong nhiều năm qua đã luôn đóng khoảng 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản và 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Với tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội, về môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và với việc triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong thời gian qua các tỉnh, thành phía Nam luôn là điểm đến tin cậy và hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 15/8/2020, các tỉnh, thành phố phía Nam đã thu hút được tổng cộng 18.189 dự án đầu tư nước ngoài FDI với tổng số vốn là 185 tỷ 69 triệu USD (chiếm 69,9% tổng vốn FDI của cả nước).

Riêng với Bình Dương, trong những năm qua đang dần khẳng định vai trò và vị thế của mình trong mối quan hệ liên kết vùng và kết nối quốc tế. Bình Dương là một tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ và là một trong những tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Bình Dương hiện đứng thứ 3 của cả nước (sau Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, với gần 3.900 dự án FDI và tổng vốn đầu tư trên 35 tỷ USD.

Trong những năm qua, bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo có quy mô tầm cỡ quốc tế, mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị song phương với các địa phương nước ngoài, tỉnh Bình Dương cũng đã chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác đa phương với các tổ chức quốc tế và các bên đối tác nước ngoài. Tính đến nay, Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với 10 tỉnh/thành phố nước ngoàivà hiện đang là thành viên chính thức, là đối tác tin cậy của 4 tổ chức quốc tế, đó là: Hiệp hội Đô thị khoa học Thế giới (WTA), Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm Thương mại Thế giới (WTCA).

Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 tọa đàm với các địa phương phía Nam.

Với những thành công khá toàn diện, phong phú và đa dạng trong hoạt động đối ngoại của tỉnh trong thời gian qua, Bình Dương tự tin tiếp tục phát huy nội lực, cải thiện môi trường kinh doanh và hợp tác đầu tư; tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác song phương và đa phương để Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn không những của các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn là nơi tổ chức các sự kiện đối ngoại mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế,.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định Tọa đàm hôm nay là cơ hội để các lãnh đạo các địa phương và đại diện doanh nghiệp các tỉnh, thành phía Nam trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất, kiến nghị hợp tác triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại và hợp tác quốc tế với Bộ Ngoại giao, với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ các địa phương trong hoạt động hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư với các bên đối tác nước ngoài.

Phối hợp hiệu quả các nội dung hợp tác

Tại Tọa đàm, các địa phương khu vực miền Nam đã thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, công tác đối ngoại của địa phương trong thời gian qua và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đặc biệt, đại diện các tỉnh đã nêu rõ những thế mạnh của địa phương, lĩnh vực ưu tiên trong công tác đối ngoại và những dự án thu hút đầu tư trọng điểm của địa phương mình.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam và các vị Trưởng cơ quan đại diện đã trao đổi, đề xuất với Bộ Ngoại giao, với các Đại sứ, Tổng Lãnh sự hợp tác, hỗ trợ cho các địa phương trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ với các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, các Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn chào mừng lãnh đạo các địa phương khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông qua đó, các địa phương mong muốn Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

Các đồng chí Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp khu vực miền Nam trong việc kết nối, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hội nhập quốc tê phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tới.

Bộ Ngoại giao tiếp tục làm cầu nối hữu hiệu giữa các tỉnh, thành phố với các địa phương và các bên đối tác nước ngoài; gắn hoạt động đối ngoại của Bộ Ngoại giao với mục tiêu hỗ trợ các địa phương kết nối, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố phía Nam.

Bộ Ngoại giao cũng sẽ đề xuất, kiến nghị Chính phủ định hướng những lĩnh vực và những dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và có sức lan tỏa lớn ưu tiên mời gọi thu hút đầu tư vào từng vùng, trong đó có Miền đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài việc kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài của các địa phương, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự cũng sẽ tích cực hỗ trợ các địa phương trong công tác giới thiệu, quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, những lĩnh vực ưu tiên trong công tác đối ngoại và những dự án mời gọi thu hút đầu tư trọng điểm của các địa phương.

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm đã diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC).

Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với các nước, trong đó có EVFTA đã có hiệu lực, Bộ Ngoại giao cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp triển khai những giải pháp thu hút đầu tư phù hợp để tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhất là đón bắt thời cơ dịch chuyển của các chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư từ nước ngoài; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang các nước, nhất là sang thị trường EU.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các ý kiến tại Tọa đàm và cho rằng tình hình chính trị, an ninh, dịch bệnh… trên thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng hơn nữa bằng các cơ chế chính sách sáng tạo, thông thoáng và đảm bảo tốt về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm để kết nối các địa phương khu vực phía Nam với các địa phương, doanh nghiệp của các nước trên thế giới. Thứ trưởng Thường trực đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự cũng như Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao lưu ý các đề nghị, yêu cầu mà đại diện các địa phương khu vực phía Nam đã nêu, có kế hoạch hỗ trợ cụ thể đối với các mong muốn của các địa phương và quan tâm kết nối ngay khi gặp những đối tác, những cơ hội phù hợp.

Các đại biểu dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.