Nhỏ Bình thường Lớn

Đoàn Việt Nam đến Nam Phi tìm hiểu về hậu quả nạn tiêu thụ sừng tê giác

Ngày 8/9, đoàn Việt Nam gồm có các nhà báo, cán bộ hải quan, nhà bảo tồn động vật hoang và ca sĩ Hồng Nhung đã tới Nam Phi để tìm hiểu về hậu quả của nạn tiêu thụ sừng tê giác.
Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ngày một gia tăng dẫn đến tình trạng thảm sát tê giác ở Nam Phi.

Mục đích của chuyến đi này nhằm giúp các đại biểu trực tiếp chứng kiến những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn vong của tê giác tại Nam Phi và tìm hiểu nạn thảm sát tê giác để lấy sừng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại một số quốc gia trong đó có Việt Nam.

Trong chuyến làm việc, các đại biểu Việt Nam sẽ tới thăm Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi), điểm nóng về nạn thảm sát tê giác. Đồng thời, đoàn đại biểu sẽ gặp và làm việc với các chuyên gia, kiểm lâm và các nhóm bảo tồn tại đây để hiểu rõ hơn về những khó khăn họ gặp phải trong nỗ lực bảo vệ tê giác.

Đây là năm thứ hai tổ chức Rhinose Foundation và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp tổ chức chuyến thăm và làm việc cho đoàn đại biểu Việt Nam nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nỗ lực bảo vệ tê giác.

Theo ENV, niềm tin vào tác dụng của sừng tê giác như một loại thần dược để chữa bách bệnh thậm chí cả ung thư, và việc sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp, địa vị, đã khiến nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ngày một gia tăng dẫn đến tình trạng thảm sát tê giác ở Nam Phi.

Năm 2007, chỉ có 13 cá thể tê giác bị giết hại, nhưng đến năm 2013 con số này đã tăng lên 1.004 cá thể (tăng gần 8.000%). Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, số lượng tê giác bị giết hại ít nhất là 695 cá thể. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa các loài tê giác trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng. Ở Việt Nam, cá thể tê giác một sừng cuối cùng đã bị giết hại vào năm 2010.

Bích Nhi