📞

Doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng triệt để cơ hội từ VKFTA

09:44 | 12/07/2017
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang tận dụng rất tốt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) để thương mại, đẩy mạnh đầu tư và gặt hái thành công tại thị trường Việt Nam.

Nhập siêu từ Hàn Quốc tăng nhanh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 29,1%, trong đó, điện thoại và linh kiện tăng 29,6%; dệt, may tăng 22,5%. Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai về nhập khẩu của Việt Nam với 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%, trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 123,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,1%; điện thoại và linh kiện tăng 37,7%.

Với mức thâm hụt thương mại lên tới 15,9 tỷ USD, Hàn Quốc đã chính thức vượt Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (nhập siêu từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 14,1 tỷ USD).

Trước đó, năm 2008, Việt Nam đã nhập siêu từ Hàn Quốc 6,27 tỷ USD. Con số này tăng lên 8,46 tỷ USD trong năm 2011 và đạt 20,6 tỷ USD trong năm 2016 cho thấy nhập siêu từ Hàn Quốc đang tăng nhanh.

Con số thặng dư thương mại nghiêng về Hàn Quốc một vài năm trở lại đây đã cho thấy, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tận dụng rất tốt các cơ hội từ quan hệ giao lưu thương mại giữa hai nước, đặc biệt là khi VKFTA chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2015 với việc hai nước giảm thuế cho một loạt các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Ngay lập tức, hàng hóa của Hàn Quốc cũng ồ ạt vào Việt Nam vì đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như chất lượng.

Một chương trình quảng bá sản phẩm thủy sản của thành phố Geoje (tỉnh Gyeongnam), tại Hà Nội. (Nguồn: Công ty K&K Toàn cầu)

Xác định Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng, vài năm trở lại đây, thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao cũng như các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam, nhiều địa phương của Hàn Quốc cũng thường xuyên tổ chức các tuần lễ quảng bá sản phẩm tại các chuỗi siêu thị lớn của Lotte, K-mart ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Gyeonggi là một trong những địa phương của Hàn Quốc đi đầu về tận dụng cơ hội từ VKFTA để xúc tiến thương mại và quảng bá hàng nông sản tới người tiêu dùng Việt Nam. Ông Kim Dong Kwan, Trưởng chi nhánh Công ty AT tại Việt Nam cho hay, được tổ chức định kỳ hàng năm tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay, Chương trình xúc tiến và quảng bá nông sản tỉnh Gyeonggi không chỉ là cơ hội để Hàn Quốc giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của các địa phương đến người tiêu dùng Việt Nam mà còn là một dịp tốt để giao lưu văn hóa, tăng cường xuất khẩu giữa hai nước.

Ngoài các mặt hàng  nông sản quen thuộc như gạo, rong biển, kim chi, hồng sâm…mới đây, tỉnh Gyeongnam của Hàn Quốc đã bắt đầu giới thiệu tới người tiêu dùng Việt Nam nhiều sản phẩm thủy hải sản tiêu biểu của tỉnh như hàu, bào ngư, mực, cá, vẹm, tôm…

“Ngoài nhóm ngành thủy sản thì theo tôi được biết, kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước đã liên tục gia tăng trong thời gian qua. Người Hàn Quốc rất quan tâm đến các sản phẩm nông sản của Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam cũng đang làm quen nhiều hơn với các nông sản đến từ Hàn Quốc”, ông Seo Jeong Woo – Đại diện Cục Thủy sản của tỉnh Gyeongnam chia sẻ.

Ông Seo Jeong Woo cho biết, nếu được đón nhận, tỉnh này sẽ tiếp tục đẩy mạnh thêm nhiều tuần lễ quảng bá sản phẩm địa phương tại Việt Nam trong thời gian tới.

Gia tăng đầu tư vào Việt Nam

Cùng với mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày càng phát triển, thời gian gần đây, số lượng các công ty Hàn Quốc đến Việt Nam đầu tư ngày càng gia tăng. Tại Vietnam Expo 2017, đã có gần 60 doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự với 136 gian hàng, lớn nhất trong các quốc gia tham dự Triển lãm. Liên tiếp 19 năm, các doanh nghiệp Hàn Quốc đều tham gia hội chợ  quốc tế như một hình thức kết nối xúc tiến tìm kiếm đầu tư vào Việt Nam và những thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã cho thấy, đây là một cách tiếp cận khá hiệu quả.

Vốn đầu tư từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam cũng không ngừng tăng lên khi Hàn Quốc hiện là một trong hai nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư.

Theo Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), tính từ năm 1988, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 50,5 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với 5.773 dự án. Có tới 71% tổng số vốn đầu tư được rót vào lĩnh vực chế tạo, tiếp đó là điều hành bất động sản với 14,8% và xây dựng với 5,4%.

Samsung là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc tận dụng rất tốt cơ hội từ VKFTA. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Lý giải nguyên nhân ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến Việt Nam để đầu tư, ông Park Chul Ho, Tổng Giám đốc KOTRA tại Hà Nội cho rằng, có hai lý do khiến doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Việt Nam .Thứ nhất đó là sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Thứ hai là Chính phủ đã có những chính sách đầu tư cởi mở, thông thoáng hơn.

Cùng với hai lý do trên, theo ông Park, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rất cao về triển vọng phát triển tại thị trường Việt Nam, một thị trường giàu tiềm năng, nhiều nội lực với tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 6-7% và dân số gần 100 triệu người.

Có thể nói, những thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc khi tận dụng VKFTA tại thị trường Việt Nam sẽ là bài học giá trị cho nhiều doanh nghiệp Việt tham khảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.