📞

Doanh nghiệp thích nghi với mạng xã hội như thế nào?

07:00 | 30/09/2016
Sự bùng nổ của internet, lượng người tiêu dùng sử dụng mạng xã hội (MXH) ngày càng lớn với tốc độ gia tăng nhanh chóng đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi rất căn bản trong chiến lược bán hàng và tiếp thị.
Mạng xã hội ngày càng phát triển chóng mặt. (nguồn: xahoithongtin)

Không chỉ sử dụng những cách quảng bá truyền thống, giờ đây, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần tận dụng những lợi thế của MXH, dựa vào cách người tiêu dùng tương tác với MXH để tự kiếm tìm khách hàng cho mình.

1/3 dân số Việt Nam sử dụng Facebook

Có thể nói, chưa khi nào công nghệ số có ảnh hưởng lớn tới đời sống của con người như hiện nay. Chiếc smartphone có kết nối internet trở thành “vật bất ly thân” của rất nhiều người. Buổi tối trước khi ngủ, vật cuối cùng cầm trên tay là smartphone. Buổi sáng, ngay khi tỉnh dậy, thứ đầu tiên mà họ kiếm tìm cũng chính là chiếc điện thoại.

Theo Báo cáo “Xu hướng đa nền tảng tại Việt Nam 2015” của Nielsen, 9/10 người tiêu dùng tại Việt Nam (91%) sở hữu điện thoại thông minh, so với 82% năm 2014. Trung bình, người Việt sử dụng 24,7 giờ để truy cập trực tuyến mỗi tuần, tăng 9 giờ so với năm 2014.

Tại Hội thảo Ngoại giao Công chúng diễn ra vừa qua, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo VietnamPlus chia sẻ, tính đến tháng 1/2016, Việt Nam có 47,3 triệu thuê bao internet, gần 143 triệu thuê bao điện thoại di động. Cũng theo ông Minh, “Facebook và Google biết rõ về chúng ta hơn cả mẹ chúng ta, thậm chí cả bản thân chúng ta”.

Tháng 3 năm nay, Facebook cũng đưa ra thống kê rằng MXH này có tới 35 triệu tài khoản tại Việt Nam, tương đương 1/3 dân số. Facebook là MXH số 1 Việt Nam và với nhiều người Việt, MXH chính là Facebook.

MXH thay đổi hành vi tiêu dùng

Việc lên ngôi nhanh chóng của các thiết bị kết nối internet, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính bảng, sự xuất hiện của MXH như Facebook, Instagram, Twitter, Zalo, Viber, What’s app... là các yếu tố đặc biệt quan trọng khiến hành vi tiêu dùng của con người chuyển dịch.

Có thể thấy, các xu hướng tiêu dùng hiện đại như: Mua hàng online, tiếp nhận thông tin trên MXH thay vì nguồn tin truyền thống, kết nối nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và bị ảnh hưởng dây chuyền kiểu “hiệu ứng đám đông” nhiều hơn.

Sự phát triển của công nghệ cũng mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn trong việc truy cập nội dung số, tiếp nhận thông tin theo nhu cầu. Xem gì, ở đâu, trên thiết bị gì, chủ động tìm kiếm các nguồn cung cấp nội dung số là thói quen tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng hiện nay. Trong khi đó, chỉ 5 năm trước, người tiêu dùng hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn thông tin truyền thống.

Ông Tạ Châu Sơn, Chủ tịch công ty Social CRM, Chuyên gia giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Trả lời phỏng vấn báo TG&VN, ông Tạ Châu Sơn, Chủ tịch công ty Social CRM, chuyên gia Giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp cho biết, MXH là sự phát triển vượt bậc của văn minh nhân loại, nó khiến con người xích lại gần nhau hơn, kết nối nhanh hơn, chia sẻ dễ dàng và nhiều hơn bất cứ phương tiện nào.

