Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean, trả lời báo chí. (Ảnh: Bến Thành) |
Doanh nghiệp dệt may: Việt Nam “xuất phát chậm, bứt tốc nhanh”
Phát biểu bên lề diễn đàn, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Công ty Việt Thắng Jean đánh giá cao sáng kiến tổ chức một sự kiện về doanh nghiệp xanh - kinh tế tuần hoàn, đây vốn là xu hướng tất yếu.
Ông cho biết: “Chúng ta đề cập nhiều về sản phẩm xanh, doanh nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn song chưa có hành lang pháp lý để thúc đẩy, triển khai chương trình này. Vì vậy, thông qua diễn đàn này, tôi hi vọng Thủ tướng, các bộ, ban, ngành cùng hiệp hội và thành phố sẽ xây dựng bộ tiêu chí và hành lang pháp lý để Việt Nam hội nhập nhanh và xanh hóa ngành dệt may.”
Về thách thức trong chuyển đổi xanh, ông cho rằng nhận thức của con người, từ chủ doanh nghiệp cho tới người điều hành, về chuyển đổi xanh tại Việt Nam còn chưa cao. Ngoài ra, Việt Nam chưa có bộ tiêu chí cụ thể về tài chính xanh.
Liên quan tới thách thức ngành dệt may, ông cho rằng hiện Việt Nam đang bị thiếu đơn hàng do Bangladesh đang thúc đẩy chuyển đổi nhanh với nhân công giá rẻ. Song ông nêu rõ: “Dù chúng ta xuất phát chậm hơn, nhưng cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, tôi tin Việt Nam sẽ thay đổi nhanh hơn”.
Doanh nghiệp thực phẩm: “Phát triển bền vững” là xu thế
Trong khi đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực-Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân TP. Hồ Chí Minh (HUBA), cho biết Tập đoàn của bà lấy “phát triển bền vững” và thúc đẩy công nghiệp xanh làm khẩu hiệu.
Do đó, trong các khu công nghiệp đang vận hành hay các khu công nghiệp mới, Tập đoàn đều hướng tới sản xuất trung hòa carbon và khí thải bằng 0, đồng thời sử dụng nguyên vật liệu sao cho hạn chế tối đa khí thải. Với nỗ lực này, tháng 3 vừa qua, Tập đoàn đã vinh dự nhận giải thường về phát triển xanh.
Liên quan tới các đề xuất phát triển xanh cho TP. Hồ Chí Minh, bà nhận định: “Ở góc độ thành phố, chúng ta nên đi từng bước thông qua các chương trình cụ thể. Chẳng hạn như khối vận chuyển và khối văn phòng nên vận hành theo số hóa, nhằm hạn chế sử dụng giấy, vốn là một chỉ tiêu xanh. Một số khu vực và đơn vị nên sử dụng năng lượng thay cho điện. Ngoài ra, chúng ta không nên bê tông hóa các kênh rạch, thay vào đó nên phát triển theo hướng xanh. Và quan trọng không kém là phân loại rác thải và sử dụng phương tiện công cộng. Tất cả những hoạt động trên đều mang tính xanh”.
Bà cho rằng để chuẩn bị cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, TP. Hồ Chí Minh cần huy động nguồn vốn từ chính phủ và quốc tế nhằm vận hành các chương trình này.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM (FFA), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân TP.HCM (HUBA), chia sẻ nỗ lực của doanh nghiệp bà trong thúc đẩy phát triển xanh. (Ảnh: Bến Thành) |
Doanh nghiệp xây dựng: Nhận thức là “vấn đề lớn nhất”
Nhận định về nỗ lực phát triển xanh của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Secoin; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), cho rằng chính phủ đã xây dựng được nhận thức rất lớn về phát triển xanh. Ví dụ, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký cam kết phát thải bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Tuy vậy, theo ông, vấn đề lớn nhất ở Việt Nam vẫn là nhận thức. Nhận thức ở đây là từ các cơ quan của chính quyền, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các sở, ban, ngành, để xây dựng được các chuẩn mực cho các tiêu chí phát triển xanh trong từng ngành nghề, từng lĩnh vực, từng đối tượng doanh nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát thải bằng 0, nếu phát triển kinh tế quá mạnh có thể đi ngược với hành trình phát thải bằng 0. Vì vậy, chúng ta cần cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và giảm phát thải ròng.
