📞

Doanh nghiệp sẽ mãi rủi ro nếu cứ xuất tiểu ngạch

Thế Hoàng 10:37 | 13/01/2022
Vẫn còn hàng ngàn xe container hàng hóa, chủ yếu là trái cây tươi của các doanh nghiệp đang chờ thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Doanh nghiệp sẽ mãi rủi ro nếu cứ xuất tiểu ngạch

Lượng xe ùn ứ, chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc dù đã giảm so với 2 tuần trước, nhưng vẫn còn tới hơn 3.600 xe, trong đó Lạng Sơn nhiều nhất với hơn 2.000 xe. Cao điểm, lượng xe bị ách tại các cửa khẩu này lên tới 6.200 xe.

Tỉnh Lạng Sơn, địa phương có hoạt động giao thương lớn nhất với Trung Quốc, đã liên tục khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu tạm dừng đưa hàng lên biên giới từ nay tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, sau nhiều cuộc làm việc tích cực giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước, việc thông quan hàng hóa đã được cải thiện hơn, nhưng vẫn chưa thể trở lại bình thường.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay, trên tuyến biên giới phía Bắc có 10 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có những chuyển biến bước đầu, song rủi ro còn cao, khó khăn vẫn có thể phát sinh trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Phụ thuộc quá lớn vào hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch) nên hàng hóa của Việt Nam luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới, thiệt hại nặng nề hơn trong giai đoạn dịch bệnh và Trung Quốc thực hiện chiến dịch Zero Covid-19.

Hiện tỷ lệ xuất khẩu tiểu ngạch chiếm khoảng 70% hàng sang Trung Quốc. Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương hôm 9/1, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra, tỷ lệ xuất tiểu ngạch cao, gây rủi ro lớn cho người sản xuất, yêu cầu ngành công thương phối hợp với ngành nông nghiệp để giảm xuất khẩu tiểu ngạch.

Được biết, Trung Quốc đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định khắt khe hơn về chất lượng hàng hoá nhập khẩu, không chỉ với hàng nhập từ Việt Nam, mà áp dụng với tất cả các quốc gia.

Trong 2 năm qua, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã liên tục khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở sản xuất chủ động cập nhật thông tin. Trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt việc khử trùng, khử khuẩn hàng hóa, không để bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trên hàng hóa, bao bì, nhất là với hàng bảo quản trong container lạnh.

Trong bối cảnh này, nhiệm vụ cấp bách là làm sao chuyển nhanh, chuyển mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản sang Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, giảm tối đa tiểu ngạch để bớt rủi ro cho doanh nghiệp.

Chưa đầy nửa tháng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trực tiếp chủ trì 2 cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Gần nhất là hôm 7/1/2022, ông đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể từ khâu quy hoạch, kế hoạch sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics; xác định rõ các thị trường tiêu thụ, để bảo đảm hàng hóa nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương làm việc với phía Trung Quốc để đẩy nhanh thông quan, phấn đấu trước Tết Nguyên đán 2022 không còn xe ùn tắc tại các cửa khẩu.

Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết, phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ, dẫn tới việc ùn ứ tại các cửa khẩu, đặc biệt khi Trung Quốc thực hiện “Zero Covid”, tạm ngưng thông quan.

Xuất khẩu rau quả cả năm 2021 đạt trên 3,7 tỷ USD, trong đó riêng xuất sang Trung Quốc gần 2 tỷ USD. Mặt hàng thanh long đóng góp doanh thu khủng nhất, với 1 tỷ USD, 80% được xuất bán sang Trung Quốc.

Theo ông Huy, xuất khẩu thanh long sang 50 nước không bằng xuất qua Trung Quốc, có thị trường xuất khẩu cả năm không bằng bán cho Trung Quốc trong 2 ngày. Một thị trường lớn và quan trọng như vậy thì cần tập trung đầu tư chuẩn hóa chất lượng sản phẩm ở mức cao nhất, đảm bảo tuân thủ cao về vùng trồng, bao gói, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để hàng xuất khẩu không bị chê, bị “soi”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, rủi ro của xuất khẩu tiểu ngạch đã được nói tới nhiều, gần đây Trung Quốc siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu thì câu chuyện này càng “nóng”.

Theo ông Hải, cần vận động, tập huấn cho nông dân, thương lái thiết lập quan hệ khách hàng lâu dài với đối tác bên kia bên giới để tránh tình trạng mua bán được chăng hay chớ. Bên cạnh đó, cần có những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, sau đó bao tiêu sản phẩm. Những doanh nghiệp này sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu.

Và cũng chính những doanh nghiệp đó sẽ ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng phương thức vận chuyển quy mô lớn như đường biển, đường sắt để tối ưu chi phí. Như vậy, nông dân không phải vừa lo sản xuất, vừa lo bán hàng, doanh nghiệp cũng có thể đưa hoạt động xuất khẩu trái cây vào nề nếp.

(theo Báo Đầu tư)