Khi đã đến với môi trường MXH, mọi người khó có thể dứt ra được, vì nó có tính giải trí rất cao. “Về mặt kinh doanh thì đây là điều tuyệt vời nhất do MXH giữ được khách hàng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần thích nghi kịp với MXH

Theo ông Tạ Châu Sơn, ngày nay, thậm chí xu hướng khách hàng tự tìm kiếm sản phẩm và dich vụ doanh nghiệp cũng đang dần chuyển sang doanh nghiệp tìm kiếm chủ động khách hàng trên MXH. “Một trào lưu thấy rất rõ rệt là mọi doanh nghiệp bị hiệu ứng domino, rất thích đưa sản phẩm và dich vụ của họ lên MXH”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, trong xu hướng “MXH hóa” này, doanh nghiệp nào phủ rộng sự hiện diện của mình tới nhiều cộng đồng trên MXH thì chắc chắn đang dẫn dắt về thương hiệu. Các doanh nghiệp chưa ý thức được việc này thì thấy ngay sự lấn sân thị phần của đối thủ cạnh tranh.

“MXH đang là tiêu chuẩn đào thải các doanh nghiệp không thích nghi kịp với sự tiến hoá của văn hoá tiêu dùng”, ông Tạ Châu Sơn khẳng định.

Trả lời phỏng vấn báo TG&VN, bà Trịnh Thị Vân, Brand & PR Manager, Công ty CP Tập đoàn Sunhouse cho biết, không nằm ngoài xu thế của thị trường, Sunhouse cũng đang sử dụng MXH như một kênh công cụ truyền thông tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn với chi phí  thấp hơn các công cụ truyền thông truyền thống khác.

Với MXH, nội dung truyền thông của doanh nghiệp trên đó cũng cần có sự phù hợp. Thấu hiểu NTD trên MXH và tạo ra những nội dung truyền thông thỏa mãn nhu cầu của họ là điều tối quan trọng đối với marketing hiện đại.

Trong khi đó, ông Tạ Châu Sơn cũng đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp trước trào lưu MXH như: Nghiên cứu sâu sắc về ảnh hưởng của MXH trong việc thay đổi tâm lý tiêu dùng; Tìm ra các cách thức gắn kết khách hàng trung thành với công ty; cách xây dựng và quản lý cộng đồng.

“Các doanh nghiệp cần có chính sách đóng góp trách nhiệm với xã hội, từ đó xác lập lòng tin của cộng đồng khách hàng với công ty. Các công nghệ mới cũng cho phép doanh nghiệp tạo và giữ liên lạc với cộng đồng khách hàng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Học cách lắng nghe người dùng MXH

Cũng qua trao đổi, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng người tiêu dùng thông qua MXH đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Vân, Brand & PR Manager, Công ty CP Tập đoàn Sunhouse. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Những khủng hoảng truyền thông thời gian gần đây như mất tiền trong tài khoản ngân hàng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm... để thấy được sức nặng của tiếng nói công chúng trên MXH đối với thương hiệu là rất to lớn.

“Nếu như media truyền thống mang tính độc thoại, thì điểm khác biệt hay cũng chính là thế mạnh mà MXH mang lại là tương tác (Engagement)”, ông Tạ Châu Sơn cho biết.

Các chuyên gia về marketing cũng nhận định, nếu các doanh nghiệp biết cách lắng nghe người tiêu dùng qua MXH, tận dụng 35 triệu người dùng Facebook để tạo ra tương tác phù hợp thì có thể chiếm lĩnh được Preference (sở thích), Love (tình yêu) và cao nhất là Loyalty (lòng trung thành) từ khách hàng.

Bên cạnh đó, đặc tính dễ lan tỏa và dễ tiếp cận của MXH đã cho phép “văn hóa tẩy chay online” trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Truyền thông MXH là con dao hai lưỡi, do đó đòi hỏi thương hiệu phải có kế hoạch quản trị khủng hoảng chi tiết và cẩn trọng.

Còn theo bà Vân, nhờ tính tương tác cao, qua MXH, công ty cũng có thể dễ dàng tiếp nhận các thông tin phản hồi từ phía khách hàng, cả tích cực và tiêu cực… điều mà các kênh truyền thông khác khó có thể làm được. “Từ việc lắng nghe những phản hồi đó, chúng tôi có chiến lược tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn”, đại diện Sunhouse chia sẻ.

Nếu như 10 năm trước, không ai hình dung được MXH là gì, thì đến thời điểm hiện tại, MXH thực sự đã là một phần trong cuộc sống của mỗi người hiện đại. Và khó hình dung được, 10 năm sau, hình hài của MXH sẽ như thế nào. Tuy nhiên, ngay lúc này, MXH đang tạo ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Vấn đề là, doanh nghiệp cần thích nghi với MXH như thế nào mà thôi.