Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 tọa đàm với Lãnh đạo các tỉnh miền Trung: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh thời gian qua công tác đối ngoại đã được triển khai tích cực, hiệu quả, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, là đòn bẩy hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của các địa phương nói chung.
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao cùng với mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới luôn tích cực đồng hành để hỗ trợ các địa phương tăng cường hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội.
Tọa đàm lần này là cơ hội để các địa phương miền Trung, những nơi trong thời gian qua vừa phải chịu nhiều mất mát, tổn thất không nhỏ về mọi mặt chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh đồng thời đề xuất các kiến nghị cụ thể với Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao và các Trưởng Cơ quan đại diện sẽ có định hướng về chương trình hành động và các hoạt động hỗ trợ các địa phương miền Trung tăng cường các hoạt động đối ngoại, kêu gọi viện trợ quốc tế, tranh thủ các đối tác ở bên ngoài, phục vụ các chương trình khắc phục hậu quả thiên tại, phục hồi kinh tế.
Thứ trưởng Thường trực đề nghị các Đại sứ, Tổng Lãnh sự cũng như Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao lưu ý các đề nghị, yêu cầu mà đại diện các địa phương khu vực miền Trung đã nêu, có kế hoạch hỗ trợ cụ thể đối với các mong muốn của các địa phương và quan tâm kết nối ngay khi gặp những đối tác, những cơ hội phù hợp.
Tại Tọa đàm, các địa phương khu vực miền Trung đã thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, công tác đối ngoại của địa phương trong thời gian qua và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Các đại biểu dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đặc biệt, đại diện các địa phương đã nêu rõ những thế mạnh của địa phương, lĩnh vực ưu tiên trong công tác đối ngoại và những dự án thu hút đầu tư trọng điểm của địa phương mình. Thông qua đó, các địa phương mong muốn Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nông nghiệp - công nghiệp công nghệ cao; nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; phát triển năng lượng.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của các địa phương khu vực miền Trung, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn, khẳng định các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 sẽ đồng hành, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp khu vực miền Trung trong việc kết nối, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tới.
Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục làm cầu nối hữu hiệu giữa các tỉnh, TP với các địa phương và các bên đối tác nước ngoài; gắn hoạt động đối ngoại của Bộ Ngoại giao với mục tiêu hỗ trợ các địa phương kết nối, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, TP miền Trung.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Đề nghị Bộ và các cơ quan đại diện hỗ trợ Đà Nẵng tiếp cận với các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn xuyên quốc gia có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực đón đầu cách mạng công nghệ 4.0 như: công nghệ ICT, kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ phụ trợ… đặc biệt tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và châu Âu, Trung Đông.
Hỗ trợ TP trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lochj ở nước ngoài tại các thị trường trên; Xúc tiến quảng bá thông tin văn hóa, du lịch Đà Nẵng tại các địa bàn tiềm năng; Giới thiệu các tập đoàn, công ty lữ hành chuyên nghiệp khai thác du lịch, đặc biệt là thị hiếu, xu hướng du lịch tại các thị trường Australia, Nga, châu Âu, Trung Đông.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. |
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Đề nghị Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại: Liên bang Nga, Kuwait, Osaka, (Nhật Bản), Hong Kong (Trung Quốc) quan tâm, hỗ trợ tỉnh tổ chức Đoàn công tác đi thăm và làm việc; hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để ký kết quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Tula (Nga), Fawaniyah (Kuwait), nghiên cứu, hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Hong Kong…
Đặc biệt, tại các địa bàn Hoa Kỳ, Kuwait, Thanh Hóa mong muốn thu hút một số dự án lớn, trọng điểm như: Tổ hợp hóa dầu của Tập đoàn Exxon Mobil; dự án Kho chứa, nhập khẩu khí đốt hóa lỏng và Nhà máy điện chạy bằng khí đốt gas tự nhiên của Tập đoàn Millennium Energy, đầu tư giai đoạn II dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Tổng kho dầu thô Nghi Sơn...
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. |
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: tỉnh mong muốn các Trưởng Cơ quan đại diện hỗ trợ Tập đoàn Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai xây dựng dự án Nhà máy điện khí Quảng Trị tại mỏ Báo vàng; hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược của Singapore cụ thể hóa các cam kết thành các dự án cụ thể; quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát, hợp tác đầu tư về: cơ sở hạ tầng, cảng biển, du lịch, dịch vụ, thương mại, chế biến thực phẩm, chế biến sản phẩm nông nghiệp… đặc biệt là đầu tư vào Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: |
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Mong các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ kết nối, thông tin, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thừa Thiên Huế đến bạn bè, đối tác; Thúc đẩy việc hợp tác, trao đổi giữa Bệnh viện TW Huế và Đại học Y dược Huế với các trường đại học y khoa, bệnh viện và trung tâm y tế lớn nước ngoài nhằm trao đổi chuyên môn, nâng cao các kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa cũng như hỗ trợ về trang thiết bị y tế.
