Bên cạnh điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi nằm ngay giáp Thủ đô, gần cảng hàng không Nội Bài, giao thông kết nối thuận tiện đến cảng biển Hải Phòng, sự chủ động, tích cực đổi mới trong kêu gọi đầu tư, đang tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, giúp Thái Nguyên phát huy vai trò là một trong những điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Điều khiến doanh nghiệp hài lòng
Đánh giá về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tại Tọa đàm trực tuyến “Thái Nguyên, tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời cho rằng, về mặt thủ tục hành chính liên quan đến môi trường đầu tư trong những năm vừa qua Thái Nguyên đều xếp trong Top 10, chứng tỏ thủ tục hành chính đã được các doanh nghiệp hài lòng và đánh giá cao.
Liên quan đến thủ tục kê khai thuế, ông Thời cho biết, thủ tục nộp thuế, hoàn thuế hiện nay tại Thái Nguyên đều thông qua hệ thống điện tử, việc này đã giúp cho doanh nghiệp giảm được 2/3 thời gian. Việc thông qua điện tử cũng giúp các doanh nghiệp không phải tiếp cán bộ thuế nên những nhũng nhiễu phiền hà về thuế đã giảm đi một cách rõ rệt, “đó là cải cách rất tốt”, ông Thời đánh giá.
Thái Nguyên là lựa chọn của công ty hàng đầu trên thế giới như Samsung. (Nguồn: Thainguyeninvest) |
Nơi hội tụ của các tập đoàn kinh tế Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hạ tầng đồng bộ, chính quyền thân thiện, trong những năm gần đây, Thái Nguyên đã thu hút được rất nhiều Tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước vào đầu tư kinh doanh, tạo nên điểm sáng của cả nước về tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu: 1. Tập đoàn đa quốc gia Samsung Đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình - Thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên. Vốn đầu tư đăng ký là 6,23 tỷ USD. Sử dụng trên 80.000 lao động. 2. Công ty cổ phần tập đoàn Masan Đầu tư dự án khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo, Huyện Đại Từ - Thái Nguyên. Vốn đầu tư đăng ký: 10.000 tỷ đồng. Sử dụng lao động: trên 2.000 người. 3. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Yên Bình Lĩnh vực đầu tư: Xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. 4. Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup Đầu tư dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ - thành phố Thái Nguyên. Vốn đầu tư đăng ký trên 500 tỷ đồng. 5. Công ty cổ phần Tập đoàn INDEVCO Đầu tư dự án nghĩa trang An lạc viên Invevco Thái Nguyên quy mô 145ha. Vốn đầu tư: 1.600 tỷ đồng. 6. Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Vốn đầu tư đăng ký: trên 2.000 tỷ đồng, sử dụng lao động: 12.000 người. Đầu tư 6 dự án bao gồm: + Nhà máy may TNG-Chi nhánh Việt Đức + Nhà máy may TNG-Chi nhánh Việt Thái + Nhà máy may TNG-Chi nhánh Sông Công + Nhà máy may TNG-Chi nhánh Phú Bình + Nhà máy may TNG-Chi nhánh Đại từ + Trung tâm thiết kế thời trang TNG 7. Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (CIENCO 8) – T&G Đầu tư 9 dự án thuộc đề án Phòng chống lũ khẩn cấp và hoàn thiện hệ thống đô thị hai bờ sông Cầu thành phố Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư của 9 dự án là 9.811,6 tỷ đồng. Hình thức đầu tư PPP (Hợp đồng BT). 8. Doanh nghiệp Xuân Trường Đầu tư xây dựng dự án khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư: 4.061 tỷ đồng. 9. Các Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam Hiện Thái Nguyên có 26 ngân hàng thương mại đặt chi nhánh Thái Nguyên, trong đó các ngân hàng hàng đầu Việt Nam như VietcomBank, VietinBank, AgriBank, TechcomBank, BIDV... với trên 107 phòng giao dịch trên địa bàn toàn Tỉnh; 1 chi nhánh Ngân hàng phát triển khu vực Bắc Cạn - Thái Nguyên đảm bảo nguồn tài chính, dịch vụ thanh toán cho các Nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. (theo Trung tâm xúc tiền đầu tư tỉnh Thái Nguyên) |
Ngành kế hoạch và đầu tư Tỉnh, trong năm qua cũng đã áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đăng ký kinh doanh điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm được thời gian, thủ tục đăng ký kinh doanh còn hai ngày. Thủ tục cấp phép đầu tư giảm xuống còn có 15 đến 20 ngày, giảm so với quy định của pháp luật rất nhiều.
