Chiều 8/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Thái Lan Don Pramudwinai sang thăm và làm việc tại Việt Nam và tiếp lãnh đạo Tập đoàn TCC (Thai Charoen Corporation), một trong những Tập đoàn kinh tế hàng đầu của Thái Lan.
Đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Don Pramudwinai và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn mong muốn củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương quốc Thái Lan Don Pramudwinai. (Ảnh: VGP) |
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước, Thủ tướng cho rằng hai bên cần tích cực triển khai Tuyên bố chung về kết quả cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3 và Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan 2014 -2018; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có việc sớm họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3 do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì.
Để đạt mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2020, hai bên cần có biện pháp cụ thể triển khai hiệu quả Chương trình hành động về thương mại, đầu tư Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2015-2020; khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư và hợp tác đối với những mặt hàng hai bên có tiềm năng, thế mạnh và có thể bổ sung cho nhau.
Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thái Lan hoạt động tại Việt Nam với tinh thần “Thành công của các doanh nghiệp Thái Lan cũng là thành công của Việt Nam”.
Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành hai nước tăng cường hợp tác, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, ký kết các hiệp định hợp tác mới trong lĩnh vực phụ trách; xúc tiến các dự án của Thái Lan tại Việt Nam triển khai đúng tiến độ; tăng cường kết nối hai nền kinh tế; thúc đẩy hợp tác xây dựng tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan-Campuchia-Việt Nam và mở tuyến dịch vụ xe buýt nối Thái Lan-Lào-Việt Nam; sớm triển khai thỏa thuận về hợp tác lao động giữa hai nước; đề nghị Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lao động Việt Nam làm việc tại Thái Lan.
Thủ tướng đề nghị Thái Lan ủng hộ và tiếp tục tăng cường hợp tác trong ASEAN để bảo đảm duy trì lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, thúc đẩy sớm tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thủ tướng cũng cảm ơn Thái Lan đã phối hợp điều tiết, giúp tăng lượng nước từ thượng nguồn xuống hạ lưu sông Mekong và hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Nam Việt Nam; đề nghị hai bên phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc phát triển, quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mekong theo đúng thông lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích các nước hạ nguồn sông Mekong.
Về phần mình, Bộ trưởng Don Pramudwinai cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thái Lan và bày tỏ hy vọng thời gian tới đón nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Thái Lan. “Chính phủ Thái Lan cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chính các doanh nghiệp đóng vai trò là cầu nối để nhân dân hai nước hiểu nhau hơn”, Bộ trưởng Don Pramudwinai bày tỏ.
Bộ trưởng cũng khẳng định Thái Lan cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các thoả thuận mà hai bên đã ký kết; nỗ lực tìm mọi biện pháp để đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam. Thái Lan cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Thái Lan cũng nỗ lực hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng khẳng định quan điểm của Thái Lan cho rằng, các bên phải nỗ lực, đoàn kết và hợp tác để đưa Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn TCC, Thái Lan, đang có chuyến công tác tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước việc TCC thực hiện thành công nhiều dự án tại Việt Nam, đóng góp thiết thực vào mối quan hệ thương mại, đầu tư hai nước Việt Nam-Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo Tập đoàn TCC, Thái Lan. (Ảnh: VGP) |
“Tôi hoan nghênh triết lý kinh doanh của Ngài là hai bên cùng thắng”, Thủ tướng chia sẻ và mong muốn TCC đưa nhiều sản phẩm Việt Nam vào hệ thống kinh doanh của Tập đoàn; góp phần đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Thủ tướng cho biết, lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan, trong đó quan hệ thương mại, đầu tư cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2020. Nhấn mạnh chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi thuộc nhóm đầu trong ASEAN, Thủ tướng khẳng định cam kết Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn thành công tại Việt Nam, trong đó có TCC.
Chủ tịch TCC cho biết hiện Tập đoàn đã mở rộng đầu tư tại nhiều nước trong khu vực, trong đó chú trọng đến thị trường Việt Nam và đã có 8.000 người Việt Nam làm việc cho Tập đoàn.
Tiếp nối thành công của việc xuất khẩu 100 tấn thanh long của Việt Nam sang Thái Lan, Chủ tịch Tập đoàn TCC thông báo đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để được cấp phép xuất khẩu nhiều mặt hàng khác có chất lượng của Việt Nam sang Thái Lan và nhiều nước trong khu vực, trong đó có sản phẩm cam sành, khoai lang, chanh, vú sữa, hồng xiêm, bột gạo.