Quan tâm giới thiệu các các đoàn nghệ thuật sang giao lưu và biểu diễn trong các kỳ Festival Huế tiếp theo ; Hỗ trợ kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng, thế mạnh và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế, tiến tới việc khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương, đặc biệt chú trọng việc phát triển khu đô thị, hạ tầng cảng biển, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm logistic, là các ngành chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. |
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Đề nghị Bộ và các cơ quan đại diện hỗ trợ quảng bá hình ảnh của tỉnh đến bạn bè quốc tế, giới thiệu, kết nối các dự án, chuyên gia về trùng tu di sản. Năm 2022, tỉnh dự kiến tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VII, đề nghị giúp tỉnh kết nối, mời các đoàn khách tham dự sự kiện.
Giới thiệu Quảng Nam đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhiều cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư mà tỉnh có thế mạnh: du lịch, dịch vụ, công nghiệp, chế biến, nông nghiệp, dược liệu…
Kiến nghị Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khỏn Khèn, Thái Lan thu hút các doanh nghiệp bạn đến tìm hiểu đầu tư, mở rộng thị trường, kết nối du lịch, đặc biệt khi tuyến hành lang kinh tế Đông Tay 2 hình thành; Kêu gọi các nhà đầu tư Australia, Singapore, châu Âu đến phát triển cơ sở hạ tầng tại Sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà và các khu công nghiệp của tỉnh
Ông Trần Khánh Thục, Phó Giám đốc phụ trách Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An. |
Ông Trần Khánh Thục, Phó Giám đốc phụ trách Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An: Mong muốn các Bộ Ngoại giao tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế của các nước đến khảo sát, nghiên cứu và đầu tư tại tỉnh, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ và sản xuất vật liệu mới, vật liệu thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực này theo cuộc CMCN 4.0; Hỗ trợ các chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác tỉnh tại nước ngoài trong việc quảng bá, giới thiệu đầu tư, thu hút ODA, FDI…
Hỗ trợ tỉnh kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận lao động Nghệ An để thúc đẩy xuất khẩu lao động; hỗ trợ công tác bảo hộ công dân đối với kiều bào Nghệ An ở nước ngoài…
Bà Ngô Thị Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Tĩnh. |
Bà Ngô Thị Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Tĩnh: Mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh đến các doanh nghiệp, tập đoàn, các tổ chức, hiệp hội nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp từ nước ngoài, nhất là Nhật Bản, CHLB Đức, Pháp, Thái Lan, Singapore, Nga...; các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư, danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư vào Hà Tĩnh với các lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics; lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại.
Đồng thời hỗ trợ để tỉnh nghiên cứu nhu cầu thị trường của các nước về các sản phẩm mà tỉnh Hà Tĩnh có thể xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của tỉnh có chất lượng cao như: Thủy sản, cam, bưởi, chè... Thúc đẩy quá trình thực các biên bản ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác đầu tư đã ký kết với các đối tác nước ngoài để các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động.
Bà Đỗ Thị Hòa Thu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình. |
Bà Đỗ Thị Hòa Thu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình: Đề nghị Bộ hỗ trợ, giới thiệu cho tỉnh Quảng Bình các đối tác phù hợp để tỉnh thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị, kêu gọi hợp tác đầu tư, đặc biệt trên các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất, lắp ráp đồ điện dân dụng, điện tử, viễn thông, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt các ngành năng lượng tái tạo gắn liền với biển, nhằm phát huy lợi thế đường bờ biển dài của tỉnh, phát triển kinh tế biển gắn liền với phát triển năng lượng tái tạo. Giới thiệu về các chương trình, dự án ODA, NGO nhằm hỗ trợ tỉnh Quảng Bình phát triển cơ sở hạ tầng, nông thôn, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu,…
Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tỉnh, du lịch Quảng Bình, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với danh xưng “Vương quốc hang động” đến các nước, khu vực trên thế giới; giới thiệu các đối tác thực hiện các chương trình, dự án về bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Dự kiến cuối tháng 01/2021, Quảng Bình sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh, kiến nghị Bộ hỗ trợ trong việc giới thiệu, quảng bá về Hội nghị, giới thiệu các đối tác tiềm năng để tỉnh Quảng Bình mời tham dự Hội nghị cũng như thúc đẩy hợp tác.
Cũng tại Tọa đàm, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự đã dành thời gian trao đổi với đại diện các địa phương.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi - Người được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga trao đổi tại Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo - Người được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Bỉ phát biểu. |
Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
| Tăng cường phối hợp trong công tác đối ngoại giữa Bộ Ngoại giao và TP Đà Nẵng TGVN. Chiều 11/12, tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng, Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ ... |
| Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị TGVN. Ngày 1/12, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ... |
| Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 TGVN. Chiều nay, 7/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ... |