Ông diễn giải: “Hiện nay trong một số lĩnh vực, ví dụ về xi măng, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới. Trong khi xi măng là ngành phát thải đứng thứ 5 toàn cầu, tương tự với sắt thép. Tương tự, hiện Việt Nam đang thiếu điện, Việt Nam tập trung cho phát triển nhiệt điện, sử dụng than. Đây là một mảng phát thải nhiều”.
Đồng thời, ông cũng cho rằng Việt Nam cần xây dựng thêm các hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo, nhấn mạnh rằng các chính sách, tiêu chí là vấn đề quan trọng để người dân cùng đồng hành trên hành trình phát thải bằng 0 vào 2050.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Secoin; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), cho rằng nhận thức vẫn là vấn đề lớn nhất của Việt Nam trong tăng trưởng xanh. (Ảnh: Bến Thành) |
Ngoài ra, theo ông, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc vượt qua khủng hoảng kinh tế song song với đạt phát thải bằng 0 năm 2050 đòi hỏi doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước đều phải “xanh hóa”. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam càng ngày càng phải thúc đẩy việc phải giảm thải khí CO2 trong quá trình sản xuất cũng như sử dụng. Bên cạnh đó, là việc tham gia nền kinh tế tuần hoàn, nỗ lực giảm thiểu rác thải… Đây đều là những câu chuyện rất dài, cần phải xây dựng những nhận thức của doanh nghiệp là cần có sự chuyển đổi.
Trong bối cảnh đó, ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng Việt Nam cần sớm áp dụng ngay những chuẩn mực cho hành trình xanh của doanh nghiệp như quy trình quản trị theo ESG, tuyên bố về môi trường EPD, phân tích dòng đời sản phẩm theo IGA… Đây là những chuẩn mực doanh nghiệp cần phải thiết lập. Khi thiết lập như vậy, mô thức kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thay đổi hoàn toàn so với truyền thống. Song chỉ có vậy, doanh nghiệp mới có thể hi vọng tồn tại trong tương lai sắp tới.
Đồng thời, Việt Nam cần phải xây dựng ý thức người dân, tập quán sử dụng sản phẩm, hướng vào những sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Phải có sự giáo dục, đào tạo cho các công dân ngay từ lúc còn nhỏ, là cần phải có ý thức để bảo vệ môi trường, không xả rác thải, phân loại rác ngay từ đầu nguồn…
Theo ông, những thay đổi, dù nhỏ, sẽ tạo cho cả một đất nước, từ trẻ em đến người lớn, doanh nghiệp đến cơ quan công quyền… ý thức để hướng tới phát thải bằng 0. Còn không, câu chuyện phát thải bằng 0 năm 2050 vẫn chỉ là khẩu hiệu, và Việt Nam sẽ tụt hậu với thế giới trong hành trình tiến tới phát thải bằng 0.
| Cứu nạn thành công 7 người trong vụ sập nhà dân tại TP. Hồ Chí Minh Ngày 24/9, Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ - PC07 Công an TP. Hồ Chí Minh đã thông tin ... |
| Vụ sập nhà bốn tầng tại TP. Hồ Chí Minh: Hai nạn nhân được cấp cứu kịp thời, tạm ổn định Vào khoảng 12h30 ngày 24/9, căn nhà 4 tầng tại hẻm 133 đường Bình Quới (phường 27, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đang ... |
| TP. Hồ Chí Minh khởi động 'hành trình vạn dặm' tới tăng trưởng xanh Sau thành công của Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023 (HEF 2023) với chủ đề “Tăng trưởng xanh ... |
| Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh trả lời về vấn đề thu tiền cơ sở vật chất lớp học Đại diện Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ về thắc mắc của nhiều phụ huynh trước vấn đề năm nào cũng thu ... |
| TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền một số quy định pháp luật hiện hành cho đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài Ngày 29/9, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tuyên truyền một số quy định ... |