Công nhân tại một nhà máy của General Motors ở Quảng Tây (Trung Quốc). (Nguồn: Reuters) |
Ngày 7/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu với các công ty rời bỏ Mỹ để tạo ra việc làm tại Trung Quốc và các nước khác.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Thượng Hải đã có cuộc khảo sát với hơn 200 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy, chỉ khoảng 4% số nhà sản xuất cho biết, họ sẽ chuyển "bất kỳ hoạt động sản xuất nào" về Mỹ. Hơn 75% cho biết, họ không có ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, 14% cho biết, họ sẽ chuyển một số hoạt động sang các nước khác và 7% dự định sẽ phân bổ lại hoạt động sản xuất giữa trong nước và nước ngoài. Chủ tịch AmCham Thượng Hải Ker Gibbs cho rằng, Đông Nam Á là điểm đến phổ biến nhất đối với doanh nghiệp Mỹ, chứ không phải Mỹ - quê hương của họ.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng tỏ ra bi quan hơn về quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong tương lai. Cụ thể, 26,9% cho rằng, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ kéo dài vô thời hạn, con số này tăng so với mức 16,9% của năm 2019. 22,5% khác dự đoán, căng thẳng sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm, tăng so với mức 12,7% vào năm 2019.
AmCham Thượng Hải cũng nhận thấy, hầu hết các doanh nghiệp Mỹ không có kế hoạch cắt giảm việc làm ở Trung Quốc. 2/3 trong số các doanh nghiệp được khảo sát cho hay, họ sẽ duy trì hoặc tăng cấp độ nhân viên của mình. Chỉ có khoảng 29% số doanh nghiệp đã lên kế hoạch cắt giảm việc làm nhưng phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc như Huawei và vào tháng 8, ông chủ Nhà Trắng đã ký một sắc lệnh thông báo các hạn chế đối với WeChat - ứng dụng phổ biến mà nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng để thanh toán không dùng tiền mặt - thuộc sở hữu của "gã khổng lồ" Tencent, có trụ sở tại Thâm Quyến.
Chủ tịch Ker Gibbs thông tin, lệnh cấm của Tổng thống Trump sẽ có thể sẽ có hiệu lực vào ngày 20/9. Hiện tại, Chính quyền Tổng thống Trump đang tranh luận về phạm vi và ngày có hiệu lực của các lệnh cấm đối với WeChat và TikTok. Các thành viên của AmCham Thượng Hải đang lo lắng việc áp dụng lệnh cấm rộng rãi có thể khiến họ "gặp khó" khi thanh toán qua WeChat ở Trung Quốc.
"Lệnh cấm này có thể khiến khách hàng Trung Quốc tìm đến các doanh nghiệp khác ngoài Mỹ. WeChat là một ứng dụng quan trọng trong hệ sinh thái kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do đó, các doanh nghiệp Mỹ hy vọng, Bộ Thương mại sẽ áp dụng các hạn chế ở Mỹ và cho phép các doanh nghiệp sử dụng ứng dụng này ở Trung Quốc”, ông Ker Gibbs khẳng định.