Nhỏ Bình thường Lớn

Doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam - Bangladesh tìm kiếm cơ hội hợp tác

TGVN. Từ một đất nước chuyên gia công xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, Bangladesh hiện được đánh giá là ngôi sao đang nổi lên trên thị trường công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông thế giới. Tuy nhiên, hiện còn ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới tiềm năng và cơ hội tại thị trường này
TIN LIÊN QUAN
Tàu Hải quân Bangladesh thăm hữu nghị TP. HCM
Xuất bản sách “Tiểu sử Hồ Chí Minh” sang tiếng Bengali
Doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam - Bangladesh tìm kiếm cơ hội hợp tác
Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

Với mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh đã chủ trì tổ chức Hội thảo: “Bangladesh số - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và Bangladesh”.

Buổi Hội thảo diễn ra hôm 24/7 tại thủ đô Dhaka với sự tham dự của Bộ trưởng - Quốc Vụ khanh về CNTT; Lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội của Bangladesh; cùng đông đảo các doanh nghiệp CNTT hàng đầu của hai nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa đã nhấn mạnh về những điểm tương đồng, tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước trong lĩnh vực CNTT, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam tăng cường đầu tư vào lĩnh vực đang phát triển bùng nổ này tại Bangladesh.

Về phía Bangladesh, Bộ trưởng - Quốc Vụ khanh về CNTT, Zunaid Ahmed Palak cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, đồng thời cam kết mạnh mẽ rằng, Chính phủ Bangladesh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh chóng mọi vướng mắc cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại Bangladesh.

Doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam - Bangladesh tìm kiếm cơ hội hợp tác

Một thông tin đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại Hội thảo là hiện nay hơn 25 triệu người Bangladesh đang sử dụng các hệ thống và phần mềm do Công ty FPT của Việt Nam tham gia xây dựng. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy tiềm năng hợp tác lớn giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam và Bangladesh.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có công ty FPT của Việt Nam đã đặt chân đến thị trường này và đang triển khai các dự án công nghệ thông tin lớn cho Chính phủ Bangladesh từ năm 2014 như: dự án Cung cấp và triển khai hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp cho Cơ quan Thuế Bangladesh; dự án Hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT; dự án Cung cấp và triển khai phần mềm hoạch định nguồn lực và quản lý tài sản doanh nghiệp cho Công ty Phát điện và Công ty Truyền tải Gas Bangladesh.

Những dự án CNTT có quy mô lớn này đã đóng góp quan trọng vào công cuộc tin học hóa nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ Bangladesh trở thành quốc gia số vào năm 2021, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các công ty CNTT của Việt Nam và Bangladesh.

Với những thành công bước đầu tại thị trường Bangladesh và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, cũng như của các công ty, tập đoàn lớn của nước này, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT chia sẻ, thời gian tới FPT sẽ tiếp tục tham gia triển khai các dự án CNTT có quy mô lớn, mang tính quốc gia tại Bangladesh.

Ngoài ra, một định hướng mới mà FPT sẽ tập trung triển khai là tuyển dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trẻ, làm việc chăm chỉ, có vốn tiếng Anh tốt và có giá thành hợp lý của Bangladesh, đưa họ ra thế giới, làm việc cho các dự án toàn cầu của FPT. Bên cạnh đó, FPT sẽ thúc đẩy triển khai kế hoạch thành lập trường Đại học tại Bangladesh.

Doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam - Bangladesh tìm kiếm cơ hội hợp tác

Theo số liệu thống kê do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ thông tin Bangladesh cung cấp, hiện toàn quốc có trên 100 trường Đại học và 1.400 trường cao đẳng đang đào tạo lĩnh vực CNTT. Hàng năm, có trên 10.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng của các công ty. Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trình độ cao đang là trở ngại lớn đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực CNTT của Bangladesh.

Trong Tầm nhìn “Bangladesh số” vào năm 2021, Chính phủ nước này đặt mục tiêu tạo ra khoảng 2 triệu việc làm mới trong lĩnh vực CNTT và nâng cao doanh thu xuất khẩu dịch vụ CNTT lên 5 tỷ USD. Do vậy, Chính phủ Bangladesh đang dành ưu tiên cao nhất cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, đào tạo với các nước có thế mạnh về CNTT như Việt Nam.

Ông Syed Almas Kabir, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ thông tin Bangladesh đánh giá cao những kết quả đạt được tại Hội thảo vì đã giúp các doanh nghiệp hai nước hiểu hơn về những tiềm năng và cơ hội hợp tác. Ông Kabir nhấn mạnh, các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam cần tranh thủ cơ hội đầu tư tại thị trường Bangladesh, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo. Ông Kabir đặc biệt quan tâm tới khả năng hợp tác giữa Học viện Công nghệ và quản lý Bangladesh với Trường Đại học Funix của Việt Nam về phương pháp giảng dạy và học tập trực tuyến, nhằm nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho Bangladesh.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với các quốc gia, đặc biệt là bài toán đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Những định hướng và kế hoạch hợp tác cụ thể giữa các doanh nghiệp, cùng với những cam kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ hai nước là tiền đề vững chắc để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này thời gian tới.

Buổi gặp mặt đầu Xuân Kỷ Hợi tại Bangladesh

“Xuân gắn kết yêu thương” là chủ đề của buổi gặp mặt dành cho cộng đồng người Việt do Đại sứ quán Việt Nam tại ...

Giá trị đơn hàng tại hội chợ lớn nhất Bangladesh tăng vọt trong năm 2019

Tại Hội chợ thương mại quốc tế Dhaka (DITF) lớn nhất Bangladesh lần thứ 24 vừa kết thúc ngày 9/2, các nhà xuất khẩu nước này ...

Tôn vinh văn hóa Việt tại Lễ hội Thủ công mỹ nghệ quốc tế Bangladesh

​Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trang phục áo dài của Việt Nam từ lâu đã được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ ...

D.L (tin từ ĐSQ VN tại Bangladesh)