Hội thảo cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam vào Slovakia. |
Hội thảo có sự tham dự của các doanh nghiệp Việt Nam, Slovakia và đại diện ngành thương mại của Slovakia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Tuấn cho biết, sau một năm Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, chúng ta cần xem lại tiềm năng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước và những thuận lợi và khó khăn khi đưa hàng hóa Việt Nam vào Slovakia nói riêng và châu Âu nói chung.
Đại sứ nêu rõ, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các nước tại Đông Nam Á đó chính là EVFTA với các điều khoản rộng mở, ưu đãi về thuế và lộ trình thực hiện so với các hiệp định khác.
Châu Âu là thị trường tiềm năng, quy mô rất lớn về nhập khẩu rau, hoa quả, cà phê, chè và các sản phẩm liên quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập vào thị trường châu Âu do hệ thống cung ứng, sản xuất còn manh mún thiếu đồng bộ; lĩnh vực vận tải chưa tham gia vào tổ hợp vận chuyển quốc tế để đảm bảo tốt quy trình xuất khẩu...
Hội thảo này là cơ hội để doanh nghiệp cùng đưa ra các vấn đề làm thế nào để việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên có thể bổ trợ lẫn nhau để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam tại Slovakia và doanh nghiệp Slovakia đều đánh giá cao các sản phẩm rau quả, cà phê, chè và các sản phẩm liên quan từ Việt Nam. Nhiều ý kiến quan tâm đến chất lượng hàng hóa và các giá trị gia tăng hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Có doanh nghiệp Việt Nam tại Slovakia với kinh nghiệm hơn 32 năm kinh doanh tại thị trường đã bày tỏ trăn trở về những tồn tại đối với hàng hóa của Việt Nam như làm thế nào để có nguồn cung cấp, chất lượng hàng hóa ổn định, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước... Vấn đề tạo sản phẩm thương hiệu Việt mang ra nước ngoài nhận được nhiều ý kiến đóng góp để có thương hiệu Việt thực sự uy tín.
Trên thực tế, Việt Nam có nhiều sản phẩm tự sản xuất, tự nuôi trồng, nhưng hiện tại thị trường Slovakia và châu Âu chưa có thương hiệu Việt, chỉ có các sản phẩm tương tự của nước khác như: hoa quả, gạo Thái Lan, gạo Campuchia...
Các đại biểu cùng chia sẻ cách chào hàng của sản phẩm Việt như thế nào trong bối cảnh có quá nhiều hàng hóa của các nước khác cùng cạnh tranh trên thị trường châu Âu và thế giới; đảm bảo công bằng thương mại đối với sản phẩm của Việt Nam nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người dân, đề cao văn hóa bản địa, quan tâm đến cộng đồng để phát triển bền vững.
Hội thảo cũng đã được nghe giới thiệu về “Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê tại Việt Nam” với sự phối hợp của Công ty TNHH sản xuất cà phê Minh Tiến. Đây là mô hình sản xuất hiện đại, khép kín từ khâu trồng trọt, tạo nguồn nguyên liệu cà phê cho tới các sản phẩm có giá trị đối với sức khỏe và môi trường.
Theo quy trình này, các sản phẩm từ cây cà phê sẽ được tận dụng tối đa để sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như trà sạch, túi đựng thực phẩm…
Mô hình sản xuất nêu trên đã chuyển tới các đại biểu thông điệp về xây dựng nền nông nghiệp và sản xuất cà phê bền vững, góp phần hướng người tiêu dụng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế biến đối khí hậu, giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Kết luận tại Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Tuấn đã cảm ơn đại diện các doanh nghiệp hai bên đưa ra nhiều ý kiến, thông tin hữu ích. Đại sứ quán sẽ tiếp thu và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hai bên để làm tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Slovakia, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Slovakia và châu Âu, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.