Dù đã có những động thái từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền khó tiếp cận vốn vay. (Nguồn: VTC News) |
Thế nhưng, thông tin từ một số doanh nghiệp cho hay, hiện tại tác động chưa nhiều và thực tế vẫn còn khó để tiếp cận vốn vay.
Theo chia sẻ từ Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), các doanh nghiệp thời gian qua phải đối mặt với áp lực từ việc lãi suất ở mức cao và tỷ giá USD biến động trong thời gian dài. Trong khi đó, tại các thị trường, lạm phát vẫn ở mức cao khiến cho nhu cầu mua sắm của người dân giảm sút, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso nhận định, mục tiêu xuất khẩu 27 tỷ USD năm 2023 sẽ trở nên thách thức hơn, đặt trong bối cảnh thị trường toàn cầu giảm tiêu dùng. Ở trong nước, doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn vay, chi phí sản xuất tiếp đà tăng cao, cho thấy các doanh nghiệp phải duy trì hoạt động trong một giai đoạn khó tiên lượng.
Lefaso cho hay, từ quý IV/2022, trước tác động của lạm phát, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm tiêu dùng. Trong khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chậm lại, hàng tồn kho sản phẩm giày dép của các nhà bán lẻ, nhãn hàng tiếp tục ở mức cao sẽ làm xấu đi triển vọng đơn hàng trong nửa đầu năm 2023. Bên cạnh đó, Trung Quốc quay trở lại sản xuất, khiến nguồn cung tăng đột biến, trong khi cầu chưa phục hồi, càng gây áp lực lớn lên giá thành hàng hóa.
Không chỉ gặp khó khăn về thị trường mà ngay việc tiếp cận vốn để sản xuất, không ít doanh nghiệp cũng gặp trở ngại. Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, lãi suất giảm là tín hiệu tốt, nhưng mức giảm vẫn thấp nên không có nhiều tác động tới doanh nghiệp. Cùng đó, trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt, các tín hiệu từ thị trường trên thế giới chưa thực sự tốt lên thì doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
"Lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay tới doanh nghiệp cần có độ trễ để giảm theo, nên trong hiện tại, chưa có nhiều tác động tới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn do nhiều thủ tục liên quan, tài sản đảm bảo... Để đầu tư sản phẩm, nâng cấp công nghệ, chất lượng sản phẩm đòi hỏi thời gian kéo dài, trong khi thị trường ảm đạm, mọi lợi nhuận có được trong thời điểm này chỉ đang tạm giúp doanh nghiệp ổn định trở lại, gần như là duy trì, giữ chân người lao động và khách hàng", ông Kết nói.
Còn theo ông Đào Phan Long, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, những động thái về lãi suất từ cơ quan nhà nước là rất tốt, song tác động với ngành cơ khí, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là chưa nhiều bởi ngành cơ khí có lợi nhuận không cao, mức đầu tư lớn trong khi thu hồi vốn cần thời gian dài. Do vậy cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp cơ khí, từ lãi suất vay đến tiếp cận vốn vay để vực dậy ngành này sau giai đoạn nhiều khó khăn vừa qua. Doanh nghiệp hiện nay vẫn đang cầm chừng sản xuất, chứ chưa thực sự dám đầu tư mở rộng về công nghệ, máy móc, chứ không nói đến việc chuyển đổi số, hiện đại hóa.
Một doanh nghiệp dệt may lớn tại Hà Nội chia sẻ, với mức lãi suất hiện nay, dù đã có động thái giảm nhẹ, nhưng vẫn sẽ cân nhắc việc vay vốn từ ngân hàng. Bởi lẽ trước những khó khăn hiện nay cả về thị trường, lãi suất, lạm phát, tỷ giá thì các doanh nghiệp đều đang tự định vị lại mình, đa dạng nguồn cung, giữ chân người lao động, chờ giai đoạn phục hồi của ngành dệt may, da giày vào thời điểm quý II, quý III sắp tới.
Giữ chân người lao động để chờ đón sự phục hồi được xem là giải pháp quan trọng với các doanh nghiệp dệt may. Đây là ưu tiên hàng đầu được các doanh nghiệp hướng tới chứ không phải tìm kiếm nguồn vốn vay. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam khuyến nghị các đơn vị trong hệ thống tiếp tục duy trì, kiểm soát dòng tiền, vốn lưu động trong 6 tháng đầu năm, tiết kiệm nguồn lực để giảm khoản vay ngân hàng. Đáng chú ý, doanh nghiệp dệt may cần cân nhắc các chương trình đầu tư dự kiến của 6 tháng đầu năm; chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong 4 tháng đầu năm, đảm bảo việc làm là mục tiêu ưu tiên, cũng như kiểm soát những khoản chi phí không cấp bách.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặt bằng lãi suất trên thị trường lại phụ thuộc rất lớn vào lạm phát - ẩn số quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Áp lực lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng đến từ cả phía cung và phía cầu. Ở phía cung là giá cả nguyên vật liệu, hàng hoá đầu vào tăng cao khi các chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu, đặc biệt là xăng dầu hết hiệu lực. Đối với phía cầu, sức mua người tiêu dùng có suy giảm…
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu cơ chế đặc thù và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng... Việc này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì được dòng vốn đảm bảo hoạt động vượt qua thời kỳ khó khăn và không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành có thể cân nhắc tiếp tục giảm thuế hoặc hoãn thuế và tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động. Về lãi suất, nhà nước xem xét giữ mức lãi suất hợp lý với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động.