Với nhiều công ty, tổng chi phí nhân công cho nhân viên nước ngoài sẽ tăng lên, mặc dù có sự thuận lợi do cắt giảm về mức thuế. |
Thực tế này vừa được Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) nêu ra trong những nội dung kiến nghị về các chính sách thuế, nhằm đảm bảo một môi trường khuyến khích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.Giảm lợi thế so sánhHiện các thành viên của EuroCham đang chuẩn bị cho việc thực hiện các quy định về thuế thu nhập cá nhân mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Tuy nhiên, với nhiều công ty, tổng chi phí nhân công cho nhân viên nước ngoài sẽ tăng lên, mặc dù có sự thuận lợi do cắt giảm về mức thuế. Sở dĩ như vậy là do chính sách ưu đãi các quyền lợi bằng hiện vật khác nhau dành cho chuyên gia nước ngoài sẽ được hủy bỏ.EuroCham cho biết, giữa Thông tư 81/2004/TT-BTC hướng dẫn Pháp lệnh Thuế thu nhập cao với Thông tư 84/2008/TT-BTC có hiệu lực từ 1/1/2009, có một số điểm khác biệt. Theo quy định tại Thông tư 81, các khoản chi phí vé máy bay, học phí cho con của nhân viên nước ngoài, chi phí chuyển nhà là không tính thuế và chi phí thuê nhà được giảm trừ thuế. Trong khi theo Thông tư 84, cả 4 loại chi phí này đều thuộc đối tượng tính thuế.Xét trường hợp một nhân viên nước ngoài có mức lương thực lĩnh là 8.000 USD/tháng, người sử dụng lao động cung cấp nhà ở với chi phí là 3.000 USD/tháng và học phí 12.000 USD/năm cho một trẻ nhỏ tại một trường quốc tế. Theo Thông tư 81, số thuế thu nhập cá nhân nhân viên này phải nộp là 4.442 USD, trong khi, theo Thông tư 84, số thuế thu nhập cá nhân nhân viên nước ngoài này phải nộp là 5.846 USD. Như vậy, trong ví dụ này, số thuế thu nhập cá nhân theo luật mới tăng 31,6% so với quy định cũ.EuroCham cũng đã so sánh chính sách thuế của các nước trong khu vực. Nhiều nước có chính sách ưu đãi giảm trừ đối với các lợi ích mà thông thường nhân viên nước ngoài được cung cấp. Thêm vào đó, các nước này còn áp dụng thuế suất thuế thu nhập cá nhân thấp hơn nhiều, nhờ thế đã đảm bảo chi phí nhân công nói chung có tính cạnh tranh trong khu vực.Chi phí vé máy bay, chi phí chuyển nhà và chi phí bảo hiểm y tế là những chi phí không tính thuế thuế thu nhập cá nhân tại các nước và lãnh thổ như Singapore, Hồng Kông, Malaysia. Chi phí thuê nhà được xét giảm trừ khi tính thuế tại ba nước và vùng lãnh thổ này. Ngoài ra, mức thuế định biên cao nhất tại Singapore, Hongkong và Malaysia lần lượt là 20%, 17% và 27%.Với một nhân viên nước ngoài có thu nhập 100.000 USD/năm, nếu làm việc tại Singapore, số thuế thu nhập cá nhân nhân viên này phải nộp là 9.000 USD, nếu làm việc tại Hồng Kông, số thuế thu nhập cá nhân nhân viên này phải nộp là 3.000 USD, nếu làm việc tại Thái Lan, số thuế thu nhập cá nhân nhân viên này phải nộp là 24.000 USD.Trong khi đó, nếu làm việc tại Việt Nam, theo quy định tại Thông tư 84 sắp được áp dụng, số thuế thu nhập cá nhân nhân viên này phải nộp là 27.000 USD.Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cho rằng các thành viên của họ mong muốn tuyển dụng người địa phương vào các vị trí cao cấp. Tuy nhiên, thị trường lao động khan hiếm hiện nay vẫn thiếu các chuyên gia cao cấp và việc đào tạo và chuyển giao kinh nghiệm cho nhân viên người Việt Nam đòi hỏi nhiều thời gian. Điều này cho thấy việc sử dụng nhân viên nước ngoài là một yêu cầu không thể thiếu đối với hầu hết các công ty đa quốc gia trong ngắn hạn/trung hạn.Tuy nhiên, xét về thuế thu nhập cá nhân của nhân viên nước ngoài, Việt Nam không cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư, đặc biệt trong tình hình kinh tế hiện nay khi các khoản chi phí đang được rà soát kỹ lưỡng.EuroCham kiến nghị Việt Nam cần có sự cân nhắc đối với việc chuyển nhiều lợi ích bằng hiện vật không bị tính thuế theo Thông tư 81 thành các khoản chi bị tính thuế theo Thông tư 84.Ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại của Phái đoàn Ủy ban Châu Âu cho rằng, những quy định mới này tạo ra sự so sánh không thuận lợi đối với khu vực láng giềng và có nguy cơ gây nên chảy máu chất xám ngoại, nếu các công ty lựa chọn bố trí các vị trí quản lý cao cấp tại các nước khác trong khu vực để tránh thuế thu nhập cá nhân tăng thêm tại Việt Nam.Kiến nghị về trần thuế cho chi phí quảng cáo và thúc đẩy phát triểnQuy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại về giới hạn trần 10% (và nâng lên 15% theo luật mới được áp dụng từ 1/1/2009) cho chi phí quảng cáo và thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp cũng được EuroCham đánh giá là chưa hợp lý.Chi phí quảng cáo và thúc đẩy phát triển (A&P) là một phần quan trọng của hầu hết các hoạt động kinh doanh của những công ty hàng tiêu dùng. Tại các nước ASEAN khác, chi phí này hoàn toàn được miễn trừ thuế.Tại Việt Nam, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại quy định rằng, ngoài một số ngoại lệ rất hạn chế, chi phí cho quảng cáo và thúc đẩy phát triển là không được miễn thuế khi vượt quá 10% tổng chi phí. Theo EuroCham, hạn chế này là phân biệt đối xử đối với các công ty đã chọn chi cho A&P tương đối cao hơn cho các sản phẩm của họ, đồng thời làm giảm tiềm năng của ngành dịch vụ A&P trong nước. Giới hạn trần miễn thuế đã được nâng từ 7% lên 10% vào năm 2004 và Nghị định 24 đã xác định một phạm vi rộng hơn các hạng mục được miễn thuế. Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư 134/2007/TT-BTC lại hạn chế các hạng mục có thể được miễn thuế.Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/1/2009 sẽ nâng trần này từ 10% lên 15%, tuy nhiên chỉ dành cho các công ty đang trong 3 năm đầu tiên hoạt động. "Điều này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp", ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam nói.Do đó, EuroCham kiến nghị: thứ nhất, các hướng dẫn về quy định này cần được triển khai mở rộng hơn nữa phạm vi các hạng mục được miễn giảm thuế nhờ đó giảm ảnh hưởng xấu của thuế theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp mới; thứ hai, cần thành lập một khung thời gian rõ ràng, trong đó chỉ ra các bước để công nhận đầy đủ chi phí A&P là chi phí kinh doanh hợp lệ và truyền đạt cho cộng đồng doanh nghiệp.Theo TBKTVN