Tại diễn đàn, sáu nội dung chính được thảo luận gồm: các vấn đề về nợ công, nợ xấu trong lĩnh vực tài chính; biện pháp thúc đẩy sự phát triển khối tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong nước); vấn đề về lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; các vấn đề đặt ra khi tham gia các hiệp định thương mại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, thiết thực của các đại biểu, là cơ sở để Chính phủ tiếp thu hợp lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát với thực tế hơn với tinh thần tạo mọi thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng cũng nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2015 đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn, tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,2%, chủ động kiểm soát lạm phát ở mức 5% để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển, giảm bội chi ngân sách từ 5,3% năm 2014 xuống còn 5% vào năm 2015, bảo đảm nợ công ở mức an toàn, không vượt quá quy định cho phép và sẽ xử lý hiệu quả hơn nợ công, trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch. Chính phủ cũng đã đề ra kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, trong đó tăng trưởng ở mức 6,5-7% /năm.
Tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết những nỗ lực cố gắng của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân đã khiến cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam có những bước cải thiện đáng kể. “Mục tiêu tăng trưởng 5,8% của năm nay chắc chắn sẽ vượt, mức độ khó khăn của doanh nghiệp đang được phục hồi dần dần, công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế tạo đã có bước phát triển tốt, lạm phát năm nay sẽ dừng ở mức thấp. Điểm đáng mừng so với thời gian trước đây là phát triển doanh nghiệp đã có khởi sắc hơn, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động giảm 1,5% so với tháng trước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 tăng 13,7% với số vốn tăng trên 20% so với tháng trước. Năm 2014 sẽ làm một năm kết thúc tốt đẹp của nền kinh tế Việt Nam. Đây sẽ là bước đệm để Việt Nam có bước tiến xa hơn trong năm 2015” – Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Điểm đặc biệt, Diễn đàn VBF năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan, đặc biệt sau một loạt động thái của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mới đây, Quốc hội thông qua một số luật mới, trong đó có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã tạo nên sự minh bạch, thuận lợi và niềm tin vào môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. VBF 2014 cũng sẽ nêu lên tiến trình xử lý các vấn đề đã đặt ra, đồng thời đề ra giải pháp, chiến lược trong tình hình mới như các vấn đề xoay quanh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ cho công nghiệp phụ trợ Việt Nam…
Đại diện Ngân hàng thế giới - bà Victoria Kwa Kwa đánh giá cao những cố gắng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua và biểu hiện cụ thể cho việc này là xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã được tăng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, “Chủ đề của diễn đàn năm nay là các doanh nghiệp hướng đến các Hiệp định tự do nên câu hỏi là Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội từ các cơ hội hội nhập này như thế nào, để làm bàn đạp cho bước phát triển trong thời gian tới”.
Để thu nhận được những lợi ích đó, Bà Wendy Werner - Giám đốc bộ phận thương mại và cạnh tranh khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa cổ phần hóa, tăng tính hấp dẫn về môi trường đầu tư, giải quyết vấn đề công nghiệp phụ trợ, cần đưa ra lộ trình rõ ràng để nhà đầu tư tư nhân tham gia vào được tốt nhất. “Tôi tin rằng các Hiệp định thương mại mới sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới để phát triển tăng trưởng kinh tế của Việt Nam" - bà Wendy Werner nói.
Nhấn mạnh đến yêu cầu về cải cách các thủ tục hành chính, hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam cũng như tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng, Đồng chủ tịch Diễn dàn VBF 2014 - Virginia Foote cho rằng cần có giải pháp hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả thủ tục ở tất các các ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong vấn đề cấp phép.
Ngoài ra, những vấn đề quan trọng cần được xem xét giải quyết để bảo đảm Việt Nam có sự chuẩn bị tốt và tận dụng được lợi ích từ những Hiệp định thương mại thế hệ mới đang được đàm phán ký kết là: Cải cách thị trường tài chính – tham gia vào các giải pháp đẩy nhanh quá trình cải cách ngành ngân hàng, với việc áp dụng các thông lệ tối ưu quốc tế về ngân hàng, cho vay, xử lý nợ xấu, thị trường tài chính, nợ công; Hỗ trợ DN tận dụng được lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mà VN sẽ tham gia ký kết trong thời gian tới; Phát triển lực lượng lao động – giáo dục, đào tạo, tiền lương, lương ngoài giờ, các vấn đề giấy phép lao động; Cải cách DNNN- đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thực hiện Quyết định số 51, tăng cường chất lượng quản trị công ty, áp dụng các thông lệ tối ưu quốc tế…
Minh Châu