📞

Doanh nghiệp FDI: Nhiều khó khăn “khổ lắm, nói mãi”

18:33 | 10/04/2009
Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục hải quan, thuế quan còn rườm rà, chính sách tỉ giá thiếu ổn định... tiếp tục là những vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) quan tâm và đề xuất ý kiến tại buổi tọa đàm giữa Bộ Công Thương với doanh nghiệp FDI vào đầu tháng 4 tại Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp FDI còn phiền lòng về thủ tục hải quan thuế

“Kể tội” hải quan

 

“Chúng tôi không ngờ lại nhận được quá nhiều ý kiến đến thế”, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan đã thốt lên như vậy sau một loạt ý kiến bức xúc từ phía doanh nghiệp FDI.

Hầu hết doanh nghiệp FDI tại buổi tọa đàm đều có chung nhận định thủ tục hải quan còn phức tạp, quá nhiều giấy tờ rườm rà và mất quá nhiều thời gian. Đại diện Công ty Suncall Technology, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: "Thủ tục hải quan quá nhiều giấy tờ rườm rà". Điều này gây cản trở không nhỏ đến tiến độ giao hàng với đối tác nước ngoài, từ đó gây mất uy tín cho doanh nghiệp. Các cục và chi cục hải quan không thống nhất trong thực hiện một số luật, thông tư, công văn dẫn đến hàng hóa của doanh nghiệp không được thông quan, nên vừa phải chịu chi phí lưu kho, vừa thiếu nguyên vật liệu sản xuất. Đại diện một doanh nghiệp thuộc tập đoàn kim cương Tiffany Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ca thán về việc xin hướng dẫn kinh doanh từ Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan mất 6 tháng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

 

Ông Mark Barnett, Giám đốc Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đề xuất chính phủ cần cải tiến thủ tục hải quan, thông quan thực sự phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống quản lý phải minh bạch, rõ ràng và một đội ngũ nhân lực vững về chuyên môn để phối hợp tốt hơn với các doanh nghiệp.

           

Giảm thuế xuất khẩu?

 

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2009, khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, nếu không có những giải pháp tích cực hữu hiệu, mức độ sụt giảm xuất khẩu năm nay có thể lên tới 10-15%, chỉ đạt khoảng 19-20 tỉ USD.

 

Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh. Sức ép cạnh tranh xuất khẩu giữa các nước châu Á vì thế càng gia tăng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản, dệt may, giầy dép, hàng  điện tử. Một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản… đã hạ thuế xuất khẩu bằng 0% với nhiều mặt hàng. Doanh nghiệp cũng kiến nghị nên miễn, giảm thuế xuất khẩu, nếu được thì có thể giảm xuống 0%. Đại diện Công ty Yang Sin Việt Nam (Thái Bình) chia sẻ với mức thuế 5% mới áp dụng từ cuối năm ngoái thì dự định của công ty tăng xuất khẩu trong năm 2009 chắc chắn sẽ phải tính toán lại. 

 

Những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xuất nhập khẩu cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Nazagaki Masahiro, công ty Panasonic Việt Nam lấy ví dụ ngay cả cảng Hải Phòng lớn nhất phía Bắc nhưng quy mô còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xuất - nhập hàng.

 

Nhiều vướng mắc khác như lao động, hỗ trợ đào tạo nghề, cấp xuất xứ chứng nhận hàng hóa,... cũng được phía doanh nghiệp FDI nêu lên. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến khối doanh nghiệp FDI, cố gắng đưa ra nhiều nhóm giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng, có thể là miễn, giảm, hoãn, giãn thời gian nộp thuế; điều hành tỉ giá linh hoạt; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn...

 

Rõ ràng, sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế, sự suy giảm về thị trường xuất nhập khẩu không làm các doanh nghiệp FDI phiền lòng bằng những bức xúc về hải quan và thuế - những vấn đề “khổ lắm, nói mãi”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có thêm buổi tọa đàm giữa ngành hải quan với doanh nghiệp FDI để những khúc mắc được giải quyết hợp lý và triệt để. Trước mắt, Bộ Công Thương là đầu mối phối hợp với các bộ, các ngành có liên quan để tìm hiểu về những khó khăn mà các doanh nghiệp FDI gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Diễn Tú