Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thái Nguyên 2018, diễn ra ngày 1/7, dựa trên tiềm năng và thế mạnh vốn có về chè Thái, Hồ Núi Cốc, đầu tư của Tập đoàn công nghệ điện tử hàng đầu thế giới Samsung và tài nguyên khoáng sản, 4 đường hướng phát triển đã được cộng đồng doanh nghiệp hiến kế, nhằm giúp Thái Nguyên xác định chính xác con đường tăng trưởng, thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư vào Thái Nguyên trong thời gian tới.
Hình mẫu phát triển công nghiệp hỗ trợ
Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, “với lợi thế đã thu hút được Samsung đặt đại bản doanh ở Thái Nguyên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo và Thái Nguyên chủ động, cùng với Bắc Ninh và Samsung xây dựng một chương trình hành động. Trong đó, chương trình này kết nối các nhà máy lắp ráp của Samsung với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử. Từ đó, bảo đảm phát triển bền vững ngành công nghiệp điện tử nói chung và các nhà máy của Samsung nói riêng tại Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc phân tích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và nhà đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cũng theo Chủ tịch VCCI, cần xây dựng chuỗi cung ứng Samsung tại Việt Nam như là một hình mẫu cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, khép lại khoảng cách và tạo ra mối quan hệ cộng sinh giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam.
Đây cũng là mục tiêu mà Việt Nam đang muốn thúc đẩy mạnh trong thời gian tới. “Tôi tin rằng, Thái Nguyên và Samsung sẽ là một hình mẫu tốt. Thái Nguyên sẽ là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.”, TS Vũ Tiến Lộc tin tưởng.
Tạo chuẩn mực mới trong ngành khai thác khoáng sản
Vẫn về phát triển công nghiệp nhưng theo một đường hướng khác, chia sẻ về những dự án thành công của một Tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam trên địa bàn Thái Nguyên, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết, đã đầu tư trên 30 ngàn tỷ đồng, quản lý, vận hành 30 Nhà máy chế biến thực phẩm, đồ uống, thức ăn gia súc, khoáng sản trên địa bàn 18 tỉnh, thành trên Toàn quốc. Với trên 10 ngàn lao động và nộp ngân sách hàng năm trên 5 nghìn tỷ đồng.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tháng 6/2010, Masan đã mạnh dạn mua lại từ doanh nghiệp nước ngoài và quyết định tái cấu trúc dự án mỏ Núi Pháo. Ông Đăng Quang cho rằng, chính bản lĩnh, niềm tin và khát vọng, Lãnh đạo và nhân viên của Masan đã đánh thức mỏ Núi Pháo và đưa vào vận hành thành công mỏ vonfram mới nhất trên thế giới trong 15 năm qua.
Hiện Masan đã trở thành nhà cung cấp các sản phẩm chế biến sâu vonfram lớn nhất ngoài Trung Quốc, nhà chế biến sâu hoá chất công nghiệp và kim loại với quy mô toàn cầu, có doanh thu năm 2017 hơn 5.000 tỷ đồng, đóng góp gần 3.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015 - 2017.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết, hiện dự án Núi Pháo đang sử dụng hàng trăm chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm vận hành mỏ, chế biến và tinh luyện công nghệ cao và tạo ra hơn 2.000 lao động trong nước và tại địa phương. Ông Quang tiết lộ muốn thiết lập một chuẩn mực mới trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam.
Chương trình Nghệ thuật chào mừng Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đưa chè Thái Nguyên thành thương hiệu toàn cầu
Nói đến sản phầm chè Thái, vốn là thương hiệu nổi tiếng từ bao đời, nhưng “đệ nhất danh trà” hiện vẫn chưa xác lập được thương hiệu, hình ảnh, chỉ dẫn địa lý và vị thế tương xứng trên thị trường quốc tế…
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, đây là một ví dụ điển hình về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đặc sản gắn với văn hóa truyền thống. Công nghiệp chế biến và du lịch sinh thái làng chè sẽ là hướng đi quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên. "Với những điều kiện thuận lợi về kết nối giao thông, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, lực lượng lao động dồi dào và còn tương đối rẻ, phát triển những sản phẩm nông nghiệp truyền thống và đặc sắc như chè Thái sẽ là những ưu thế nổi trội cho Thái Nguyên", TS. Vũ Tiến Lộc phân tích.
Dựa trên những điều kiện thuận lợi đó, TS. Vũ Tiến Lộc đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hơp với Bộ công Thương và VCCI hỗ trợ Thái Nguyên nâng cấp Lễ hội chè Thái thành Lễ hội giao lưu quốc tế, đồng thời với một chiến lược phát triển và tiếp thị quốc tế cho chè Thái Nguyên và chè Việt nói chung, trong những năm tới.
Tạo chuỗi du lịch hấp dẫn có một không hai
Thái Nguyên được mệnh danh là mảnh đất của lịch sử và danh thắng, hòa quyện giữa cảnh đẹp tự nhiên và tài nguyên nhân văn với những địa danh rất nổi tiếng. Ngay trong sáng ngày 1/7, dự án đường Bắc Sơn kéo dài nối TP. Thái Nguyên với Hồ Núi cốc đã được khởi công. Theo tính toán, khi dự án hoàn thành, thời gian từ TP. Thái Nguyên lên Hồ Núi cốc chỉ còn 10 phút và từ Hà Nội lên địa điểm du lịch này chỉ còn hơn 1 giờ.
“Hồ Núi cốc với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, với sinh quyển nguyên sơ và không gian văn hóa các dân tộc đặc sắc, với các dự án du lịch sinh thái và tâm linh sẽ được xây dựng một cách chuẩn mực. Từ đó kết nối với Khu du lịch về nguồn Thủ đô Gió ngàn - ATK Định Hóa và các làng chè cùng các điểm đến du lịch khác sẽ giúp Thái Nguyên hình thành một chuỗi du lịch hấp dẫn, có một không hai của Vùng Thủ đô và cả nước”, Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiến kế.