Hướng tới phát triển bền vững
Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập nên cơ hội hợp tác, đàm phán với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là rất lớn. Hội nhập là nhân tố động lực và cũng là áp lực để thúc đẩy cải cách thể chế, mang lại luồng sinh khí mới cho sự phát triển kinh tế từ nay cho tới những giai đoạn tiếp theo. Và, điều đó không phụ thuộc nhiều vào triển vọng có hay không có TPP.
Phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp Việt khi hội nhập. (Nguồn: CND) |
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định, hội nhập là xu hướng phát triển tất yếu. Điều đó không phụ thuộc vào bất kỳ hiệp định thương mại nào, nhất là trong thế giới đa cực và các mối quan hệ hợp tác đa phương như hiện nay. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn để thích nghi với tình hình mới. Quan trọng là, không để tâm lý hội nhập lắng xuống và không bị phân tâm vì các diễn biến đối ngoại từ bên ngoài.
Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn để tồn tại, chưa nói tới mở rộng kinh doanh hay phát triển. Để thích nghi với hội nhập kinh tế quốc tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy mô nào cũng cần tính tới việc xây dựng các báo cáo bền vững như một công cụ để cải thiện hiệu quả kinh doanh, xác định cơ hội và rủi ro…
“Thậm chí, đó còn là “chứng chỉ” giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, là cam kết của doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững trong hội nhập”, ông Vinh nhấn mạnh.
Một đại diện tích cực nêu ý kiến nhiều nhất trong cộng đồng doanh nghiệp, phải kể tới Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Theo hiệp hội này, doanh nghiệp luôn “đau đáu” với việc làm sao để hoạt động hiệu quả; làm ăn có lãi; có thể cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng. Đa phần doanh nghiệp khi bắt đầu hoạt động đều mong muốn thu hái thành quả bằng nỗ lực tự thân. Song, trong quá trình vận hành, những bài học thực tiễn khiến không ít doanh nghiệp thất vọng. Nhiều doanh nghiệp “trả giá” không rẻ cho sự không thích nghi với cơ chế xin – cho, vốn còn tồn tại.
Cũng theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cảm hứng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp trông đợi vào áp lực cải cách thể chế sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh; đổi mới cung cách làm việc của các cơ quan, tổ chức, ban ngành; tạo nên sự thân thiện và gần gũi giữa doanh nghiệp với chính quyền. Sự song hành ấy phải là thực chất, phải nhìn thấy được bằng hành động và việc làm cụ thể... TPP hay rất nhiều hiệp định thương mại đã ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế khác đều là đích nhắm và là kỳ vọng áp lực đổi mới mà các doanh nghiệp Việt Nam đang trông đợi.
Doanh nghiệp hội nhập dù có hay không có TPP
Chia sẻ về cảm nghĩ của doanh nghiệp, ông Hoàng Đình Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Trung (Thanh Hóa) cho biết, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp không nhắc nhiều tới TPP hay cơn sốt về hội nhập quốc tế như thời gian trước. Điều đó không có nghĩa là sự quan tâm đã bị giảm sút. Cái chính là doanh nghiệp đang nhìn vào những động thái trước mắt, diễn biến hội nhập trong khu vực, sự cạnh tranh trên thị trường chung ASEAN sẽ ra sao khi những rào cản về thuế quan, về chính sách hạn chế thương mại, bảo hộ mậu dịch bị gỡ bỏ…
Tác động gần hơn TPP, còn có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP giữa ASEAN với 6 quốc gia đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Đó chính là mối quan tâm của doanh nghiệp. (Nguồn: Báo Đấu thầu) |
Doanh nghiệp luôn sát sao với những động thái và sự biến chuyển mà các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Bất cứ một chính sách, một cơ chế nào từ phía Chính phủ, từ các bộ, ngành quản lý hay từ địa phương mà có lợi hay bất lợi cho doanh nghiệp đều sẽ được tiếp nhận và phản hồi. Thời điểm này cũng cho thấy vị thế doanh nghiệp được nâng tầm. Điều đó có được là nhờ tinh thần hội nhập quốc tế, ông Trung khẳng định.
Trong rất nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng và tác động của diễn biến TPP, chính là hoạt động xuất khẩu thủy hải sản. Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH thương mại tổng hợp Phước Tiến, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản quy mô lớn của khu vực miền Trung cho biết, diễn biến chung của tình hình hội nhập quốc tế, cũng như của TPP không ảnh hưởng quá lớn tới doanh nghiệp. Để giữ sự ổn định và phát triển lâu dài, doanh nghiệp luôn linh hoạt và có kế hoạch sản xuất kinh doanh sát với tình hình thực tế, cũng như chuẩn bị phương án dự phòng.
Tác động gần hơn TPP, còn có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP giữa ASEAN với 6 quốc gia đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Ngoài ra, còn có các hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới khác nữa. Đó chính là mối quan tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay, nếu muốn vươn ra toàn cầu.
Có thể thấy, hội nhập là câu chuyện lớn và về lâu dài. Mỗi giai đoạn qua đi, tính thời sự có thể giảm, nhưng nền kinh tế vẫn không thể đi ngược xu hướng chung của toàn cầu. Nhất là khi tác động và ý nghĩa mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại có thể nhìn thấy, đong và đo đếm được bởi sự phát triển tích cực của mỗi cá thể doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp Việt Nam luôn nhận thức rõ và đang nỗ lực chuyển mình cho phù hợp. Song hiệu quả tới đâu còn cần Nhà nước, các cấp, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi và môi trường lành mạnh, “trong” và sạch cho doanh nghiệp phát triển, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.