📞

Doanh nghiệp hóa trường học

09:11 | 17/12/2011
Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện có 420 trường đại học, trong đó có 339 trường đại học công lập, các trường này đã được tự chủ sử dụng nguồn lực tài chính với mục đích tự chủ hoạt động để nâng cao hiệu quả và chất lượng theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006. Nhưng trên thực tế, theo phản ánh của hầu hết đại diện các trường đại học, cơ chế này có vẻ chưa ổn trong giai đoạn hiện nay, vì tiền vẫn phải chi mà mục tiêu cũng chẳng đạt được.
Cần sớm đổi mới cơ chế tài chính cho các trường đại học công lập.

Cơ chế tài chính “bó" phát triển

Tìm kiếm một giải pháp tài chính phù hợp cho các trường đại học công lập đang là vấn đề nóng hiện nay. Theo GS - TS. Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, tài chính phải tự chủ, nhưng các trường bị áp khung về chương trình giảng dạy, ấn định chỉ tiêu tuyển sinh và áp trần học phí. Đại học Ngoại thương không khó khăn như một số trường về nguồn tài chính, nhưng cơ chế tài chính đang bó sự phát triển của trường. Cụ thể, hiện trường muốn đầu tư phòng máy vi tính, một trong những cơ sở vật chất quan trọng cho việc học tập của sinh viên, nhưng Kho bạc không xuất chi. Dù đang thực hiện cắt giảm đầu tư công, tuy nhiên vẫn cần phải có sự linh hoạt trang bị đầu tư những hạng mục cần thiết cho nhu cầu dạy và học. Trong khi các trường đại học nước ngoài, liên kết nước ngoài rất linh hoạt về cơ chế tài chính, thu hút các nguồn tài trợ, trả lương theo năng lực, do đó, dù mới thành lập nhưng vẫn dễ dàng hút những giáo viên có chất lượng cao từ các trường công lập.

GS - TS. Ngô Thế Chi, Giám đốc Học Viện Tài chính chia sẻ, mức học phí năm 2010 tăng 33% so với năm 1998, nhưng lương tăng tới… 500%. Bên cạnh đó, các trường đang trong cảnh thu không đủ bù chi do mức học phí quá thấp so với chi phí đào tạo thực tế, nhất là học phí đào tạo sau đại học. Nếu hạch toán riêng hoạt động đào tạo sau đại học thì sẽ dẫn đến tình trạng càng đào tạo nhiều học viên sau đại học thì càng lỗ. Vì thế trường nào cũng ở trong tình trạng thiếu kinh phí để bảo dưỡng tài sản, mua sắm các trang thiết bị thay thế.

Tổng cộng số tiền ngân sách nhà nước chi cho các trường năm 2011 là 1.246 tỷ đồng. Số tiền các trường tự thu từ học phí và tiền chuyển giao công nghệ đã gấp đôi là 2.760 tỷ đồng. Khoản tài chính này đã giúp tăng thu nhập cho cán bộ giáo viên. Nhưng có một nghịch lý, càng tăng lương tối thiểu thì các trường có mức độ tự chủ cao càng ít có cơ hội cải thiện điều kiện giảng dạy, vì phải tăng chi cho lương và các khoản chi cho lao động khác. Trần học phí bị khống chế, chỉ tiêu tuyển sinh cũng bị giới hạn, nên các trường không thể tăng thu thêm. Trung bình, các đơn vị dùng 26,2 % nguồn thu để chi cho tiền lương và nghiệp vụ chuyên môn.

Giảm chi nhưng không “bỏ rơi"

Ts. Vũ Trường Giang, thuộc nhóm nghiên cứu chính sách - Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính, cho rằng tổng chi cho giáo dục đại học 4 năm qua là một trong những nhóm chi tăng cao nhất trong các nhóm chi ngân sách nhà nước. Cụ thể, giai đoạn 2006-2010, chi NSNN đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo tiếp tục được ưu tiên chi tăng cao nhất, đảm bảo đạt 20% tổng chi NSNN vào năm 2008 theo đúng mục tiêu đề ra, bao gồm: nguồn trái phiếu chính phủ thực hiện từ năm 2008; xổ số kiến thiết… đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo giai đoạn này là 433.506 tỷ đồng, tăng 2,67 lần so với giai đoạn 2001-2005. Tốc độ tăng chi NSNN cho giáo dục và đào tạo đạt trung bình 21%/năm. Tính chung, giai đoạn 2006-2010, tổng chi NSNN cho giáo dục đại học tăng 2,33 lần so với giai đoạn 2001-2005.

Việc cho phép tự chủ tài chính đã góp phần thúc đẩy tính năng động trong khai thác nguồn thu ngoài NSNN của các trường. Tuy nhiên, chính sách này cũng có những hạn chế nhất định, chúng ta luôn nói cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhưng tài chính phải mạnh thì mới có thể nâng cao chất lượng. "Chính vì thế, cần sớm đổi mới cơ chế tài chính cho các trường đại học công lập, làm tăng quyền tự chủ, thúc đẩy các trường và cá nhân người lao động phát huy tính năng động, sáng tạo", ông Giang nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, Nguyễn Thị Minh, cho biết đầu tư cho nhân lực là yêu cầu quan trọng, giáo dục đại học là một loại dịch vụ công, cần phải tính đủ, mỗi cơ sở có một loại định mức khác nhau giữa các trường khối kinh tế, kỹ thuật, văn hóa... cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đặc thù. Nhà nước giảm chi thường xuyên nhưng không "bỏ rơi" các trường. Giáo dục và giáo dục đại học luôn được ngân sách nhà nước ưu tiên. Hàng năm ngân sách nhà nước luôn dành hơn 20% cho giáo dục, vấn đề nâng cao hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng.

"Trong tài chính, phân phối thu nhập cần có sự điều chỉnh hợp lý, đảm bảo hiệu quả, công bằng giữa các nguồn thu của trường và NSNN", bà Minh đề xuất.

Phan Anh