Về thủ tục hải quan cũng có rất nhiều cải thiện tích cực, nộp, kê khai thuế và kê khai thủ tục hải quan đều thông qua điện tử giúp giảm thời gian thông quan. Vì thế, thời gian thông quan của một lô hàng bây giờ còn 70 đến 80 giờ.
Việc cấp quyền sử dụng đất trước đây rất phiền hà, bây giờ ngành tài nguyên và môi trường Thái Nguyên cũng đã thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Đến nay, thời gian để doanh nghiệp nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn có 24 ngày, giảm được 20% so với quy định của pháp luật.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên hài lòng cho rằng, chỉ cần một vài con số như vậy cho thấy các cấp lãnh đạo của Tỉnh đã quyết tâm, chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Các ngành đã tích cực cải thiện cho nên doanh nghiệp cũng đã nhận thấy và đánh giá rất tốt. Doanh nghiệp rất hài lòng về các thủ tục hành chính trong mấy năm qua mà tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện.
Chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh
Cũng đánh giá về Thái Nguyên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện Thái Nguyên xếp trong nhóm 15 của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là một trong 2 tỉnh đứng đầu trong các tỉnh phía Bắc. Thái Nguyên cũng là 1 trong 2 tỉnh có số doanh nghiệp và số hộ kinh doanh tốt nhất của 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Điều đó phản ánh về chất lượng của môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt vừa qua Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu trong các tỉnh có mức đầu tư nước ngoài cao và được công ty hàng đầu trên thế giới như Samsung lựa chọn là đại bản doanh.
Thông tin về phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho biết, kết quả thống kê cho thấy, tại Thái Nguyên, các doanh nghiệp đánh giá cao các thủ tục hành chính ở địa phương, đặc biệt thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai. Tính năng động của chính quyền địa phương, chi phí thời gian, chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực ở Thái Nguyên cũng được đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, về vấn đề thanh tra, kiểm tra cũng có những tiến bộ nhưng vẫn có hiện tượng thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Theo ông Lộc, khảo sát PCI năm 2017 cho thấy, vẫn có trường hợp 4 đến 5 đoàn kiểm tra trong một năm; nhưng trường hợp đó ít. Ngoài ra, ở cấp thi hành cũng cần thể hiện sự quyết liệt như ở cấp lãnh đạo. “Trong cải cách thủ tục hành chính phải làm gì để những chủ trương tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ trương phục vụ doanh nghiệp có thể trở thành hành động hàng ngày của đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở, đó là một bài toán khó nhất của các cấp lãnh đạo”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Một vấn đề khác mà Thái Nguyên cần phải chú trọng, đó là tính tương hỗ giữa doanh nghiệp địa phương và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Thời, Thái Nguyên hiện đang có thế mạnh rất lớn về các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp địa phương và các doanh nghiệp FDI phải đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau để khai thác thế mạnh của nhau.
Trong thời gian qua, giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, Tỉnh đã thường xuyên tổ chức giao lưu, tọa đàm để tìm ra những vấn đề có thể hợp tác. Ví dụ, việc cung cấp lương thực thực phẩm cho Công ty Samsung và một số công đoạn phụ trợ khác. Thông qua đó, các doanh nghiệp địa phương học tập được công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực quản trị của một doanh nghiệp đa quốc gia. Chính vì vậy, trong những năm qua, Thái Nguyên đã tăng trưởng vượt bậc, trong đó, có sự tăng trưởng của doanh nghiệp địa phương.
Ông Thời cho biết, từ năm 2012 đến nay, tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp địa phương là trên 50%, cao hơn nhiều so với thời kỳ trước khi Samsung vào Thái Nguyên. Đấy là con số chứng minh cho kết quả tương hỗ giữa doanh nghiệp địa phương và FDI. Về quan điểm chung, không chỉ chú trọng tới các doanh nghiệp FDI, Thái Nguyên luôn đối xử bình đẳng, tổ chức nhiều cuộc làm việc để tạo cú hích cho doanh nghiệp địa phương phát triển.